Văn Biển & Những ngày không bóng đá

26/05/2008 15:13 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Từng có những lúc “oải” đến mức mong ước được xa rời bóng đá một thời gian, nhưng giờ đây, khi đã “toại nguyên”, Văn Biển mới thấm thía thế nào là nỗi cô đơn của một người phải quay lưng với trái bóng...

Từ mong ước... khó tin

“Có nhiều lúc em chỉ mong một tuần không bóng đá, không tập luyện, không thi đấu, chỉ có đi chơi...” - thật khó tin đó lại là tâm sự của một cầu thủ chuyên nghiệp. Mà chuyên nghiệp thì đến như Văn Biển đã là hàng “Top” ở Việt Nam rồi.

Tôi không có nhiều dịp trò chuyện với Biển, thường thì chỉ là những câu thăm hỏi xã giao trong buổi tập, những cái bắt tay khá chặt trước khi ra trận hay vài lời động viên chia sẻ lúc Biển vừa thi đấu xong, mồ hôi còn chảy tong tong trên mặt. Vì thế, thoạt nghe anh nói về nghề như vậy, tôi không khỏi... giật mình. Nhưng nghe Biển rành rọt phân tích từng tí một, sự cảm thông cũng dần lấp đầy câu chuyện.

Hóa ra để khoác được chiếc áo “tuyển”, để xúng xính với những phần thưởng nọ kia, để đá được những đường banh làm rực lửa Mỹ Đình..., những cầu thủ như Văn Biển đã phải vắt kiệt đến từng đường gân thớ thịt. Nói không ngoa, nghề bóng đá đôi khi biến các cầu thủ thành một cỗ máy. Quanh năm chỉ có ăn, tập, thi đấu, rồi lại ăn, tập, thi đấu - một vòng quay tẻ ngắt, vừa nhàm chán vừa nặng nhọc.

Cái vòng quay ấy của Văn Biển lại dày đặc và gấp gáp hơn nhiều cầu thủ khác. Là trụ cột ở Nam Định, là thành viên không thể thiếu ở đội tuyển Olympic, là vị trí then chốt ở ĐTQG..., chỉ đóng 3 “vai” ấy đã đủ khiến một người sức lực được đánh giá là “phi thường” như Biển mệt nhoài. 2 năm qua, Văn Biển chưa có lấy một tuần nghỉ ngơi thực sự. Cứ kết thúc vài vòng đấu ở V-League là lại đến đợt tập trung các đội tuyển.

Mặt trận nào cũng quan trọng, mặt trận nào cũng bị đòi hỏi phải dốc sức đá hết mình. “Vậy là cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, em chỉ được ở nhà có 2 hôm là mùng 1 và mùng 2” - Biển tâm sự. Có nhiều khi nhịp điệu bóng đá cứ cuốn Biển vào đó mà chính bản thân anh cũng không thể xác định được mình lấy đâu ra năng lượng “khủng” đến thế. Đến lúc quá mệt mỏi, quá căng thẳng, giật mình nhận ra điều đó thì... chấn thương đã ập đến.

Đến nỗi cô đơn ngoài sân cỏ

Chấn thương, mà đặc biệt là chấn thương đầu gối, là nỗi ám ảnh lớn nhất của dân thể thao. Văn Biển “dính” ngay cái “kiếp nạn” này. Nhắc lại chuyện cũ, Biển không nguôi... hậm hực: “Anh bảo, nếu không bị quá tải, đầu bảo mà chân không nghe, thì làm sao em bị đau như thế này được”? Biển là dạng cầu thủ tinh quái, “tỉnh đòn”, nhưng đúng vào thời điểm anh sắp “hết pin” thì cú chuồi bóng mạnh như búa bổ của một cầu thủ ngoại Đà Nẵng đã biến hậu vệ thành Nam thành “thương binh”.

Vào Viện Y học TDTT phẫu thuật gối, những ngày đầu, Biển thấy cuộc sống quả là thư thái. Không còn những buổi tập hùng hục giữa trời nắng như đổ lửa, cũng không bị áp lực khiến đầu óc đờ đẫn hẳn đi trước mỗi buổi chiều thứ Bảy, Chủ nhật khi xỏ giày vào sân thi đấu... Nhàn hạ đọc báo, xem ti vi, đi đi lại lại và chờ bác sỹ đến thay băng, cái vết đau mổ nội soi bé như hạt đỗ xanh cũng chẳng đau nhức gì.

Văn Biển (vàng) trong màu áo ĐPM.NĐ
 
Cứ đến bữa, vợ chưa cưới lại xách đồ ăn vào chăm bẵm. “Đời sống cao”! - Biển cao hứng kết luận. Nhưng rồi chẳng bao lâu mà cái đời sống cao ấy lại khiến Biển buồn chán. Cái thú vui bóng đá trở lại rất nhanh, như đòi hỏi của một cơ thể... thiếu thuốc. Biển nhận ra rằng mình chẳng khác gì một con nghiện bóng. Nghiện mà nhu cầu không được đáp ứng thì khổ sở vô cùng. Biển đã thử một vài động tác chạy nhẹ nhàng nhưng dường như cái đầu gối khó bảo vẫn chưa đồng ý. “Ban đầu em cứ nghĩ mổ nội soi thì nhanh bình phục lắm, chắc chỉ mất cùng lắm là tháng rưỡi. Thế mà không ngờ đến hơn 3 tháng rồi vẫn chưa tiến triển chút nào”.

Cho đến tận thời điểm này, Văn Biển vẫn chưa thể tập lại cùng các đồng đội ở ĐPM.NĐ. Trưởng đoàn Nguyễn Hưng Thái buồn rầu: “Chẳng biết Biển có đá được vào đầu mùa năm sau không nữa. Đến giờ mà chỗ đau vẫn tràn dịch ra mỗi khi nó chạy thì còn làm ăn được gì”. Thế là mơ ước dự SEA Games thứ hai trong đời Biển đã tan tành. Trước lúc lên bàn mổ, Biển đã tính rất xa, khi vết đau lành cũng là đợt chuẩn bị then chốt cho SEA Games 24. Ông Riedl, ông Mai Đức Chung cũng động viên Biển rằng như thế có thể sẽ tốt hơn cho tương lai của Biển, và cho cả đội tuyển. Có ai ngờ diễn biến vết thương khó lường như vậy... “Em mà biết cơ sự này thì em cố đá nốt SEA Games rồi mới mổ” - Biển tiếc rẻ. Sự tiếc rẻ có thể dễ dàng quy đổi ra các giá trị vật chất, chưa nói đến tinh thần.

Sơ sơ mà tính thì vết đau quái ác kia đã cướp không của Biển cả trăm triệu đồng, từ các trận đấu của đội Olympic ở vòng loại Bắc Kinh 2008, từ cuộc hành trình “hoành tráng” của ĐTVN ở Asian Cup cộng thêm lương, thưởng ở CLB... Theo lời Biển dốc bầu tâm sự thì cả nửa năm đá quần quật chỉ đủ để dưỡng thương (mà chi phí ở viện đã được hỗ trợ từ nguồn đóng bảo hiểm của CLB).

Chuyện cưới vợ có khi cũng phải gác lại, dù cô bạn gái hơn Biển 3 tuổi cũng đến lúc “sốt ruột” rồi. Tuy nhiên, tất cả những thiệt thòi ấy giờ chẳng thấm vào đâu so với sự cô đơn, một mình lủi thủi trong lúc chúng bạn ráo riết luyện quân cho mùa bóng mới. Có lúc nằm vắt tay trên trán ngắm trần nhà, Biển lại chặc lưỡi tự an ủi: “Âu cũng là cái đời chơi bóng, đá nhiều quá cũng khổ mà không được đá còn khổ gấp trăm gấp vạn lần. Thôi thì đành chờ đợi...”

Xuân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm