Vài suy nghĩ về hàng Việt và người tiêu dùng Việt

08/10/2009 15:38 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Ra khỏi chợ, tôi chỉ thấy thương mấy chị dựng xe đứng bên đường bán rong hoa quả, đằng sau là những quả mít với những múi mít căng mọng, thơm phức. Tôi cười thầm: Có bao giờ bên Tây người ta gọi nhau bán cho một kg Mít Việt Nam không nhỉ?

1. Tôi có một sở thích khá đặc biệt là thích xem những chương trình quảng cáo trên tivi. Đã có một quảng cáo mà tôi khá ấn tượng, và tôi tin chắc rằng có nhiều người xem tivi cũng rất thích quảng cáo đó, phần lớn những người cùng muốn xem như tôi là các em thiếu nhi đang tuổi “uống sữa”. Chắc các bạn cũng đoán ra là tôi đang muốn nói đến chương trình quảng cáo nhãn hiệu sữa ZinZin cuả công ty Elovi, một chương trình quảng cáo với giai điệu đặc trưng và hình ảnh hoạt hình vui nhộn đã thực sự gây ấn tượng với đối tượng khách hàng chính của hãng hướng đến là các em thiếu nhi. Đến nỗi, quảng cáo đó còn tạo ra một cơn sốt “Zìn Zin” trong người tiêu dùng. Nhưng khá đáng tiếc, cơn sốt kia cũng chỉ tồn tại trên hình thức ảo là âm thanh vui nhộn ở những bản nhạc chuông di động, trong những trò chơi vận động của trẻ nhỏ, không lạ gì nếu thấy ở sân một trường mẫu giáo, cô giáo vừa tập động tác thể dục cho các cháu 4, 5 tuổi và các bé hát theo: “Bay cao nào, nhảy cao nào. Nào nhảy cùng Zin Zin”.

Theo tôi được biết, doanh số thu về của công ty này cũng chỉ ở mức trung bình (chưa thể cạnh tranh được với một số nhãn hiệu “quen mặt” như Vinamilk*), nghĩa là sản phẩm của họ vẫn bán không chạy, ít nhất là chưa tương xứng với thương hiệu quảng cáo của sản phẩm này. Rõ ràng việc quảng cáo tốt đã xây dựng được một thương hiệu tốt của Elovi trong lòng người tiêu dùng, cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghe lại tiếng nhạc đó, nhiều người vẫn biết đó là quảng cáo của một hãng sữa gọi tên là Zin Zin. Nhưng, có lẽ xây dựng thương hiệu tốt thôi cũng chưa đủ. Thực tế là hệ thống của Elovi cũng chưa đủ để cạnh tranh với nhãn hiệu Vinamilk-một nhãn hiệu sữa số 1 hiện nay ở Việt Nam, chứ chưa nói đến cạnh tranh với sản phẩm sữa nước ngoài. Rõ ràng, ngoài việc xây dựng thương hiệu thì các nhà cung cấp sản phẩm phải có chính sách phân phối, chính sách giá, khuyến mãi, và có lẽ, quan trọng nhất theo tôi vẫn là chất lượng mỗi sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra.

2. Nhân nhắc đến chuyện sữa, mới đây mặc dù có một số sản phẩm sữa nước ngoài bị khuyến cáo là có nhiễm khuẩn, hay khác nữa là đã “xé luật” ở Việt Nam thì với bản tính của người tiêu dùng là tin dùng hàng ngoại thì vẫn khó có thể thay đổi được. Tôi còn nhớ rất rõ vào thời gian ấy, tâm lí hoang mang là điều không tránh khỏi của những bậc phụ huynh có con đã và đang dùng sữa. Nhưng cũng như cách mà phần đông đã chọn, hoặc là họ bỏ sử dụng sản phẩm sữa, hoặc là họ vẫn dùng và vẫn lo lắng về sản phẩm mà chính họ đang dùng. Ngay khi đó, có một số nhãn hiệu khác ở Việt Nam thực sự đã dược Bộ Y Tế công nhận là không có chất nhiễm khuẩn thì vẫn không nằm trong sự lựa chọn của những ông bố, bà mẹ vốn đã “quen” dùng đồ ngoại.

Có bao giờ bên Tây người ta gọi nhau bán cho một kg Mít Việt Nam không?
(Nguồn ảnh: Internet)

Lúc 17h40, trong gian hàng hoa quả của một chợ khá lớn ở Hà Nội. Tôi gặp một người phụ nữ đi xe tay ga đắt tiền, đỗ xịch ở một cửa hàng bán hoa quả lớn và xuống xe. “Chị ơi, lấy cho em một cân nho Mỹ, một cân xoài Thái Lan, một ít lê Hàn Quốc và mấy quả đào Trung Quốc nhé!” Tôi nghĩ bụng: “Chắc chị này định tổ chức tiệc cho các bạn ngoại quốc”. Trước ánh mắt nhìn của tôi, người phụ nữ quay đi vờ nói với cô bán hàng: “Em mua đi ông giám đốc đấy chị ạ, cứ thích mấy đồ này thôi, tý sang bên kia mua ít nhân sâm Hàn Quốc nữa cho nó đầy đặn”. Ra khỏi chợ, tôi chỉ thấy thương mấy chị dựng xe đứng bên đường bán rong hoa quả, đằng sau là những quả mít với những múi mít căng mọng, thơm phức. Tôi cười thầm: Có bao giờ bên Tây người ta gọi nhau bán cho một kg Mít Việt Nam không nhỉ?

Vẫn thấy chỉ số tâm lí tiêu dùng hàng nội của người Việt Nam còn rất thấp, mà hầu như là không có, vì người tiêu dùng Việt Nam chỉ tin tưởng đồ nhập ngoại, coi đó là sản phẩm tốt nhất, họ không tin tưởng vào chất lượng của những sản phẩm trong nước. Đó, theo tôi nghĩ là một điều mà nhà cung cấp sản phẩm cần nhìn nhận, đánh giá và từ đó tạo ra lòng tin cho người tiêu dùng trong nước.

Quay trở lại với sở thích khá thú vị của tôi là xem quảng cáo. Tôi còn nhớ tôi đã từng rất có ấn tượng với một quảng cáo rất đơn giản nhưng đủ sâu sắc để người tiêu dùng có thể có lựa chọn thông minh nhất. Đó là quảng cáo mặt hàng loa của công ty điện tử Nam Môn. Quảng cáo dựa trên hình ảnh của những diễn viên hài đối thoại với nhau, đại ý là: Loa mua ở đâu mà tốt như thế? – Loa Mỹ? – Loa Nhật? – Không, là Nam Môn”. Có lẽ, đã đến lúc, nhà cung cấp sản phẩm Việt cần đưa ra những lời khẳng định về sản phẩm của mình, chất lượng cũng như giá cả, ưu đãi… Tôi tin và hi vọng rằng, không có một nhà tiêu dùng nào là một nhà tiêu dùng không thông minh!

08/10/09.

Thái Anh

Chú thích: * Những số liệu lấy thông tin từ Internet:
http://www.vnceramic.org.vn/content/viewer.asp?a=169&z=9
http://www.cyvee.com/Modules/News/View.aspx?newsId=17319

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm