V-League ngày càng khó đoán

22/05/2023 09:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

Chỉ mới 7 vòng đấu mà B.Bình Dương đã phải thay đến 3 HLV khác nhau với người nhận nhiệm vụ mới là Lê Huỳnh Đức, một người từng có 2 chức vô địch với Đà Nẵng nhưng nay lại chuyên đi giải cứu các con tàu đắm. Điều đó cho thấy V-League là giải đấu khắc nghiệt đến mức nào.

Để chứng minh cho tính chất gay cấn của V-League thì cứ xem con số các trận hòa. Hai đội HAGL và SLNA hiện  đang đứng lững lờ giữa nhóm tranh vô địch và nhóm trốn xuống hạng, đều đang sở hữu 6 trận hòa. Hãy nhớ là V-League chỉ mới đá có 8 vòng mà thôi. Một đội bóng cũng hòa rất nhiều là Hải Phòng, á quân của mùa trước với 5 trận, bằng với Viettel, nhà vô địch của năm 2020.

Thử đi sâu vào các con số. HAGL đá 8 trận thì chỉ mới thắng 1, hòa đến 6 và cũng chỉ ghi được 12 bàn đồng thời thủng lưới 11 bàn. Đây là đội bóng từng được xem là đại diện tiêu biểu mỗi khi nói về thứ bóng đá tấn công, cống hiến. Ấy vậy mà đội bóng của HLV Kiatisuk đang là đội bóng xếp thứ 5 trong danh sách các đội ghi nhiều bàn nhất của V-League. Đa số các đội chỉ ghi tầm 1 bàn/trận. Đội ghi bàn nhiều nhất là Thanh Hóa hiện đang đứng đầu bảng nhưng con số này cũng chỉ mới 15, tức là chưa đến 2 bàn/trận.

Tiêu biểu cho vấn đề khô hạn bàn thắng đó là trường hợp của Thép Xanh Nam Định. Đội bóng vốn được kỳ vọng là "ngựa ô" mùa giải hiện chỉ mới có 7 bàn sau 8 trận, một con số… gây sốc, bởi nó chỉ hơn đội chót bảng B.Bình Dương đúng 1 bàn nhưng đó là chưa tính đến trận Khánh Hòa - B.Bình Dương diễn ra chiều qua.

Điều đáng nói hơn là dù đang nằm trong nhóm đầu nhưng số bàn thua của đội bóng thành Nam hiện là 8, tức là còn nhiều hơn số bàn thắng và thậm chí thủng lưới nhiều hơn cả đội SHB Đà Nẵng đang đứng áp chót bảng xếp hạng (7 bàn).

V-League ngày càng khó đoán - Ảnh 1.

V-League mùa này khắc nghiệt ở điểm Thanh Hóa (trái) đang dẫn đầu bảng xếp hạng nhưng không sở hữu chỉ số vượt trội so với các đối thủ bám đuổi. Ảnh: Hoàng Linh

Câu hỏi đặt ra là tại sao một đội bóng công chẳng tốt, thủ chẳng giỏi mà lại đang có thứ hạng tốt? Tại sao một đội bóng được được đầu tư lực lượng ồ ạt, có kinh nghiệm thi đấu V-League lâu năm, nhưng các con số chuyên môn lại không phản ảnh rằng họ xứng đáng được kỳ vọng? Rộng ra, V-League có phải là một giải đấu ổn hay không khi tồn tại những con số nghèo nàn về yếu tố cống hiến đến vậy.

Trả lời được những câu hỏi trên thì sẽ có đáp án cho HLV Philippe Troussier về nguyên nhân mà V-League không phải là sân chơi cho các cầu thủ trẻ. Nó khốc liệt và nói đúng hơn, là nặng mùi thực dụng. Hiện có đến 8 đội bóng chỉ mới để thủng lưới ở mức 1 bàn/trận, trong đó có cả những đội tốp cuối như Đà Nẵng (7 bàn thua sau 7 trận). Con số bàn thua của một đội bóng yếu như vậy cho thấy sự chênh lệch trình độ ở các trận đấu là không nhiều, từ đó, các đội bóng sẽ còn phải thận trọng hơn nữa chứ không thể mạo hiểm mở trận đá tấn công.

Vị trí chót bảng trước vòng 8 của Bình Dương là điển hình. Đội bóng từng 4 lần vô địch V-League này chưa bao giờ yếu cả. Họ có thói quen mỗi lần chơi không tốt là cứ thay HLV và đâu sẽ vào đấy. Mùa này thì không. Dù sở hữu Rimario lẫn Tiến Linh nhưng Bình Dương chỉ mới có 6 bàn thắng ở 7 trận đầu tiên, buộc phải nhờ đến cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức để khai thông "nòng súng", đặc biệt là tiền đạo số 1 quốc gia Tiến Linh. Hãy hình dung xem, một cầu thủ vừa đoạt danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup nhưng về V-League thì lại bế tắc việc ghi bàn, điều đó nói rằng V-League khắc nghiệt hay là mảnh đất đang triệt tiêu sự sáng tạo?

Không phải tự nhiên mà HLV Troussier nhắc lại việc ông sẽ phụ thuộc khá nhiều vào V-League. Nếu đội U22 ông còn có thể chọn cầu thủ từ đội U20 hoặc từ một vài giải đấu trẻ, thì cấp độ đội tuyển quốc gia buộc phải lấy hạt nhân từ V-League. Tư tưởng kiểm soát bóng của HLV Troussier sẽ vận hành ra sao khi V-League phủ một màu thực dụng hoặc quá thiên về sự an toàn trong thi đấu? 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm