19/11/2022 06:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
Nhưng nhiều người lại cho rằng, chính Hà Nội FC đã "cố tình" tạo ra drama cho cuộc đua, chứ sau lượt đi, với chỉ 1 thất bại, thì chẳng có lý do gì để Hà Nội lại vụt tay khỏi danh hiệu lần thứ 6. Một mình một ngựa đã đành, nếu về đích quá sớm, thì có khi mùa sau chẳng còn ai muốn đua nữa.
Đó không hẳn là thuyết âm mưu. Trong lịch sử của mình, bóng đá Hải Phòng có 3 lần về nhì tại V-League vào các năm 2010, 2016 và năm nay. Cả 3 lần họ đều là bại tướng của Hà Nội FC (Hà Nội T&T trước đây). Nhưng đây là mùa giải mà Hải Phòng chơi thành công nhất khi thắng đến 14 và chỉ thua có 4 trận sau 24 trận đấu.
Nghĩa là Hải Phòng đã đạt đến đỉnh cao của mình. Với Bình Định cũng vậy, họ có mùa giải vô địch quốc gia thành công nhất lịch sử, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ khi kém Hà Nội FC đến 6 điểm. Chừng đấy thôi đã thấy nghẹt thở khi đua với Hà Nội FC, nếu bị bỏ xa hơn, thì chẳng biết lãnh đạo của "ngựa ô đất Võ" có đủ kiên nhẫn để gia tăng đầu tư hay không?
Nói như vậy để thấy chức vô địch lần thứ 6 của Hà Nội FC có nhiều thách thức nhưng cũng là dịp để họ thể hiện một bản lĩnh mà không đội nào tại V-League có được. Đây là mùa giải duy nhất mà luồng dư luận "5 ông ốm đánh 1 ông mập" không còn được nói nhiều.
Đơn giản là các đội bóng được cho là có quan hệ với Hà Nội FC đều phải tranh trụ hạng đến trối chết, lấy sức lực nào để "giúp" đàn anh. Hà Nội FC vô địch chỉ đơn giản là họ quá mạnh so với phần còn lại của V-League. Hình ảnh tiêu biểu nhất cho sức mạnh ấy chính là việc Hà Nội FC đá không có Quang Hải trong hơn 2/3 chặng đường.
Họ cũng lần đầu tiên vô địch mà không cần đến sự giúp sức từ các ngoại binh. Cầu thủ ngoại ghi nhiều bàn nhất của Hà Nội FC là Vinicius chỉ có 8 bàn, còn kém hơn cả Phạm Tuấn Hải. Trong số 46 bàn mà Hà Nội FC đã ghi, chỉ có 10 bàn đến từ các ngoại binh. Đây là con số kém nhất trong 6 chức vô địch của Hà Nội FC.
Thế nên, nếu cần một phép so sánh, có lẽ phải nói đến một phiên bản của Bayern Munich hay PSG của Việt Nam. Nghĩa là Hài Nội FC "thao túng" V-League trên mọi góc độ. Họ vô địch trong sự ngờ vực, tức tối của các đối thủ nhưng chẳng ai có thể phủ nhận sức mạnh một đội một của họ được cả.
Mùa giải trước, đội bóng Thủ đô đã có thời điểm đánh mất toàn bộ các phẩm chất ưu tú của mình, nhưng chỉ sau vài tháng, họ đã tái tạo mọi thứ. Phải có nội lực mới làm được điều như vậy.
Xét trong toàn bộ lịch sử bóng đá Việt Nam, có lẽ chỉ Thể Công huyền thoại mới đạt đến sức mạnh ấy. Nhưng nếu xét trong quãng thời gian 13 năm, thì chắc chắn Hà Nội FC hoàn toàn không có ai để so sánh.
Lấy HA.GL làm điển hình, đội bóng này vừa tròn 20 năm chơi chuyên nghiệp nhưng suốt 10 năm qua, đua tranh vô địch không còn nằm trong suy nghĩ của họ.
Đấy chính là sự khác biệt giữa Hà Nội FC và phần còn lại của V-League. Một bên đã quá mạnh, mà khao khát thì chưa bao giờ cạn. Một bên thì hoặc là chỉ "sớm nở, tối tàm", hoặc "đá cho vui", thì làm sao tạo ra cuộc đua hấp dẫn cho một thời gian dài như kiểu Big 5, Big 6 bên trời Âu.
Chúng ta lấy chính đội Sài Gòn FC, đội bóng mà cách đây 7 năm, vốn là Hà Nội B sau khi thăng hạng đã phải chuyển vào TP.HCM để tránh vi phạm qui chế chuyên nghiệp. Từ năm 2020, đội này được bán cho chủ mới, được cho là một tập đoàn có tiềm lực tài chính khá "khủng".
Ngay từ đầu, họ đã định hướng sẽ "J-League hóa" tức là làm bóng đá theo kiểu Nhật Bản. Nhưng chỉ sau 3 năm, lại nghe ông chủ này đã "sang tay" cho người khác, cũng là một tên tuổi khá lớn trong giới bất động sản.
Một đội bóng có nền tảng tốt, thành tích không đến nỗi nào, nhưng cho dù được các "đại gia" tiếp nhận thì đích đến của Sài Gòn FC có thể lại là tấm vé xuống hạng sau vòng đấu cuối cùng sắp diễn ra. Chưa biết uẩn khúc ra sao, nhưng rõ ràng, làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam không dễ.
Để thành công lại càng khó. Và để được như Hà Nội, bây giờ là cả một giấc mơ. Trước người ta hay nói, có tiền mới làm bóng đá chuyên nghiệp được. Bây giờ, có tiền cũng chưa chắc làm được! Và điều đó, khiến cho việc đầu tư vào các CLB trở nên khó khăn hơn với các doanh nghiệp. Đó là "hậu quả" mà sự vượt trội của Hà Nội FC để lại.
Câu hỏi còn lại: Hà Nội sẽ làm gì tiếp theo khi đã đủ đầy mọi thứ ở sân chơi quốc nội. Thực tế cho thấy, dù thống trị V-League nhưng cuộc chơi ở châu Á vẫn còn đầy thách thức với đội bóng Thủ đô. Có thông tin họ đang tìm một HLV châu Âu để thiết lập đẳng cấp quốc tế cho mình, đó là một nước đi tất yếu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất