V-League 2009: Có ai đáng xem, ngoài Đà Nẵng?

05/08/2009 13:19 GMT+7 | V-League

(TT&VH)  - SHB.ĐN vô địch trước 3 vòng. Họ xứng đáng. Họ mạnh nhất. Họ  cũng là đội bóng đáng xem nhất. Nhưng ở V-League, còn đội bóng nào đáng xem nữa?

Trên bảng xếp hạng, T&T HN đứng thứ hai và về lý thuyết họ có thể là đội bóng rất đáng xem. Nhưng trên thực tế, ở đội bóng này cái đáng xem chỉ nằm ở chỗ Công Vinh phối hợp với Francois trên hàng công, hay trung vệ Cristiano đá rất đầu óc cùng cái chân trái rất ngoan. 

Bản thân sự vươn lên của T&T HN đã “tố cáo” V-League 2009 có những vấn đề về chuyên môn, bởi chỉ cần thay 5 ngoại binh là rất nhiều đội bóng sẽ lột xác và trở thành một thế lực nếu trong 5 cầu thủ ngoại ấy có tối thiểu 3 vị trí xuất sắc.  Cụ thể, vấn đề ở đây, bên cạnh sức mạnh tăng lên của T&T HN thì đã có rất nhiều đội bóng khác đã suy yếu và không đạt được sự ổn định.

Ngôi vị số 2 của T&T HN do họ tự đi lên và cũng do cả các đối thủ khác “kính biếu”, điển hình là trận đấu ở vòng 23 với Bình Dương. Đó là trận đấu mà T&T HN chơi tầm thường, chiến thắng trong run rẩy và sự căng cứng của Hữu Thắng trên băng ghế huấn luyện.


SHB.ĐN vô địch V-League 2009 trước 3 vòng

Sông Lam Nghệ An khá thường xuyên có mặt trong tốp 3 và thành tích này đáng ra cũng phải giúp họ trở thành đội bóng đáng xem sau SHB.ĐN. Nhưng Sông Lam dường như chỉ chơi hay và giàu cảm xúc ở trên sân Vinh, còn trên sân khách, họ chỉ có trận đấu đáng nhớ với Thể Công (nhưng đó lại là trận đấu mà họ thua).
 

Đồng Tháp cũng khá ổn định và họ cũng giống như Sông Lam, là chỉ bùng nổ và tràn trề sức mạnh ở sân nhà Cao Lãnh.

Bình Dương, HAGL và ĐTLA, 3 đội bóng mang tính biểu tượng trước đây, 2 đội đầu tiên cho trường phái tấn công cống hiến đã không còn đảm bảo được tính thẩm mỹ cùng sự hiệu quả, còn đội thứ ba thực sự mất phương hướng sau khi từ bỏ lối chơi phòng ngự phản công đã ăn sâu vào máu, mất HLV Calisto và mất những cầu thủ tốt nhất vì chấn thương.

Những cuộc đối đầu giữa 3 đội bóng này, hoặc có sự góp mặt của họ ở mùa này với các đội bóng cạnh tranh khác hầu hết không phải là những trận đấu chất lượng.
 

Ở đầu mùa bóng, có khá nhiều những trận đấu quyến rũ được người hâm mộ, ấn tượng về phong cách chơi bóng và sự thể hiện của các cá nhân. Như Thể Công và Bình Dương ở vòng 3 trên sân Hàng Đẫy là một cuộc trình diễn ở đẳng cấp cao. HAGL trong một số thời điểm chơi tấn công rất mềm mại và luôn thể hiện tư tưởng chơi bóng một cách rõ nét. 

Nhưng, những trận đấu như thế ngày càng hiếm khi sức ép phải thắng đè nặng. Mà sự chuẩn bị của các đội cho mùa giải dường như đã không tỉ lệ thuận với khát vọng của chính họ và kỳ vọng của người xem.

Sự thiếu kiên nhẫn của các đội bóng cũng đã “can thiệp” rất nhiều vào chất lượng chuyên môn. Khi hầu hết các đội bóng đều thay HLV và sự thay đổi về lối chơi do sự khác biệt trong triết lý của mỗi ông thày đã khiến cho các đội bóng không có sự ổn định. Bình Dương là điển hình cho trường hợp này. ĐTLA, HAGL, XMHP và Thể Công cũng vậy. 

SHB.ĐN vô địch, người ta không nghi ngờ về sức mạnh của họ. Thày trò HLV Huỳnh Đức là số 1 không phải nhờ các đội bóng khác tự suy yếu, mà họ vượt trội so với phần còn lại. Nhưng chỉ với điểm sáng duy nhất ấy thì không đủ để kéo chất lượng chuyên môn của V-League lên cao, tương xứng với những chờ đợi và đầu tư của chính các đội bóng.

V-League cho tới thời điểm này chỉ đáng xem ở những cuộc đua về tiền bạc, với những khoản thưởng điên rồ cho một trận đấu, và phần còn lại của mùa giải chỉ ý nghĩa với cuộc đua trụ hạng. Như thế, rõ ràng không đủ!

Phong Vũ

Có một sự bù đắp lại ở các cá nhân khi những cầu thủ như Leandro, Merlo, Lee Nguyễn, Công Vinh, Văn Quyến đã chơi bóng và cống hiến để giúp cho các trận đấu còn có những điểm nhấn và những điều đáng nhớ. Đó chính là lý giải cho việc nhiều người chỉ tới sân để xem các cá nhân chơi bóng.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm