Chernobyl 25 năm nhìn lại

17/03/2011 19:52 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bác bỏ khả năng sẽ có một Chernbyl thứ hai, nhưng các vụ nổ và rò rỉ khí phóng xạ đang diễn ra tại Nhật Bản đã một lần nữa nhắc dư luận nhớ lại thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử điện nguyên tử này.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Thử nghiệm chết người

Vào ngày 25/4/1986, lò phản ứng số 4 chuẩn bị ngừng hoạt động để bảo dưỡng theo lịch trình. Nhân cơ hội này, người ta muốn tiến hành một thử nghiệm để xác định xem các turbine phát có thể cấp đủ điện tới hệ thống an toàn của lò phản ứng, đặc biệt là cho các bơm nước làm mát lò, trong trường hợp nhà máy bất ngờ bị cắt nguồn điện từ bên ngoài. Thử nghiệm này từng được thực hiện tại Chernobyl trước đó một năm. Nhưng khi đó nguồn điện từ các turbine tạo ra đã xuống thấp quá nhanh nên người ta phải thay đổi hệ thống và thử nghiệm lại.

Lúc 11 giờ tối, các kỹ sư làm việc trong ca đêm ngày 25/4 ở tổ máy số 4 bắt đầu hạ các thanh điều khiển vào lò nhằm hấp thụ các tia neutron và qua đó làm chậm phản ứng phân hạch. Kế hoạch ban đầu là làm giảm công suất của lò xuống chỉ còn 20% tổng công suất. Nhưng do quá nhiều thanh điều khiển được hạ xuống nên công suất sụt giảm nhanh, dẫn tới việc lò gần như bị ngắt hoạt động hoàn toàn.

Lo ngại về khả năng mất ổn định của lò, các kỹ sư bắt đầu nâng các thanh điều khiển ra để tăng công suất. Tới 1 giờ sáng, mức năng lượng trong lò vẫn chỉ đạt 7% nên người ta quyết định kéo thêm nhiều thanh điều khiển nữa ra khỏi lò. Hệ thống ngừng hoạt động khẩn cấp bị tắt để lò có thể tiếp tục hoạt động trong điều kiện năng lượng yếu.

Với mục tiêu tăng công suất lò lên nhanh, các kỹ sư liên tục kéo thêm nhiều thanh điều khiển nữa ra. Tới 1h23 sáng, mức năng lượng đã tăng lên 12% và đó là lúc cuộc thử nghiệm bắt đầu. Chỉ vài giây sau khi cuộc thử nghiệm diễn ra, bất thình lình, năng lượng trong lò tăng vọt lên mức nguy hiểm. Nhiệt độ trong lò tăng lên cực cao, khiến nước làm mát lò nhanh chóng bốc hơi. Tính tới thời điểm này, trong lò chỉ còn có 6 thanh kiểm soát, quá ít so với mức an toàn tối thiểu là 30 thanh.

Quang cảnh lò phản ứng số 4 ở nhà máy điện Chernobyl vỡ tung sau tai nạn


Kịch bản của thảm họa

Người ta lập tức nhấn nút ngừng hệ thống tự động và các thanh điều khiển bắt đầu được đưa vào lò để chặn phản ứng phân hạch. Nhưng việc thanh điều khiển đi vào từ trên xuống đã vô tình choán chỗ của nước làm mát, lúc này đang đóng vai trò cốt tử trong việc giữ lò không bị tan chảy, qua đó khiến phản ứng phân hạch ở phần dưới của lò càng tăng mạnh thêm. Năng lượng được sản xuất gia tăng lên gây ra biến dạng đường dẫn thanh điều khiển. Các thanh điều khiển bị tắc lại sau khi mới chỉ được đưa vào trong 1/3, và vì thế, không thể dừng phản ứng lại được

Chỉ 44 giây sau khi cuộc thử nghiệm bắt đầu, công suất của lò phản ứng tăng vọt lên gấp gần 100 lần mức bình thường. Các thanh nhiên liệu bắt đầu chảy ra và áp lực hơi nhanh chóng tăng lên gây ra một vụ nổ hơi lớn, làm bắn tung và phá hủy nắp lò phản ứng, làm vỡ các ống dẫn nước làm mát và sau đó thổi bay một mảng trần.

Khi không khí bên ngoài được hút vào qua lỗ hổng, cộng với điều khiện nhiệt cao, nó đã gây cháy khí CO bên trong và vụ cháy kéo dài tới 9 ngày. Do lò phản ứng số 4 không được chứa bên trong một lớp vỏ bê tông gia cường như nhiều lò phản ứng của các nước phương Tây hiện đại, một lượng lớn phóng xạ đã theo vụ nổ thoát ra ngoài khí quyển.

Từ ngày thứ 2 tới ngày thứ 10 sau vụ tai nạn, khoảng 5.000 tấn boron, dolomite, cát, đất sét và chì đã được người ta dùng trực thăng đổ vào phần lõi vẫn đang cháy của tổ máy số 4, qua đó giảm bớt đáng kể việc phát xạ ra môi trường. Tới tháng 12 năm 1986 một quan tài bê tông lớn đã được dựng lên, để phủ kín lò phản ứng và những rác phóng xạ bên trong.

Lan khắp Châu Âu

Hãng tin BBC nói rằng ở Anh hiện vẫn còn một số nông trại đang nằm trong diện cần kiểm soát do có liên quan tới thảm họa Chernobyl.

Tuy nhiên vụ tai nạn đã khiến một lượng lớn phóng xạ kịp phát tán. Một số ước tính cho rằng toàn bộ khí xenon, một nửa lượng iodine cùng caesium-137 và ít nhất 5% vật liệu phóng xạ ở lò phản ứng số 4 (vốn chứa 192 tấn nhiên liệu) đã bị tung vào bầu khí quyển. Lượng phóng xạ thoát ra được cho là lớn hơn 100 lần các quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Các vật liệu này đã theo gió bay tới Ukraina, Belarus, Nga và còn vươn sang cả các nước châu Âu khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova, Litva, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slovakia, Slovenia, Thụy Sĩ, Đức, Italia, Pháp và Anh. Hãng tin BBC nói rằng ở Anh hiện vẫn còn một số nông trại đang nằm trong diện kiểm soát do có liên quan tới thảm họa Chernobyl.

Trong số những nạn nhân đầu tiên của thảm họa có lính cứu hỏa đã tới dập lửa trên mái tòa nhà chứa turbine phát điện. Lửa ở tòa nhà này được dập chỉ trong vài giờ. Nhưng lượng phóng xạ thoát ra rất cao trong ngày đầu tiên xảy ra tai nạn, lên tới 20.000 millisievert, đã gây ra 28 cái chết, với 6 trong số đó là lính cứu hỏa.

Khoảng 200.000 người từ khắp nơi ở Liên Xô đã tham gia vào việc dọn dẹp vụ nổ lò phản ứng trong giai đoạn 1986 - 1987. Họ cũng bị nhiễm xạ nặng, trung bình khoảng 100 millisievert. Khoảng 20.000 người trong số đó nhiễm 250 millisievert và vài người nhiễm 500 millisievert. Nhóm nhiễm xạ cao nhất là 1.000 người thuộc lực lượng ứng phó khẩn cấp và các kỹ sư đang làm việc tại Chernobyl trong ngày đầu xảy ra tai nạn.

36 tiếng đồng hồ sau vụ nổ, chính quyền Liên Xô tổ chức di tản dân cư sinh sống chung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đến tháng 5/1986, dân cư trong vòng bán kính 30 km, khoảng 116.000 người, được di tản định cư nơi khác. Tuy nhiên, tác hại phóng xạ đi xa hơn vòng bán kính 30 km này. Trong những năm sau đó, thêm 220.000 phải dời tới nơi an toàn và bán kính 30km tính từ Chernobyl (2.800km2) đã mở rộng lên mức 4.300km2.

Chernobyl được xem là vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất. Sau này có nhiều vụ tai nạn hạt nhân và phóng xạ khác đã xảy ra nhưng không vụ nào có mức ảnh hưởng rộng lớn như thảm họa Chernobyl.

Bài học từ Chernobyl

Giới phân tích đánh giá, một trong những lợi ích mang tính thực dụng từ vụ tai nạn Chernobyl là thiết kế lò phản ứng hạt nhân của các nước phương Tây, cũng như quy trình điều hành nhà máy điện hạt nhân, đã quan tâm nhiều hơn tới vấn đề an toàn. Hiển nhiên, vấn đề an toàn của toàn bộ lò phản ứng do Liên Xô thiết kế đã được cải thiện rất mạnh. Chuyện này có được là nhờ sự phát triển cái gọi là “văn hóa an toàn”, hình thành từ việc tăng cường hợp tác giữa phương Đông với phương Tây và những khoản đầu tư lớn của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân vào việc cải tiến các lò phản ứng.

Kể từ năm 1989, hơn 1.000 kỹ sư hạt nhân tới từ các nước thuộc Liên Xô cũ đã thăm các nhà máy điện hạt nhân phương Tây và ngược lại. Nhiều chương trình hợp tác quốc tế cũng được triển khai theo sau vụ Chernobyl.

Diễn đàn Chernobyl nói rằng khoảng 7 triệu người hiện đang được hưởng phúc lợi hoặc trợ cấp vì bị ảnh hưởng sức khỏe do vụ Chernobyl. Âu cũng là sự bù đắp xứng đáng cho họ vì đã vô tình liên quan tới tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử.


Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm