UBND tỉnh Thanh Hoá đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển năm 2023

24/11/2022 22:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 24/11, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày tại phiên họp nêu rõ: Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực. Nổi bật là dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, tỷ lệ số ca mắc COVID-19 và tử vong do COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 11– 2022: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản sản xuất ổn định và khá toàn diện, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ước năm 2022, có 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thêm 120 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh lên 278 sản phẩm, 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Tiếp nối đà tăng trưởng tích cực trong năm 2021, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 16,31% so với cùng kỳ; hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống, chủ yếu vẫn duy trì đà phát triển ổn định, có sản lượng tăng cao. Trong năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân (Triệu Sơn), Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực (Triệu Sơn)...

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; có 12/13 lĩnh vực thu vượt dự toán. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 138.919 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (6 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 50,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai tích cực, kịp thời, hiệu quả. Tính đến ngày 15-11-2022, có 3.157 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, vượt 5,2% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước. Bên cạnh đó, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 11– 2022: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Bám sát thực tiễn, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cao kết quả đạt được trong năm 2022 cũng như một số tồn tại, hạn chế đã nêu ra trong báo cáo. Đồng thời, phân tích những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến thu ngân sách Nhà nước; việc giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư...

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thống nhất với những kết quả đạt được trong năm 2022 được đưa ra trong báo cáo.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt kế hoạch đề ra, trong đó có những chỉ tiêu vượt so với kế hoạch; những tồn tại, hạn chế, vướng mắc được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và giải quyết có hiệu quả. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, cấp ngành và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương.

UBND tỉnh Thanh Hoá đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển năm 2023 - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận

Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế liên quan đến thu hút đầu tư; việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số và yêu cầu các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan phải thẳng thắn nhìn nhận sớm đưa ra các giải pháp khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất với định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được đưa ra trong báo cáo. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực cố gắng; dự báo và bám sát diễn biến thực tiễn để có sự chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nhằm giữ vững ổn định kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định lòng dân...

Trong thực thi nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải thích ứng, linh hoạt, quyết liệt theo hướng vừa tập trung hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, vừa đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực có thế mạnh và tập trung xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Có biện pháp xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho ý kiến vào một số chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 như chỉ tiêu về tổng giá trị xuất nhập khẩu, về huy động vốn đầu tư phát triển. Đồng thời yêu cầu, thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-01-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 21-3-2022 của UBND tỉnh về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách thuộc Chương trình; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn lực cho chính sách khác còn dư địa để thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP trong trường hợp cần thiết.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023) theo Nghị quyết số 38/NQ-CP, ngày 17-3-2022 của Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

H.T. Ảnh: Báo Thanh Hoá

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm