Lý do để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 'Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'

31/08/2020 11:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tại hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức sáng 31-8, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nêu lên 6 lý do quan trọng để để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này.

Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chiều 4/7, tại Thanh Hoá, Ban chỉ đạo 218 (Ban Kinh tế Trung ương) phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hoá tổ chức Hội nghị lần thứ 2 về "Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, 6 lý do, bao gồm:

Thứ nhất, Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh có 3 vùng địa lý; có quy mô lớn về diện tích (thứ 5 cả nước); là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Thứ hai, Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với tên gọi có từ hơn 990 năm qua; dân số đông thứ 3 cả nước; nhiều di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc; có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, là “Kho người, kho của” trong kháng chiến.

Thứ ba, Thanh Hóa là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là nơi kết nối đồng bằng Sông Hồng với Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa có đầy đủ 5 loại hình giao thông; nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Quốc Hương)

Thứ tư, trong 10 năm qua (Giai đoạn 2010-2020), Thanh Hóa có nhiều đột phá phát triển: Đặc biệt là đột phá về tăng trưởng, đột phá về thu ngân sách; đột phá về thu hút vốn đầu tư; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm đầu cả nước. Thanh Hóa có cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng đã được xây dựng trong thời kỳ vừa qua như, Khu Kinh tế Nghi Sơn; Cảng nước sâu; Cảng hàng không Thọ Xuân…Thanh Hóa đang cần một tầm nhìn mới cho phát triển.

Thứ năm, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 sẽ giúp Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, với tác động cộng hưởng, lôi kéo, thúc đẩy kinh tế vùng; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, giảm áp lực cho thủ đô về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giảm áp lực cho ngân sách Trung ương; trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa, nhanh, bền vững.

Thứ sáu, việc ban hành Nghị quyết 58 là hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, thì nhất định được, vì người đông, đất rộng, của cải nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết số 58 đối với Thanh Hoá. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh, Bộ Chính trị ghi nhận những thành quả đã đạt được của tỉnh Thanh Hóa; động viên, khích lệ Thanh Hóa phát triển; khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hoá. Đồng thời, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức; mở đường cho những giải pháp mới, đột phá, thu hút nguồn lực trong bối cảnh mới…

Phạm Nguyễn

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm