U23 VN: Sở trường và sở đoản

21/09/2011 13:06 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - 4 tiền đạo được sử dụng ở trận đấu với Tuyển SV Hàn Quốc (bao gồm Đình Tùng, Văn Quyết, Hoàng Thiên và Văn Thắng), đều có sở trường chơi tiền vệ; thêm tiền vệ vào sân thay người nữa ở cuối trận (Âu Văn Hoàn và Trần Tấn Đạt) cũng chỉ có xuất phát như một hậu vệ cánh thuần túy.

Văn Quyết và đội trưởng Đình Tùng lãnh ấn tiên phong, chơi ở nơi cao nhất trong sơ đồ 4-4-2 mà HLV Falko Goetz phác thảo. Có thể thấy là họ đã rất cố gắng cải thiện để thích nghi với vị trí khá mới lạ này, nhưng thành công (dù chỉ một lần) vẫn là thứ xa xỉ.

Nhưng pha bóng đá chú ý nhất và đáng xem nhất của cặp “song sát” này lại thường diễn ra bên ngoài khu vực cấm địa của đối thủ, thậm chí ngoài biên, khi họ nhận bóng ở thế đối mặt với hậu vệ đối phương.


Văn Bình (trái) dù sao cũng là tiền vệ nên khi có cơ hội vẫn không thể dứt điểm lạnh lùng và chuẩn xác như một cây săn bàn thứ thiệt. Ảnh: Quang Nhựt

Trong màu áo Thanh Hóa, Đình Tùng đã ghi được rất nhiều bàn thắng, nhờ được đặc cách chơi khá tự do trên hàng công. Kỹ năng ra chân của Tùng “con” rất đặc biệt và đồng đội đã từng nửa đùa nửa thật rằng Đình Tùng ngủ dậy là có bàn thắng.

Rõ ràng là Tùng không có thói quen (và gần như không thể) chơi bóng ở thế xoay lưng vào hàng phòng ngự đối thủ. Cần nhắc rằng, đây là một kỹ năng cực khó và ở Việt Nam, tìm đỏ con mắt cũng chỉ có vài cái tên đáp ứng được. Cầu thủ xứ Thanh đã… ăn gian vị trí bằng cách di chuyển diện rộng, dạt biên hoặc lùi về lấy bóng đột phá.

Chuyện tương tự với Văn Quyết, chuyên gia chạy cánh của HN.T&T. Cho đến trước khi những người làm chuyên môn phát hiện ra kỹ năng leo biên, tạt bóng và cả đột phá ghi bàn của Quyết thì cầu thủ người Hà Tây (cũ) đã xuất phát ở vị trí hậu vệ cánh (trong đội hình U19 Việt Nam).

Ở nửa sau hiệp nhì, HLV Goetz thay đổi phương án với đối tác trên hàng công là tân binh Hoàng Thiên và Văn Thắng. Nhưng, đây cũng không phải là các mẫu tiền đạo sở trường. Trong màu áo CLB, U23 Việt Nam, cũng như Olympic Việt Nam trước đó, họ đều chơi tiền vệ. Thậm chí, Văn Thắng còn lùi khá sâu trong sơ đồ 5 tiền vệ hình chữ V của Olympic Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng. Giờ bị gò đá tiền đạo, tất nhiên, sự hiệu quả là con số không rất tròn.

Ngoài Tuấn Anh (Đồng Nai) chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, cảm giác như ĐT U23 Việt Nam dưới thời HLV Falko Goetz đang đói tiền đạo thực sự. Đó là lý do mà thuyền trưởng người Đức đã phải dùng rất nhiều phương án trám chỗ, như các trường hợp vừa nhắc.

Trên thực tế, đội bóng hoàn toàn có thể chơi với sơ đồ bao gồm các tiền đạo ảo. Đó như một biện pháp để đánh lừa đối thủ trong việc phân công kèm người. Trong những tình huống như thế, các tiền vệ thường là những người lãnh ấn ghi bàn. Trận đấu chiều qua với Tuyển SV Hàn Quốc, Văn Bình đã hơn một lần xâm nhập khu vực cấm địa đối phương và ra chân, và có thể đó là chủ ý của HLV Goetz.

Trong quá khứ, khi nắm B.BD thống trị V-League 2 năm liền, HLV Lê Thụy Hải đã không ít lần thành công với cách bày bố này.

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh ĐT với CLB. U23 Việt Nam là một phạm trù khác và khá tách bạch. Ở đây, HLV Goetz chỉ có người trẻ, thậm chí là rất trẻ, nên khả năng thích nghi cũng chậm, và dễ rơi vào trạng thái căng cứng khi bị gò vào chiến thuật, chơi bằng sở đoản.

Hy vọng, bằng với quỹ thời gian còn lại, các học trò của HLV Goetz có thể học được cách chơi bóng bằng với sở đoản.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm