Tuyển tập Trần Hòa Bình: Công trình kể biết mấy mươi

01/09/2009 14:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà thơ Trần Hoà Bình mất ngày 16-8-2008, đến hôm nay đã quá một năm. Nhưng ngày giỗ đầu (tính theo âm lịch, 16-7) thì là ngày 4/9 tới. Một năm qua, rất nhiều người thương tiếc một tài năng như anh phải ra đi từ quá sớm. Và cũng rất nhiều người thấy tiếc hơn khi biết còn bao nhiêu dự định anh chưa kịp làm, trong đó có việc in riêng cho mình một tập thơ, một tập trước tác…


 Tuyển tập Trần Hòa Bình
1.
Đó là một điều lạ. Bởi một nhà thơ tài ba như anh, đã sáng tác hàng trăm bài từ năm 1970 mà đến nay, bạn đọc nói chung chỉ biết anh qua một số bài thơ lẻ tẻ đăng báo. Anh viết phê bình đây đó cũng nhiều nhưng tập hợp để in một tuyển riêng dày dặn cũng không. Cái tính lãng tử đã làm anh “tặc lưỡi” bỏ qua nhiều cơ hội cần làm cho mình. Rồi đến khi anh đột ngột ra đi, bạn bè và đồng nghiệp mới thấm thía và nhận ra một khoảng trống, một sự thiếu hụt không thể bù đắp: Một nhà thơ, nhà báo, nhà giáo thành danh như anh mà khi ra đi ở tuổi 53, vẫn không kịp để lại cho đời một ấn phẩm xứng đáng “ra tấm ra món”. Thật tiếc biết bao!


Và thế là, ngay sau khi Trần Hoà Bình mất, gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp thân thiết đã nghĩ tới ý tưởng thay anh làm công việc này. Phải làm ngay mới kịp. Mọi người đều nhất trí tâm niệm một điều, chỉ có thế thì mới thực sự thoả nguyện tấm lòng với anh linh người đã khuất. Nhưng đây là một công việc khó, vô cùng khó. Bởi sáng tác của Trần Hoà Bình khá đa dạng: thơ (với nhiều thể loại), kí, truyện ngắn, phê bình văn học, hội hoạ, các bài báo đủ loại, ...

Khi còn sống, anh ít quan tâm lưu giữ và thực tế, anh lưu giữ tác phẩm của mình khá tản mạn. Khá nhiều bài báo, sách vở... đã in không nằm trên giá sách vốn rất tuềnh toàng của anh. Vì vậy, ban sưu tầm tuyển chọn (gồm 7 người thân trong gia đình và 3 người bạn, đứng đầu là PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật VN) đã vô cùng vất vả để lần tìm cho ra những gì được coi là di sản tinh thần của Trần Hoà Bình.

Thời gian vẫn cứ trôi vùn vụt. Việc tuyển chọn mất công là một nhẽ. Nhưng lại còn phải biên tập, xin giấy phép, chế bản, in cho kịp nữa. Trong khi các thành viên của nhóm còn vướng bao nhiêu việc khác nữa. Rồi tiền in (thực tế là đã in 400 bản, hết 46 triệu) lấy ở đâu ra? Thật nan giải.


10h sáng ngày 4/9, nhân giỗ đầu nhà thơ Trần Hòa Bình, cũng là dịp ra mắt Tuyển tập, gia đình sẽ tổ chức cuộc gặp mặt cùng bạn bè tại nhà riêng tại Khu tập thể Học viện Báo chí Tuyên truyền.
 2.
Ấy vậy mà vào ngày 28/8/2009, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được Trần Ngũ Châu - cậu em trai của Trần Hoà Bình - gọi điện báo tin là cuốn sách Trần Hoà Bình - Tuyển tập tác phẩm vừa in xong ở NXB Hội Nhà văn. Trần Ngũ Châu xúc động nói: “Anh ạ, cuốn sách bao nhiêu năm mong mỏi của cả gia đình em đã ra mắt rất kịp thời, vì chỉ còn đúng 1 tuần nữa là giỗ đầu anh Bình”.


Cầm cuốn sách bìa cứng, khổ lớn (16x24), dày 880 trang, in rất đẹp, thú thực là tôi đã lặng đi hồi lâu. Tôi không ngờ là tâm nguyện của những người thân, những bạn bè, những người yêu quý Trần Hoà Bình lại có thể được thực hiện một cách trọn vẹn trong một thời gian ngắn ngủi đến thế.


Nhà thơ Trần Hòa Bình

Cuốn sách bố cục theo 6 phần chính: I. Thơ, II. Thơ văn cho thiếu nhi, III. Phê bình - tiểu luận, IV. Một số tác phẩm báo chí, V. Một số tác phẩm mĩ thuật, VI. Trần Hoà Bình trong cái nhìn và tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp. Bạn đọc sẽ có dịp “chiêm ngưỡng” một chân dung Trần Hoà Bình “đa mang” và đa tài như thế nào. Chỉ riêng 155 bài thơ các loại đã đủ làm nên một hồn thơ tài hoa, đậm đà hương sắc (Bài Thêm một đã có ngót chục bài bình trên các báo). Các bài bình văn của anh trong sách giáo khoa, báo và tạp chí vừa ngắn gọn, vừa hồn nhiên, vừa sâu sắc.

Thú vị nhất là 58 bức hoạ, gồm tranh vui và tranh nghệ thuật đã in trên báo và minh hoạ cho sách. Nhóm biên soạn cũng đã tập hợp được 67 bài của bạn bè đồng nghiệp viết về Trần Hoà Bình (trước và sau khi anh mất) và một số lượng ảnh đáng kể. Trong đó, người đọc nhận ra bao nhiêu tình cảm mến thương, tiếc nuối và cảm động.

Cũng là ấn phẩm như bao nhiêu ấn phẩm khác, song Tuyển tập Trần Hoà Bình quả là một cuốn sách đặc biệt, đầy ý nghĩa, chan chứa tình người và mang một nét đẹp rất nhân văn, rất đời. Đằng sau đó là công sức của biết bao người. Đúng là “công trình kể biết mấy mươi”. Một nét nhang thơm mãi nhân ngày giỗ đầu của Trần Hoà Bình. Anh vẫn còn vẹn nguyên trong lòng độc giả.


Đã qua rồi lá rụng, một mùa thu

(Nhân một năm Trần Hoà Bình ra đi)

Nghe đâu đây thảng hoặc tiếng chim gù
Và tiếng sóng sông Cà Lồ gần lắm
Thu vừa sang, giông tố chưa bình lặng
Mưa vẫn theo gót trẻ nối nhau về

Một chiều giữa bao chiều
Thấp thoáng một triền đê
Ai bẻ củi... trước hiên nhà Phủ Quảng?
Bạn bè nhiều như lá rừng phóng khoáng
 Gieo một câu thơ thắp sáng mấy phương trời

Không thể tin một năm đã qua rồi
Tin nhắn hẹn gặp nhau cuối tuần
Vẫn còn lưu trong máy
Tôi vẫn đợi
Không biết đây là lần thứ mấy...

Bạn đã đi nhẹ nhàng như thế đấy
Để lại giữa cuộc đời
Nặng trĩu nỗi ưu tư
Bạn đã về rồi đấy ư?
Giở mỗi tờ báo hôm xưa
Gặp biết bao lời thương cho bạn

Tôi vẫn như gặp lại Trần Hoà Bình sau một trận mưa
Nhẩn nha gỡ kính ra lau . Một chiều tóc xoã
Thăm thẳm xứ Đoài giữa muôn trùng bóng lá
Có một chiếc lá vàng nằm lại giữa hương thu...

(*)Ý và lời trong các bài thơ Thêm một, Sông chảy trước nhà, Khi mùa mưa đến, Sơn Tây một phía... của Trần Hoà Bình.

Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học & Bách khoa thư)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm