Từ vụ "Hoa nắng": Chúng ta đang lúng túng về chuẩn thẩm mỹ

14/03/2012 10:33 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - LTS: Sau những phản hồi về cảnh "nóng" trong bộ phim truyền hình Hoa nắng, TT&VH tiếp tục nhận ghi nhận những ý kiến của những người trong nghề điện ảnh, các chuyên gia ở các lĩnh vực khác. Theo dõi chủ đề này trong suốt tuần qua, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng đã chia sẻ ý kiến của riêng bà về vấn đề này.

>> Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ thông tin của vụ việc tại đây

Rất khó hiểu về những lý do khiến khán giả VN, nhất là khán giả trẻ chấp nhận được những cảnh nóng một cách bình thường như trong những phim Mỹ đang chiếu tại rạp gần đây, thí dụ phim Chạng vạng chẳng hạn, nhưng lại khó chấp nhận được những cảnh “gường chiếu” tương tự  trong nhiều bộ phim “quốc nội”.

Về bản chất, nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và tất nhiên là cả phim truyền hình luôn có những “cảnh nóng” mà khán giả có thể chấp nhận được, thậm chí là thấy rất đẹp chứ không hề thô tục.

1. Đơn cử, tôi có từng nghe những ý kiến về việc Chí Phèo của Nam Cao đưa vào giảng dạy trong nhà trường thì bị cắt bỏ đoạn cặp nhân vật chính giao duyên trong vườn chuối. Cá nhân tôi cho rằng nếu quả thực có việc cắt xén ấy thì đó là một cách xử lý tăm tối, thô lậu và xúc phạm tới tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu của văn chương người viết truyện ngắn bậc thầy trong văn học hiện đại VN là Nam Cao, bởi nó đã tồn tại trong một hình thức duy nhất độc đáo của chính nó, mà không có cách gì làm biến dạng nó cả. Xin hãy để nguyên vẻ đẹp nguyên bản của nó và dừng ngay cái cử chỉ bất nhã đó.

Về thẩm mỹ, tôi chưa bao giờ thấy trang viết nào nói về cảnh chung đụng của con người mà lại nhã nhặn và tinh tế như thế, khi Nam Cao tả cảnh ăn nằm giữa Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối làng Vũ Đại. Nam Cao chẳng mảy may bận tâm tả cảnh hai thân xác quấn quýt yêu đương đầy bản năng trong những cử động hình thể của con người, dù ông hoàn toàn có quyền làm thế, ông chỉ cần tả ánh trăng, vườn chuối và một chi tiết- hình ảnh “những tàu lá chuối giãy lên đành đạch như hứng tình”. Và đẩy cuộc chung đụng rất bản năng hoang dại ấy là nguyên cớ đánh thức những tình cảm rất nhân văn của nhân vật chính Chí Phèo về quyền được sống, được hạnh phúc, được có gia đình như những người nông dân khác trong làng Vũ Đại.

Những cảnh “giường chiếu” trong phim Việt không còn là “của hiếm”.
(Ảnh có tính chất minh họa)

Một ví dụ khác: khi theo học nghề lý luận phê bình sân khấu ở Liên Xô, tôi từng chứng kiến một cảnh diễn nóng bỏng trong vở diễn nổi tiếng của Nhà hát Tuổi Trẻ St-Peterburg Những ngôi sao trên bầu trời buổi sớm: Một cặp diễn đang diễn cảnh đôi tình nhân yêu nhau theo cách tả thực trên sân khấu. Đạo diễn đã khéo xử lý nghệ thuật, nhất là xử lý ánh sáng sân khấu và hình thể sân khấu (bởi trên người nhân vật không còn một mảnh vải nào để che thân) nhằm diễn tả một cảnh thật trong sự hòa quyện thân xác đẹp nhất ở tư thế đứng. Người xem chỉ có thể thấy từ phía sau nhân vật người thanh niên, với dáng người cực chuẩn, còn người phụ nữ bị che khuất, song vẫn đủ để thấy một dáng người mảnh mai yêu kiều và làn tóc xõa dài vàng óng như tơ, cùng chuyển động thân thể uyển chuyển như sóng. Xung quanh hai người là những đường viền của ánh sáng... Cảnh diễn rất đẹp và xúc động trong câu chuyện về 2 con người bất hạnh tìm thấy nhau và tìm thấy những nhục cảm đẹp nhất trong sự hòa hợp thể xác của lần đầu dâng hiến cho nhau... Lần ấy, tôi đưa đoàn VN đến xem vở kịch xuất sắc này của đạo diễn lừng danh Đô-đin và tôi đã thấy trên cả ba gương mặt đạo diễn Đoàn Anh Thắng, nhà viết kịch Văn Sử và nhà báo Lưu Trọng Văn đẫm đầy nước mắt…

Thực ra, sân khấu truyền thống của VN đã từng dựng rất thành công những cảnh tương tự nhưng bằng thủ pháp ước lệ. Những cảnh khó nhất và nóng nhất là cảnh sinh con và cảnh phòng the đều đã được ước lệ bằng hát múa, theo những trình thức đã được lập trình nghệ thuật, nghĩa là người xem đều hiểu trọn vẹn những cảnh tượng trần trụi ấy mà diễn viên không cần phải mở một cái cúc áo nào. Cảnh Kỷ Lan Anh sinh con trong Hộ sanh đàn, cảnh Tiết Giao và Hồ Nguyệt Cô giao hoan trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo của vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc là những ví dụ điển hình. Cho nên, dù là sân khấu ước lệ hay tả thực, ở cả sân khấu VN lẫn sân khấu phương Tây đều yêu cầu  rất cao về tính chuyên nghiệp trong nghệ thuật đạo diễn, biểu diễn, đặc biệt là diễn viên chèo, tuồng ở sân khấu truyền thống VN. Cả hai loại sân khấu này đều đòi sự tính toán rất chuẩn xác về ánh sáng, góc nhìn và thanh sắc chuẩn mực của người diễn viên. Cho nên bi kịch lớn nhất của nghệ sĩ sân khấu Đông Tây là sự “lụt nghề”, sự tha hóa vào nghiệp dư trong nghệ thuật đạo diễn và nghệ thuật diễn xuất. Và những sự vụ kiểu này đang là một hiện trạng nhãn tiền ở VN. Nói cho ngay, đa phần điện ảnh và truyền hình của VN vẫn đang thiếu chuyên nghiệp, tay nghề của diễn viên và đạo diễn chưa cao.  Dựng cảnh nóng một cách đẹp đẽ, thanh sạch, gợi cảm đã là điều khó, để cảnh nóng đó hợp lý và không thể thiếu trong mạch phát triển của câu chuyện lại còn khó hơn nhiều lần.

Rất khó hiểu về những lý do khiến khán giả VN, nhất là những khán giả trẻ chấp nhận được những cảnh nóng một cách bình thường trong những phim Mỹ đang chiếu tại rạp gần đây, thí dụ phim Chạng vạng chẳng hạn, nhưng lại khó chấp nhận được những cảnh “gường chiếu” tương tự  trong những bộ phim “quốc nội”. Nhìn chung, cứ nói về sinh hoạt tình dục hay những cảnh yêu đương động chạm tới thân thể, chưa cần biết tới mục đích gì thì người xem đã bắt đầu... cảnh giác và soi xét rồi. Vì phần lớn là xấu và thô thiển, sống sít. Và khi sự vô duyên, non kém cứ lặp đi lặp lại trong phim Việt thì khán giả bắt đầu phản ứng mạnh – đặc biệt là trong sự bức xúc từ những vụ “cảnh nóng” hay “lộ hàng” đang tràn ngập trên truyền thông hiện nay.

2. Tôi có đọc trên TT&VH những phản hồi từ phía giới làm nghề, đại ý rằng cảnh trong Hoa nắng có thể chấp nhận được. Có diễn viên còn tuyên bố là nếu vào tay mình thì sẵn sàng làm “mạnh” hơn. Nói như vậy là hơi vội vàng. Vì vấn đề không phải là dựng cảnh gì, mà là cố gắng hiểu được người xem của mình tại sao lại phản ứng như vậy?

Tôi nghĩ rằng, tính chuyên nghiệp của người làm nghề ở sự phân biệt cái ngưỡng mong manh giữa cái đẹp nghệ thuật và cái phi nghệ thuật. Ngưng ở đâu thì là cái đẹp, ở đâu thì trượt chân vào cái không đẹp, dung tục và thô lậu thì chỉ có nghệ sĩ tự biết và tự điều chỉnh và đã là nghệ sĩ đích thực thì chắc chắn phải biết. Tôi ngờ rằng nếu vào tay một nữ văn sĩ 9x nào đấy của thời buổi văn chương hôm nay thì cảnh Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối của cụ Nam Cao sẽ được mô tả khác hẳn, và rất có thể sẽ khủng khiếp vô cùng bởi sự lè tè sát đất của tả thực.

Xin lấy ví dụ luôn về điện ảnh. Tôi vừa xem Hồng Ánh vào vai một người phụ nữ bị chồng bỏ, sống với con gái và rất bản năng, hoang dại trong Tâm hồn mẹ. Trong phim không thiếu những cảnh nóng. Thế nhưng, đạo diễn, diễn viên và quay phim đều rất cố gắng để những cảnh nóng đó không dung tục, bò sát đất, mà là những cảnh có chi tiết gợi mở nội dung cho sự phát triển của mạch truyện, phục vụ cho ý tưởng xuyên suốt câu chuyện- chủ yếu là về sự thiếu vắng tình cảm và tâm hồn đồng điệu của hai đứa trẻ trong phim. Bởi thế, Tâm hồn mẹ vẫn có thể chấp nhận được, và còn đáng xem hơn rất nhiều so với clip phim ngắn mà một bạn trẻ tại TP.HCM vừa đưa lên mạng. Trong đó, cảnh ức chế về tình dục của nhân vật chính được xử lý một cách thấp kém và dung tục vô cùng.

3. Thực tế, những ý kiến về việc phân loại phim và chọn giờ chiếu trên truyền hình là hoàn toàn hợp lý. Đơn cử, ở phương Tây, những bộ phim có nhiều cảnh nóng hoặc phim dành cho người lớn thường được chiếu vào ban đêm, khi trẻ em đi ngủ. Nhưng để làm được điều ấy, khán giả của họ đã phải đạt tới được một trình độ nhất định, và xã hội cũng có những thói quen  văn minh nhất định, chẳng hạn như việc cho trẻ em ngủ phòng riêng từ khi còn nhỏ. Chúng ta còn đang bị hỗn loạn về chuẩn thẩm mỹ: chưa phân biệt được thế nào là phim cho người lớn, cho trẻ em, phim ở rạp thì cấm trẻ em 16 tuổi không được vào xem, còn phim truyền hình thì chiếu thoải mái, không ngăn cấm và cũng chẳng thể ngăn cấm khi cả nhà cùng xem chung một TV và chưa phân loại được khán giả riêng theo từng loại, vậy làm điều đó có khả thi không?

Có lẽ trước mắt, trong khi những điều kiện cần thiết để phân loại phim và giờ chiếu như vậy còn chưa đủ, chúng ta nên triển khai theo một cách đơn giản hơn: những bộ phim có cảnh nóng kiểu như Tâm hồn mẹ ít ra cần được chiếu buổi tối khuya, như một sự quy định gián tiếp mà người xem ngầm hiểu, chứ không thể chiếu trong “giờ vàng” được…

Minh Châu (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm