16/10/2017 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, giới showbiz Việt ấn hành khá nhiều tự truyện - hồi ký, từ nhân vật có thâm niên đóng góp như NSND Kim Cương, NSND Thành Lộc, diễn viên Thương Tín… cho đến những nhân vật mới vào nghề khoảng 10 năm như ca sĩ Sơn Tùng MT-P, Hoàng Thùy Linh… Những hồi ký, tự truyện này có giá trị gì không, hay chỉ là những “chuyện giựt gân, câu khách”, phục vụ “fan cuồng”… thường thấy trong showbiz Việt?
Tuy có những sách không trực tiếp gọi là hồi ký hoặc tự truyện, nhưng độc giả vẫn nhận ra tính tự truyện của nó, ví dụ như cuốn Trịnh Công Sơn - Tôi là ai, là ai… Đây là một tuyển tập gồm tản văn, tùy bút, truyện ngắn, thơ, hồi ức…, nhưng đọc xong, lại hiện lên tự truyện của cả đời người.
Những bài học kinh nghiệm, sự chân thành
Đối với những tự truyện hồi ký của những nhân vật kỳ cựu như GS Trần Văn Khê, nhà văn hóa Trần Văn Giàu, NSND Bảy Nam… bên cạnh giá trị thông tin, tư liệu, người đọc còn tìm thấy những bài học về nhân cách, đạo đức, cách sống, ý chí phấn đấu… để làm gương sáng cho bản thân mình.
Ngoài ra, giá trị của tự truyện hồi ký còn đến từ câu chuyện tự thân của người viết, đời thú vị, nhiều thăng trầm, nhiều đóng góp… thì dễ có tự truyện thú vị, lôi cuốn. Chính vì vậy, người lớn tuổi có khi viết tự truyện lại không thú vị, không giá trị bằng người nhỏ tuổi. Còn nhớ khi Malala Yousafzai người Pakistan nhận giải Nobel hòa bình năm 2014, lúc mới 17 tuổi, trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel nói chung. Trước đó 1 năm, cô in cuốn tự truyện Tôi là Malala, kể chuyện mình đã sống tại vùng đất thuộc Tabilan nắm quyền như thế nào. Chính cuốn tự truyện thú vị và các hoạt động can trường đã đưa Malala lên đài danh vọng.
Cũng tương tự, dù ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều, đó là cuốn tự truyện Trái tim sư tử (NXB Văn hóa thông tin, 2014) của Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1987. Có thể nói Thanh Tâm là một “xác nữ hồn nam”, nên từ nhỏ đã sống “lệch pha”, chịu nhiều thiệt thòi, mặc cảm.
Cuốn tự truyện cho thấy làm cách nào để Thanh Tâm được là chính mình, trở thành nhân tố đáng ngưỡng mộ của cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới Việt. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore (2009), Thanh Tâm được trao học bổng lãnh đạo Australia (ALAS), học bổng Fulbright về thạc sĩ tâm lý tại Đại học Pennsylvania, Mỹ (2014 - 2015).
Hai ví dụ vừa nêu cho thấy giá trị của tự truyện đôi khi chỉ là những câu chuyện chân thành, có tính cách hướng thượng, nơi đó cộng đồng độc giả có thể tìm được cảm hứng cho riêng mình.
Yếu tố lịch sử, chuyên ngành
Tuy tự truyện không có nhiệm vụ và sứ mệnh ghi chép lịch sử, nhưng bản thân tác giả lại sống trong một thời đại cụ thể, nếu câu chuyện của họ chân thật, tự thân nó cũng có tính lịch sử. Ở tầm mức quốc tế, bộ tự truyện của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill được trao giải Nobel văn học năm 1953 là vì qua những câu chuyện riêng tư được viết kiểu “văn sử bất phân”, người đọc thấy được cả một giai đoạn lịch sử của nhân loại.
Bộ hồi ký - tự truyện của Nguyễn Hiến Lê cũng là một ví dụ tương tự. Thông qua một cuộc đời cụ thể, cha mất sớm, nhà nghèo khó, sống lêu lổng, rồi tự học để vươn lên, độc giả thấy được cả một giai đoạn phức tạp của lịch sử Việt Nam. Lý tưởng hoặc không lý tưởng, đúng hoặc sai, đôi khi chỉ là một quan niệm, một định nghĩa, chứ không hẳn là chân lý.
Điều này cũng đúng với hồi ký Bốn mươi năm nói láo của nhà văn Vũ Bằng, hoặc tự truyện 41 năm làm báo của nhà văn Hồ Hữu Tường. Cả hai tác phẩm chỉ là những mẩu chuyện tưởng chừng như rất riêng tư của đời làm báo mỗi người, nhưng qua đó độc giả có thể tái hiện được khung cảnh của một thời báo chí tranh tối tranh sáng, rất đặc biệt.
Đôi khi thông qua tự truyện độc giả lại có thêm kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nào đó, dù sách không viết với mục đích truyền bá kiến thức. Đọc hồi ký - tự truyện của Phạm Duy, của Trần Văn Khê…, bên cạnh chuyện đời nhiều sóng gió, độc giả có thể hình dung về quá trình hình thành của âm nhạc hiện đại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, rồi cả bối cảnh giao thoa của nó với âm nhạc thế giới.
Hay như hồi ký - tự truyện của võ sư Lê Sáng, độc giả không chỉ thấy cuộc đời thăng trầm của một võ sư, mà còn là câu chuyện văn hóa, lịch sử, sự thịnh suy của môn phái Việt võ đạo (Vovinam) trong suốt thế kỷ 20. Về mặt chuyên môn, các võ sinh có thể học được các tuyệt chiêu, học được tinh thần thượng võ, ứng xử văn hóa từ tự truyện này.
Trong tự truyện Để gió cuốn đi của ca sĩ Ái Vân, dù phổ biến những đoạn khá giật gân như: “Tôi có bầu ba tháng vẫn lao vào diễn như điên. Có khi một ngày diễn bảy nơi. Đi xe đạp chạy show hớt hải. Một lần diễn về trượt hòn gạch ngã xuống đường. Mất luôn em bé. Cay đắng vô cùng”. Nhưng qua đây, độc giả lại thấy được khía cạnh không phải màu hồng của đời ca sĩ.
Hồi ký, tự truyện là gì? Trong luận án tiến sĩ của mình, Nguyễn Quang Hưng có viết: “Hồi ký là một trong những thể loại đặc biệt trong diễn trình văn học Việt Wikipedia thì định nghĩa tự truyện như sau: “Tự truyện là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, thường được viết bằng văn xuôi trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm”. Trong quá khứ, về thuật ngữ, tự truyện (autobiography) khác hồi ký (memoir), nhưng từ cuối thế kỷ 20, khoảng cách này thường được thu hẹp, đôi khi xóa nhòa ranh giới. Nếu tách bạch, thì tự truyện gần với tiểu thuyết hơn - nghĩa là nhiều hư cấu, trong khi hồi ký thì được xếp vào thể loại ký - một loại hình nằm giữa báo chí và văn học, ít hư cấu. |
Kỳ 2: Vài tự truyện, hồi ký “trước Sơn Tùng M-TP”
Văn Bảy - Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất