15/11/2011 11:02 GMT+7
(TT&VH) - 1. “Văn học là nhân học” quả không sai. Mấy ngày nay, bài văn “Thư gửi mẹ” của cậu học sinh Nguyễn Trung Hiếu lớp 11 chuyên Lý, trường Hà Nội - Amsterdam đang gây nhiều cảm xúc cho những người đọc nó. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lấy nội dung bài văn làm tài liệu học tập cho thế hệ trẻ thủ đô, đủ biết sức lan tỏa tích cực của nó đến các bạn trẻ.
Tôi không nghĩ đây là một bài văn “lạ”, cũng chưa phải là bức thư “văn hay, chữ tốt”, nhưng lời lẽ trong thư xuất phát từ tấm lòng chân thật của “đứa con ngốc nghếch”, viết về số phận những người thân yêu trong một gia đình lao động lam lũ tại một “ngõ nhỏ, phố nhỏ” của Hà Nội. Mẹ của Hiếu bị bệnh suy thận mãn tính, đau ốm liên miên. Nhưng gia đình khốn khó về vật chất ấy lại rất giàu tình cảm, thực sự là một “tổ ấm”, họ sống trong tình thương, hết lòng vì nhau. Trong hoàn cảnh khó khăn trường kỳ như vậy, Hiếu nhận thức đồng tiền thực sự là mồ hôi, nước mắt và máu, em vừa căm ghét đồng tiền, lại quý tiền, tôn trọng tiền, em sẵn sàng chịu đựng tất cả thiếu thốn hằng ngày, sáng đến trường với cái bụng đói, qua bữa trưa với chút cơm muối vừng, vẫn “Con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng”.
|
Bấy lâu người ta lý luận nhiều về cái gọi là cải tiến phương pháp dạy văn và học văn. Nhưng khi vận dụng vào quá trình dạy và học lại chưa có hiệu quả. Bởi nhiều thầy cô lên lớp giảng bài không coi học sinh là trung tâm, vì không đồng cảm với đối tượng phục vụ nên cứ giảng theo lối mòn kiểu “tầm chương trích cú”, nặng áp đặt.
Cách ra đề của cô giáo trường Amsterdam sát với thực tế cuộc sống, đặt ra những vấn đề học trò rất quan tâm. Như em Quách Trí Dũng, lớp phó phụ trách học tập lớp 11 chuyên Lý nhận xét “Đề bài rất hay, rất sáng tạo và có tính mở, giúp học sinh nói đúng những gì mình suy nghĩ, quan niệm của bản thân về tình yêu tuổi học trò, về giá trị của đồng tiền”.
Hiếu là học sinh lớp chuyên Lý, nhưng đề Văn này thực sự chạm vào những vấn đề của chính bản thân em, những điều Hiếu đang trăn trở và có lẽ nhiều bạn trẻ cũng trăn trở như em. Hiếu đã trải lòng mình một cách chân thật với cảm xúc của chính mình, đã huy động vốn hiểu biết, năng lực tư duy, đào sâu suy nghĩ để viết nên những trang văn hay.
Bài văn của Hiếu như một lời nhắc nhở, các thầy cô giáo dạy Văn, trong phương pháp giảng dạy, luôn phải biết khơi gợi, tạo điều kiện cho học sinh suy nghĩ, nói lên tiếng nói chân thực về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của chính mình. Bởi “Lý thuyết chỉ là một màu xám, nhưng cây đời mãi mãi xanh tươi”. Muốn vậy khi lên lớp giảng dạy các thầy phải bắt đầu từ học trò, hiểu học trò, từ đó thắp lên ngọn lửa say mê đối với những học sinh thân yêu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất