Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Âm mưu” in một tập thơ về bóng đá

18/06/2010 14:45 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từng có thời gian khá dài làm việc cùng nhà báo Chánh Trinh - một cây bút tài hoa trong những đánh giá môn túc cầu. Mùa World Cup này, Chánh Trinh đã khuất nhưng ông đã truyền lại niềm đam mê bóng đá cho đồng nghiệp trẻ Lê Thiếu Nhơn.

* Chào nhà thơ Lê Thiếu Nhơn! Dưới góc độ thi ca, anh nhìn World Cup năm nay có gì "bay bổng" so với các mùa trước?

- Nói về tính sôi động, bóng đá so với thi ca giống như mặt trời với mặt trăng, nhưng tôi tin hầu hết các nhà thơ đều say mê sân cỏ vì mỗi trận cầu luôn khơi dậy vẻ đẹp cống hiến và vẻ đẹp cá tính.

Đối với tôi, World Cup năm nay hấp dẫn vì có một nhân vật cực kỳ cá tính là Maradona. Phải nói thẳng, Maradona không nhiều kinh nghiệm khi đặt cạnh những tên tuổi huấn luyện viên lão luyện tại World Cup 2010 lần này, nhưng Maradona có ngọn lửa tình yêu bóng đá hồn nhiên để truyền cho các tuyển thủ Argentina. Tôi dám chắc, Maradona càng đưa Argentina vào gần trận chung kết, thì không khí tranh tài ở Nam Phi càng thêm nóng bỏng và hào hứng!

* Nghe anh nói, có vẻ anh cũng có thể múa bút bình luận bóng đá đấy chứ!

- À, mùa bóng đá này thì tôi có giữ mục “Tản mạn World Cup” mỗi ngày viết một bài cho báo Nông nghiệp Việt Nam. Tôi viết kiểu thể thao nêm nếm chút văn chương cho vui ấy mà!

* Tuy không chuyên viết về bóng đá, nhưng anh có một thời gian khá dài làm việc cùng nhà báo Chánh Trinh (Lý Quý Chung). Anh có thể kể vài mẩu chuyện về nhà bình luận bóng đá lừng danh đã khuất này không?

- Thật sự, mỗi mùa bóng đá thế giới bước vào những cuộc thi đấu đỉnh cao thì tôi luôn tiếc nhớ Chánh Trinh với những nhận định cực kỳ lý thú của ông. Chánh Trinh chỉ viết tay, rồi nhờ người khác đánh máy, nhưng ông viết rất nhanh. Mỗi trận đấu, Chánh Trinh có thể viết được ba bài khác nhau, nhờ cách tác nghiệp khá độc đáo. Bao giờ Chánh Trinh cũng ngồi đối diện màn hình trực tiếp trước khi tiếng còi khai cuộc của trọng tài vang lên khoảng 15 phút, ông nghiêm túc viết những nhận định về điểm mạnh, điểm yếu từng đội và cả khả năng thay đổi cầu thủ như một… huấn luyện viên đích thực. Và lúc trận đấu kết thúc, ông mới đối chiếu những gì vừa diễn ra với tờ giấy phác thảo đang cầm trên tay mình, kết quả là những bài bình luận rất sắc sảo ra đời vừa có tính nghề nghiệp điềm tĩnh vừa có tính thời sự sôi sục!

Tuy nhiên, nhận định khiến tôi tâm phục khẩu phục nhất là từ World Cup1998, Chánh Trinh đã viết bài “Mãi mãi sẽ không có Pêlê và Maradona thứ hai” cảnh báo lối bóng đá thực dụng tiêu diệt tài năng cầu thủ!

 * Anh có tìm cảm xúc thơ ca thông qua bóng đá không? (Nếu có xin anh gửi tặng bạn đọc TT&VH vài câu). Và, xin anh "sưu tập" giúp vài câu thơ hay về bóng đá mà anh thuộc lòng…

- Bóng đá cũng như thi ca, không có chỗ cho sự gian dối và … nhờ cậy người khác để nổi danh, vì vậy rất dễ kích động ý tứ sột soạt xuất hiện trong tâm trí các nhà thơ. Chẳng giấu giếm gì, tôi cũng có “âm mưu” sẽ in một tập thơ về bóng đá! Bài thơ mới nhất tôi viết nhân World Cup 2010 có bốn câu: “Hơn một đường chuyền, thua một cú sút/ Mỗi trận cầu nâng đỡ một ngôi sao/ Trái bóng lăn đi niềm riêng bất tận/. Mảnh lưới còn run rẩy giấc chiêm bao”. Còn trên trang web của tôi, ngay sau lễ khai mạc đã có nhiều nhà thơ gửi tác phẩm hưởng ứng World Cup rất nồng nhiệt. Ví dụ, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm suy ngẫm về sân cỏ và cuộc đời thế này: “Con vừa mới xỏ giày vào hiệp nhất/ Trận đấu đời cha đã cuối hiệp nhì/ Chiếc đồng hồ, người trọng tài nghiêm khắc/. Phút rời sân không thể níu thêm giờ!”

* Xin cảm ơn anh

Hoàng Nhân (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm