Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường'

23/11/2023 07:07 GMT+7 | Văn hoá

Từng được công nhận là Bảo vật quốc gia trong năm 2023, bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh (gồm 111 hiện vật) vừa xuất hiện trong triển lãm Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là dịp hiếm hoi, các vũ khí có niên đại từ thế kỷ 15 đến 18 này có dịp tiếp cận công chúng.

1. Về vũ khí thời Hậu Lê, theo sử liệu, khi viết thư dụ hàng Vương Thông (Tổng binh quân Minh xâm lược Đại Việt), Nguyễn Trãi đã có mô tả: "Trước thì khí giới không trơn, mà nay thì thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho. So trước với giờ, mạnh hay yếu thì biết được rõ".

Trong những binh khí thời Lê nói chung và những hiện vật được giới thiệu tại triển lãm này nói riêng, câu liêm có thể nói là vũ khí đặc trưng nhất dưới thời Lê sơ. Xét về bình diện chung, các hiện vật có tính đồng bộ rất cao, khi đều mang kích thước và thiết kế tương đồng.

Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường' - Ảnh 1.

Các mẫu câu liêm tại triển lãm

Câu liêm được sử dụng nhiều trong thủy chiến hoặc chiến đấu trên lưng voi, nhằm tăng sức phòng thủ. Khả năng sát thương của chúng cũng cao hơn các loại vũ khí khác, bởi chúng có thể vừa đâm, vừa móc. Loại binh khí này được quân đội nhà Lê sử dụng phổ biến và cũng cho thấy giai đoạn này, thủy quân rất được chú trọng đào tạo.

Theo anh Nguyễn Ngọc Tân, thành viên một dự án nghiên cứu vũ khí cổ, trình độ chế tác loại vũ khí này thời Lê sơ đạt đến độ tinh xảo cao. Nếu để ý kỹ, có thể thấy, các góc của vũ khí rất cân đối và sắc bén. Đặc biệt loại binh khí này có nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật cao. Như phân tích của anh Tân, ngày xưa, việc chế tác hoàn toàn phụ thuộc vào đôi bàn tay, nên có thể làm ra được những vũ khí dày dặn, nhiều chi tiết khó như vậy mà không để bị gãy, là vô cùng khó khăn.

Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường' - Ảnh 2.

Lao 1 ngạnh

Tương tự, lao cũng là một loại vũ khí đặc sắc trong hệ thống vũ khí dưới thời Lê. Với hình dáng thuôn và nhọn về phía trước, khi ném khỏi tay binh sĩ, lao có thể đánh địch ở cự ly xa. Tiết diện mặt cắt của lưỡi lao là hình thoi, tạo ra mũi rất khỏe và nặng, có sức công phá cao khi ném đi. Đặc biệt, từ mũi lao đi xuống chuôi lao có chế tác thừa ra 1 hoặc 2 mũi ngọn, được gọi là ngạnh. Ngạnh có tác dụng khiến sau khi đã ném trúng mục tiêu, việc rút mũi lao ra rất khó. Với 2 ngạnh tựa như cánh én, mũi lao khi đã được phi ra rất nhanh và mạnh, gây khiếp sợ cho nhiều kẻ địch.

Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường' - Ảnh 3.

Lao 2 ngạnh

Anh Tân phân tích, ý trên bề mặt vũ khí có những lớp thép đang dần bong ra theo thời gian. Điều này chứng tỏ, trong quá trình chế tác vũ khí, thanh thép đã được gập, duỗi rất nhiều lần để tạo nên kết cấu hoàn chỉnh nhất.

Riêng về súng lệnh, Việt Nam là một quốc gia sử dụng súng ống tương đối sớm so với một số quốc gia đồng văn khác. Các súng lệnh dưới thời Lê được chế tác bằng đồng. Chúng được sử dụng nhằm phóng pháo hiệu chỉ huy, tiến hay lùi theo màu sắc pháo hiệu cháy phát ra. Đây cũng là loại khí tài không thể thiếu trong quá trình huấn luyện binh lính. Trên thân súng có 3 chi tiết gồm 2 trụ dài và 1 gờ nổi có lỗ nhỏ để tra thuốc mồi gây nổ.

Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường' - Ảnh 4.

Súng lệnh. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội

 2. Nhìn vào những hiện vật vũ khí của Việt Nam trong lịch sử hiện đã được tìm thấy, anh Tân đã chỉ ra một số điểm nổi bật dễ dàng nhận diện trên vũ khí thời Hậu Lê so với những giai đoạn với lịch sử khác. So với vũ khí thời Đông Sơn, chất liệu là thứ dễ nhận thấy nhất: Thời Đông Sơn sử dụng vật liệu là đồng, còn thời Hậu Lê sử dụng thép để rèn vũ khí.

Trong lịch sử, sang thời Tây Sơn, bối cảnh chiến tranh triền miên đòi hỏi tốc độ sản xuất binh khí phải nhanh. Chính vì thế, thời kỳ này đạt đến đỉnh cao về số lượng vũ khí. Đến thời Nguyễn, súng ống được sử dụng phổ biến hơn các loại giáo, đao, kiếm nên các loại vũ khí lạnh không còn sử dụng nhiều. Do vậy, chúng có thiết kế mỏng hơn, chất thép kém bền hơn. Để so sánh, có thể thấy vũ khí lạnh, thời Lê kém hơn thời Nguyễn về thẩm mỹ, nhưng lại có độ thực dụng cao hơn.

Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường' - Ảnh 5.

Một số loại vũ khí khác được trưng bày tại triển lãm như: móc câu chùm, chông củ ấu, mũi tên

3. Cần nói thêm về nguồn gốc của những vũ khí trưng bày này. Năm 1983-1984, hơn 300 vũ khí bằng sắt, đạn đá thuộc thời Lê đã được phát hiện dưới lòng hồ Ngọc Khánh. Cũng dưới lòng hồ, còn phát hiện thêm dấu tích lò bễ, cục xỉ sắt và một số món đồ đang chế tạo dang dở, cho thấy vũ khí được sản xuất tại chỗ. Điều này cho phép giới nghiên cứu xác định khu vực này từng là trường Giảng Võ dưới thời Lê - vốn là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của triều đình phong kiến đóng đô trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Từ kho vũ khí thời Lê tới bí ẩn về 'Giảng Võ trường' - Ảnh 6.

Một số vật liệu xây dựng và hiện vật được phát hiện tại khu vực Giảng Võ đường xưa

Tại triển lãm lần này, ngoài bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh, công chúng còn được tiếp cận nhiều tài liệu về Giảng Võ trường - nơi đào tạo quan võ và binh lính cho triều đình và các loại hình vũ khí thời Lê.

Theo sử liệu, sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi và xây dựng bộ máy chính quyền mới, vua đã rất chú trọng đến việc tổ chức quân đội và xây dựng cơ sở huấn luyện binh lính. Vua cho mở rộng Giảng Võ đường được xây dựng trên nền cũ từ thời Lý - Trần, và dựng điện trên núi Khán, nằm trong công viên Bách Thảo hiện nay, để  quan sát việc luyện tập và duyệt binh. Trường Giảng Võ tiếp tục được mở rộng vào năm 1481 dưới thời Lê Thánh Tông, khi vua cho xây dựng thêm điện Giảng Võ với quy mô lớn.

Từ nguồn sử liệu cũng như những phát hiện khảo cổ học, có thể khẳng định trường Giảng Võ xưa là một công trình có quy mô bề thế, đồng thời, thể hiện việc coi trọng quân sự, quốc phòng của triều đình phong kiến.

Triển lãm Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê là 1 trong 3 chuyên đề đặc biệt được Bảo tàng Hà Nội tổ chức để hướng tới ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11. Chuyên đề triển lãm dự kiến kéo dài đến hết tháng 6/2024.

Phúc Nam

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm