(TT&VH) - Việc Andre Reithebuch, người vừa giành chiến thắng trong cuộc thi Người đàn ông đẹp nhất Thụy Sĩ 2009, không biết viết đã gây một cú sốc lớn cho một đất nước vẫn tự hào mình thuộc số những quốc gia giàu có nhất và văn minh nhất thế giới. Những bài viết xung quanh vụ việc trên cho thấy hóa ra ngay tại Thụy Sĩ, một đất nước tưởng như đầy sự hoàn hảo và ưu việt, mù chữ hiện cũng đang là một vấn nạn trầm trọng nhưng lại bị che giấu.
Lời tự thú của Nam vương
Nam vương mù chữ Andre Reithebuch |
Đầu tháng 6 vừa qua, Andre Reithebuch, vừa đoạt vương miện trong cuộc thi Người đàn ông đẹp nhất Thụy Sĩ 2009, đã gây sốc với lời “tự thú” rằng mình không biết viết. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Tele Zueri tròn một tháng sau khi trở thành nam vương, Andre Reithebuch kể rằng bản thân mới chỉ học đọc khi đang ở trong quân đội và mẹ đẻ chính là người đã giúp anh điền phiếu đăng ký dự thi.
Một số nhà bình luận trên báo chí Thụy Sĩ gọi Reithebuch là một anh chàng đẹp trai “không có óc” và đùa cợt anh này vì đã công khai thú nhận rằng mới chỉ đọc có mỗi một cuốn sách trong đời.
Điều tệ hại hơn: Reithebuch không phải là nạn nhân duy nhất của nạn mù chữ ở Thụy Sĩ, một nước nằm giữa Đức, Pháp, Ý, Áo và công quốc Liechtenstein, sử dụng tới ba ngôn ngữ chính gồm tiếng Đức, Pháp, Italia. Nước này hiện có gần 800.000 người mù chữ và khoảng 400.000 người trưởng thành không thể biểu đạt được ý muốn của bản thân thông qua ngôn ngữ khu vực họ đang sinh sống. Đó là những con số rất lớn khi ta biết tính tới năm 2008, dân số Thụy Sĩ chỉ có 7.581.520 người. Một nghiên cứu hồi tháng 4/2007 cho thấy ở Thụy Sĩ, nạn mù chữ không chỉ được coi là một vết nhơ xã hội mà còn mang tới những thiệt hại nặng về mặt kinh tế lên tới 1,02 tỉ USD/năm.
Cộng đồng những người mù chữ cũng có tỉ lệ thất nghiệp cao. Lẽ dĩ nhiên, với việc đoạt danh hiệu Nam vương Thụy Sĩ 2009, Reithebuch, 22 tuổi, sẽ khó có thể thất nghiệp do anh đang nhận mức thu nhập lên tới gần 500.000 USD/năm nhờ các hợp đồng làm mẫu. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá thông qua việc công khai thú nhận yếu điểm của bản thân, Reithebuch đã cho thấy một vấn đề thực sự ở Thụy Sĩ là không chỉ người nhập cư mới gặp vấn đề trong việc đọc, hiểu các ngôn ngữ chính bởi ngay cả những người đã tới trường vẫn có thể tái mù chữ.
Một vấn nạn bị che giấu
Do mù chữ là một đề tài có thể gây chê cười nên phần lớn các nạn nhân giữ kín yếu điểm của mình. Bản thân công luận Thụy Sĩ cũng chưa mổ xẻ một cách sâu rộng vấn nạn này. Vì thế Liên đoàn đọc và viết Thụy Sĩ (RWF), cơ quan chịu trách nhiệm nâng cao nhận thức về nạn mù chữ ở Thụy Sĩ hiện đang muốn đưa vấn đề lên cấp quốc gia.
Trong số 800.000 người mù chữ hiện nay, quả thực có tới 435.000 người là dân nhập cư. Nhưng 365.000 người còn lại là công dân Thụy Sĩ. Brigitte Aschwanden, lãnh đạo Liên đoàn đọc và viết tiếng Đức nói: “Trong bộ phận dân nhập cư, có người hoàn toàn mù chữ do họ chưa bao giờ học đọc, viết và chưa tới trường. Nhưng mọi công dân Thụy Sĩ đều tới trường, vậy mà không phải tất cả đều thoát nạn mù chữ”.
Trường hợp của Reithebuch cho thấy nhiều người Thụy Sĩ vẫn mù chữ dù đã tới trường
Thực tế là nhóm sau là những người tái mù chữ khi kỹ năng đọc và viết của họ bị phai nhạt dần do ít thực hành. Khi lớn lên, các hạn chế này khiến họ trở nên khó hòa nhập với xã hội hoặc công việc. “Trẻ em mù chữ sẽ phát triển các chiến thuật giấu yếu điểm của chúng và không dễ phát hiện những đứa trẻ gặp khó khăn khi chúng ở trường” - Aschwanden giải thích.
Tuy nhiên việc để xảy ra tình trạng tái mù chữ trước hết vẫn thuộc về trách nhiệm của xã hội. Bà Ursula Baenninger, một lãnh đạo bộ phận chống mù chữ ở Trường Adult Education Zurich, nhấn mạnh: “Người mù chữ không có nghĩa là không thông minh”. Bà cho rằng một số người mù chữ là do có vấn đề về tâm lý, về kỹ năng học tập hoặc bị mắc chứng khó đọc, nhưng không được ai phát hiện và chữa trị.
Theo Noemi Maibach, giáo viên một trường bổ túc văn hóa, nạn mù chữ khiến nhiều nạn nhân hết sức thiệt thòi. “Một trong các học viên của tôi đã ký hợp đồng mua một căn hộ và chả biết có gì trong đó để rồi phải trả nhiều tiền hơn mức anh ta được người ta thông báo ban đầu. Một học sinh khác còn không biết dùng máy giặt vì anh ta không thể đọc các hướng dẫn sử dụng”. Ngay cả việc đi học những lớp xóa mù cũng rất khó khăn vì nhiều học viên còn không thể đọc được địa chỉ trường. Bên cạnh đó, họ còn nhận phải sự kỳ thị hoặc thiếu giúp đỡ từ những người đọc thông viết thạo.
Với RWF, rõ ràng là còn rất nhiều việc phải làm để giáo dục người dân Thụy Sĩ về nạn mù chữ và thái độ của họ với vấn đề này. Bà Aschwanden bày tỏ hy vọng rằng Nam vương Thụy Sĩ Reithebuch sẽ trở thành đại sứ cho tổ chức chống mù chữ của bà. Còn bà Anne-Chantal Poffet, một quan chức tại RWF và đồng trưởng ban tổ chức cuộc thi Mister Thụy Sĩ, thì bày tỏ hy vọng trường hợp của Reithebuch sẽ khuyến khích các thanh niên trẻ mù chữ dũng cảm nói ra điểm yếu của mình như anh và tham gia các lớp thanh toán nạn mù chữ.
Tường Linh