Từ Broadway, Of-Broadway, Off-Broadway đến sân khấu Sài Gòn

04/05/2009 09:30 GMT+7 | Văn hoá

 
Trong số những phản hồi của bạn đọc sau chuyên đề: Kịch Sài Gòn - Lạ hay sốc? có một câu hỏi lớn được đặt ra: Sân khấu chúng ta đang ở đâu trên “bản đồ sân khấu” thế giới? Hay nói cách khác, trong khi sân khấu của chúng ta vẫn đang loay hoay với những tranh luận ăn khách hay câu khách, thị trường hay nghệ thuật, thì sân khấu thế giới đang làm gì?
 
 
Khán giả Việt giờ đây có thể xem tức khắc những bộ phim tranh giải Oscar trước cả khán giả Mỹ, có thể down load những ca khúc hoặc album đang trên top ten của Billboard, có thể đọc những cuốn sách bestseller qua bản dịch nóng hổi, có thể xem một bức tranh vừa lập kỷ lục đấu giá qua mạng v.v... Ít nhất họ có thể biết phim Việt, nhạc Việt, văn chương Việt, mỹ thuật Việt như thế nào trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại thế giới. Thậm chí nhiều hơn, có thể biết tay đạo diễn này “học tập” phong cách của ông đạo diễn kia, bài hát nổi tiếng này hình như “đạo nhạc" của một ca khúc ít nổi tiếng khác, triển lãm của ông họa sĩ nọ có ý tưởng giống y chang một tác giả nước khác v.v... Nhưng trả lời câu hỏi: Thế giới làm gì trên sân khấu? lại là rất khó. Với đặc thù “đối thoại trực tiếp” của mình, sân khấu thế giới hầu như chỉ đến Việt Nam qua cánh cửa rất hẹp.
 
 
Chuyên đề: Thế giới làm gì trên sân khấu? hy vọng hé mở thêm một chút khe cửa hẹp, từ Việt Nam nhìn ra một số sân khấu phát triển trên thế giới, và từ đó để nhìn về sân khấu Việt Nam.
 
 
Thực hiện: Phạm Thị Thu Thủy với sự giúp đỡ của nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc
(TT&VH Cuối tuần) - Ở Việt Nam, Broadway đang bắt đầu trở nên quen thuộc với cụm từ “nhạc kịch Broadway” một thể loại nhạc kịch hiện đại gồm ca, vũ, kịch. Chính xác, Broadway là tên của cụm 39 nhà hát lớn (mỗi nhà hát với ít nhất 500 ghế ngồi) tập trung ở quận Nhà hát thuộc khu Manhattan, New York. Cùng với sân khấu West End (London, Anh), Broadway là một trong hai hệ thống sân khấu thương mại lớn nhất thế giới. Chỉ trong mùa biểu diễn của năm 2007-2008, sân khấu này đã thu về khoảng 937 triệu USD tiền bán vé. Những vở diễn hàng “top” ở đây có doanh thu lên tới hàng triệu USD. Nhưng nói đến Broadway chắc chắn không phải chỉ nói đến cỗ máy làm ra tiền.

Từ người khốn khổ đến kẻ triệu phú

Trước năm 1750, New York chưa hề có khái niệm về nhà hát, cho tới khi công ty nhà hát đầu tiên được thành lập, trình diễn các vở bi kịch Shakespeare và những vở opera trữ tình. Người dân New York bắt đầu làm quen với việc tới nhà hát giải trí hàng đêm. Dần dà, các nhà hát bắt đầu theo nhau mọc dần lên.
Đường đến Broadway

Nhưng mọi sự không dễ dàng. Các nhà hát ở New York đều do tư nhân tự đứng ra tổ chức, và những ông chủ ban đầu đều xuất thân từ giới nghệ sĩ. Họ phải vật lộn với giá thuê địa điểm đắt đỏ, khán giả chưa định hình, vở diễn kỷ lục mới chỉ đạt tới con số 50 suất, nên trong hàng chục năm trời cứ phải dời chỗ liên tục, cho tới đầu thế kỷ 20, các nhà hát mới tập trung về khu quận Nhà hát như hiện nay.

Và cũng phải tới tháng 12 năm 1866, hình hài của cái được gọi là “musical” mới bắt đầu xuất hiện với The Black Crook, vở nhạc kịch dài tới năm tiếng rưỡi, nhưng đã lập kỷ lục 474 suất diễn. Cũng năm này, với The Black Domino/Between You, Me And The Post đặt viên gạch đầu tiên cho thể loại sau này sẽ trở thành “mồi câu khách” của Broadway-nhạc kịch hài (musical comedy). Những vở nhạc kịch hài của Broadway thời này chủ yếu được xây dựng tình huống và tính cách nhân vật từ cuộc sống hàng ngày của giới bình dân, có phần nào giống “Trong nhà ngoài phố” ở ta. Hàng trăm vở hài kịch đã ra mắt trên sân khấu Broadway trong thập niên 1890 và đầu những năm 1900 - thời kỳ hoàng kim của sân khấu hài. Kỷ lục mới đã được lập, đó là vở A Trip To Chinatown (1891) với 657 suất diễn.
Poster Vở nhạc kịch Mamma Mia! tại Broadway

Đầu thế kỷ 20, nghệ thuật thứ bảy bắt đầu thách thức sức hấp dẫn của sân khấu, không ít nhà phê bình cho rằng thời cáo chung của sân khấu đã đến. Thế nhưng Broadway vẫn sống “đàng hoàng” trước sự tấn công của phim ảnh. Sau này, như chúng ta đã biết, điện ảnh luôn phải đi sau và “ăn theo” không ít tác phẩm nổi tiếng từ sân khấu Broadway, như Chicago, Mama Mia!..., lại cũng có không ít tác phẩm nổi tiếng từ văn học, điện ảnh, vẫn tiếp tục có sức sống lâu bền trên sân khấu Broadway như Những người khốn khổ... Thập niên 1930-1940, Broadway bước vào “kỷ nguyên vàng” với vở “hit” Oklahoma! (1943), với 2.212 suất diễn. Không lâu sau đó, năm 1947 giải thưởng Tony Awards ra đời, giải thưởng danh giá dành cho các tác phẩm và nghệ sĩ sân khấu Broadway, tương tự như Oscar trong điện ảnh, đánh dấu một bước tiến trong ngành kịch nghệ Mỹ, đặc biệt là sân khấu Broadway.

Từ công ty nhà hát đến nghiệp đoàn

Như đã nói, xuất phát từ những nhà hát tư nhân được tổ chức bởi một số nghệ sĩ, và ở Mỹ (cũng như nhiều nước khác) toàn bộ hoạt động này thuộc về tư nhân, nhưng ngày nay ông chủ các nhà hát cũng như nhà sản xuất các vở diễn Broadway đều là thành viên của nghiệp đoàn Broadway (The Broadway League). Đây là một tổ chức thương mại có nhiệm vụ hỗ trợ cho sự phát triển của Broadway một cách đồng bộ, thống nhất theo chiến lược chung. Ví như, việc bán vé ở Broadway, ngoài hệ thống bán vé riêng lẻ của từng nhà hát, nghiệp đoàn Broadway tổ chức một hệ thống bán vé trung tâm TKTS đặt tại quảng trường Duffy, kề bên Quảng trường Thời đại, điểm thu hút khách du lịch lớn nhất New York (tương tự khu vực Bờ Hồ ở Hà Nội hay khu Lê Lợi - Nguyễn Huệ ở TP.HCM). Tại TKTS, công chúng khắp nơi, khách du lịch có thể xếp hàng chọn mua bất cứ vở diễn nào đang công diễn tại 39 nhà hát, đặc biệt, đó là loại vé xem ngay trong ngày, được giảm giá từ 25% đến 50% (giá vé chính thức các vở diễn ở Broadway thường trên dưới 100 USD).Đây là những chiếc vé còn sót, hoặc người đặt mua trả lại... Kiểu bán vé và tiếp thị “tận thu” này khiến các nhà hát Broadway hầu như không bao giờ còn chỗ trống. Tổng số khán giả Broadway mùa 2007- 2008 vào khoảng 12.27 triệu lượt người!
Về nghề nghiệp, các nghệ sĩ, nhân viên của Broadway đều là thành viên của các nghiệp đoàn riêng cho từng ngành nghề, người có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ. Ví dụ diễn viên, vũ công, ca sĩ... là thành viên của nghiệp đoàn Diễn viên (Actors’ Equity Association), các nhạc công (nhạc kịch Broadway bao giờ cũng sử dụng dàn nhạc trình diễn sống) là thành viên của Hiệp hội các nhạc công Mỹ (American Federation of Musicians), những người làm đạo cụ, phục trang, hóa trang... thuộc quản lý của nghiệp đoàn sân khấu International Alliance of Theatrical Stage Employes. Các đạo diễn là thành viên hội Đạo diễn Society Of Stage Directors and Choreographers... Broadway cũng có đơn vị phụ trách truyền thông riêng (Association Of Theatrical Press Agents and Managers), kiểm soát hình ảnh và thông tin của vở diễn cực kỳ chặt chẽ. Đừng bao giờ hy vọng có thể mang máy ảnh hay máy quay vào nhà hát hồn nhiên quay phim chụp ảnh như ở nhà mình. Bộ phận truyền thông này sẽ cung cấp hình ảnh cho báo chí nếu có yêu cầu, còn toàn bộ hình ảnh của vở diễn sẽ được bán tại sảnh ngoài nhà hát với giá không rẻ!

Từ bồi bàn đến nghệ sĩ

Nếu có dịp ghé vào một số nhà hàng, quán bar ở khu vực quận Nhà hát hoặc gần đó, nhiều cơ hội bạn sẽ được phục vụ bởi chính các... nghệ sĩ Broadway, chính xác là những nghệ sĩ đang chờ cơ hội lên sân khấu! Đây là chuyện hoàn toàn có thật: tất cả các diễn viên, nghệ sĩ (trừ một số rất ít những tên tuổi chói sáng, những ngôi sao thật sự) đều phải casting (thử vai) cho các vở diễn ở Broadway. Hiện Broadway đang thông báo lịch casting cho hàng chục vở diễn từ nay đến hết năm 2009. Mà New York lại là “cái rốn” thu hút ngôi sao toàn thế giới, nên qui tụ xung quanh Broadway là hàng ngàn những ngôi sao đang chờ tỏa sáng. Và trong lúc chưa có vai, nhiều người trong số này chấp nhận làm đủ mọi nghề khác.

Leon Lê Quang, một nghệ sĩ gốc Việt, hiện là diễn viên chuyên nghiệp tại Broadway (ăn lương của nghiệp đoàn), đã tham gia diễn xuất trong các vở Miss Saigon, Người đẹp và quái thú, Cat, cho hay, để có được cơ hội vào những vai nho nhỏ này, anh đã mất nhiều năm học vũ đạo tại các trường tư (từ ballet, jazz, modern, funk, theater dance), học hát tại các studio và học diễn xuất ở các studio chuyên đào tạo diễn viên cho nhạc kịch, sau đó đi casting hoài hoài, cho đến lúc... nhận được vai! Lê Quang cho biết: “Ngoại trừ một số ngôi sao lớn được mời vào những vở mới, còn những người còn lại vẫn phải đi casting, thử vai như bất cứ mọi người khác. Ở đây họ quan trọng diễn viên cho vở diễn chứ vở diễn không đi theo diễn viên. Ở đây không có “đoàn” như đoàn cải lương, đoàn kịch nói. Mình hát vở nào, xong hợp đồng là xong, phải đi thử vai cho vở khác”.

Lê Quang cũng khẳng định: “Làm nghệ sĩ ở Mỹ không ai sợ nghèo cả”. Trừ một số ít ngôi sao, còn lại, những nghệ sĩ chuyên nghiệp của sân khấu Mỹ đều không giàu. Lương diễn viên “cứng” của sân khấu Broadway không hơn 1.600 đô la/tuần, tức là chỉ tương đương một người lao động bình thường, không lộng lẫy như người ta tưởng. Và cũng không phải ai cũng có công việc. Tỷ lệ nghệ sĩ chuyên nghiệp ở Mỹ sống thường xuyên được bằng nghề chỉ 3-4%. Ở khu vực xung quanh quận Nhà hát, New York, đa số hầu bàn trong các quán ăn là nghệ sĩ, họ có kỹ năng hát, nhảy múa, diễn xuất (diễn viên Broadway bắt buộc phải có đủ kỹ năng như vậy), họ không phải người mẫu không được đào tạo gì có thể nhảy lên sân khấu diễn xuất như ở Việt Nam. Họ vui vẻ chịu nghèo để chờ cơ hội thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Quan niệm ở Việt Nam thì khác, không bao giờ có chuyện nghệ sĩ làm bồi bàn để chờ cơ hội!

Từ Broadway đến Off-Broadway
Broadway tồn tại hàng thế kỷ hùng mạnh vì nó là một sân khấu luôn tự đổi thay theo thời gian, tự làm mới mình, ít khi lặp lại - Leon Lê Quang nhận xét. Thể loại nhạc kịch nhưng rất đa dạng, đáp ứng nhiều phong cách thưởng ngoạn khác nhau của công chúng: cổ điển như Phantom Of The Opera, rock như Rent, Spring Awakening, pop như Miss Saigon, Les Miserable (Những người khốn khổ), disco như Mamma Mia!, Saturday Night Fever. Kết hợp giữa sân khấu cổ điển với những công nghệ biểu diễn tối tân, sử dụng cả những kỹ xảo hàng đầu của điện ảnh, ảo thuật v.v..., có những vở diễn ở Broadway mà số tiền đầu tư lên tới cả triệu USD.

Nhưng Broadway không thể là độc tôn, là duy nhất. Thách thức Broadway là Off- Broadway và Off-Off- Broadway có tính thử nghiệm hơn, thường được trình diễn trong không gian ấm cúng hơn (như một dạng Nhà hát sân khấu nhỏ, dưới 100 chỗ ngồi). Nhưng cũng chính Off-Broadway và Off- Off-Broadway lại tiếp tục cung cấp nguồn sống mới cho Broadway: một số vở Broadway như Hair, Little Shop Of Horrors, Spring Awakening, Title Of Show, Rent, Avenue Q, In The Heights, vốn khởi đầu từ sân khấu Off-Broadway. Và nhiều vở thành công tại sân khấu Off-Broadway chẳng thua gì những top hit trên sân khấu Broadway cả: The Fantasticks, là vở diễn sống lâu nhất ở Off-Broadway: 42 năm!

Sau một thời gian khai thác tại quận Nhà hát, nhiều vở diễn Broadway sẽ được đàn dựng lại với dàn diễn viên mới và đi lưu diễn khắp nơi, trở thành những Off-Broadway, mang “hạt giống” của kịch nghệ rải khắp nước Mỹ (và cả một số quốc gia khác), chuẩn bị cho những “mùa gặt mới” ở Broadway.
Bài 2: Sân khấu Bắc Mỹ: Trăm hoa đua nở

Phạm Thị Thu Thủy (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm