Truyền thông thế giới: Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

18/03/2016 11:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Với tựa đề “Đường chữ U không phải là đường cơ sở của Trung Quốc”, tờ Thời báo Hàn Quốc phiên bản tiếng Anh (Korea Times) ra ngày 16/3 đã viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế để chứng minh rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua đường chữ U (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) là “hoàn toàn tùy tiện và không có căn cứ pháp lý”.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc trích dẫn báo trên chỉ rõ “Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của đường chữ U theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn. Cách xác định đường chữ U của Trung Quốc không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ sở trong UNCLOS 1982, bao gồm đường cơ sở thông thường (điều 5), đường cơ sở thẳng (điều 7) và đường cơ sở quần đảo (điều 47).

Do đó, quy định đường cơ sở của Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản, đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về vạch đường cơ sở”.


Đường lưỡi bò vô lối xâm phạm vùng biển rộng lớn của Việt Nam

Báo trên cũng đưa ra những căn cứ lịch sử cho rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, báo Rzeczpospolita (Cộng hòa) của Ba Lan cũng có bài phê phán hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đưa tin về đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma do cộng đồng người Việt tổ chức tại chùa Thiên Phúc ở thủ đô Warsaw, bài báo nêu rõ: “Ngày nay, đảo Gạc Ma là một trong những điểm nóng trên Biển Đông, được cả thế giới quan tâm. Việc Trung Quốc liên tục có những hoạt động bồi đắp, xây dựng, mở rộng, làm thay đổi nguyên trạng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và không phù hợp với lợi ích của các nước liên quan”.

Trong khi đó, ngày 17/3, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố quân đội Mỹ đã phát hiện hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), nằm ở phần phía Bắc của quần đảo Trường Sa, cách căn cứ trên Vịnh Subic của Philippines khoảng 200 km. Washington cho rằng hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines có thể là một bước đi nhằm tiếp tục cải tạo đất ở Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong cuộc gặp mới đây tại Tokyo, Tổng thống Timor Leste, ông Taur Matan Ruak và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Biển Đông thời gian qua. Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nêu rõ sẽ “phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”. Đây là lần đầu tiên Timor Leste công khai lên tiếng về tình hình ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như cho tàu Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ tải trọng 10.000 tấn đưa 300 khách ra đảo Ốc Ho, xây dựng cảng hàng không với đường băng 3.500 mét ở Đảo Cây, lấn biển ở khu vực cụm đảo An Vĩnh,… người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Những hành động này không chỉ đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương; mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế; có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm