26/01/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - 200 năm qua, Truyện Kiều được xem là viên ngọc long lanh trong di sản văn học của Việt Nam. Tác phẩm trác tuyệt này không những làm lay động tâm hồn người Việt, mà nó còn được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác và là đóa hoa thắm sắc trên thi đàn thế giới.
1. Hai câu thơ mở đầu Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, chỉ chừng đó thôi cũng đủ kích thích nhiều nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực muốn một lần sáng tạo tác phẩm của mình dựa trên nội dung của Truyện Kiều.
Đối với lĩnh vực âm nhạc, khó có thể thống kê hết những tác phẩm âm nhạc được sáng tác với cảm hứng từ Truyện Kiều. Nhưng có thể nói rằng, những câu thơ nhiều biểu cảm, ngôn ngữ thi ca tuyệt đẹp, mối tình “người quốc sắc kẻ thiên tài” của Thúy Kiều… là niềm cảm hứng thôi thúc các nhạc sĩ viết nên những ca khúc. Còn thuyết “tài mệnh tương đố” cùng bi kịch to lớn của cuộc đời Thúy Kiều là niềm cảm hứng để các nhạc sĩ hàn lâm viết nên những khúc nhạc giao hưởng, hợp xướng…
Nhạc sĩ rất nổi tiếng với nhiều ca khúc - Phạm Duy - từng thổ lộ với Thể thao và Văn hóa rằng, ông đã sáng tác những “đoản khúc” về Kiều và đã được biểu diễn một số nơi ở hải ngoại, đây là những “đoản khúc” nằm trong ca cảnh nhằm vẽ nên chân dung nàng Kiều bằng âm nhạc. Năm 2009 ông đã hoàn thành khoảng 75% tác phẩm, với 30 đoản khúc và sau đó ông có buổi nói chuyện tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 244 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du và kỷ niệm 15 năm tạp chí Xưa và nay.
Mới đây, nhạc sĩ Lam Phương cũng vừa tiết lộ, ông có viết 2 ca khúc về Kiều: Trước lầu Ngưng Bích và Tu là cõi phúc - Tình là dây oan, mỗi ca khúc viết dài 5 trang nhạc, như một trường ca.
Trong “cơn lốc” MV của thị trường âm nhạc, năm 2018 có MV Sao em nỡ của Jaykii, ca khúc do Dương Khắc Linh viết nhạc với phần lời của Trang Pháp, một MV cổ trang nói đến mối tình Thúy Kiều - Kim Trọng.
Ngoài ra, còn rất nhiều ca khúc viết về Thúy Kiều của rất nhiều nhạc sĩ mà có thể chúng ta chưa biết hết. Nhưng trên thực tế, cho đến nay, ở lĩnh vực ca khúc dành cho đại chúng, chưa có một ca khúc nào về Kiều thuộc dạng “ca khúc vượt thời gian” hoặc tạo được dấu ấn thật mạnh mẽ đối với công chúng âm nhạc.
2. Ở những thể loại âm nhạc lớn, có thể kể đến những tác phẩm đã được biểu diễn ở Việt Nam như: Giao hưởng Chuyện nàng Kiều của GS-TS Nguyễn Văn Nam - ông được xem là nhà soạn nhạc giao hưởng thuộc vào bậc nhất của Việt Nam. Có thể nói, đây là giao hưởng đồ sộ với 6 chương, viết cho dàn nhạc giao hưởng 3 quản. Tác phẩm được dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM trình diễn sau khi tác giả hoàn thành tác phẩm (khoảng năm 2000-2001).
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân sáng tác Hợp xướng Truyện Kiều, tác phẩm này gồm 3 chương. Thời lượng biểu diễn khoảng 70 phút, nó được xem như một đại hợp xướng về Truyện Kiều. Tác phẩm biểu diễn lần đầu tại Nhà Văn hóa Phú Nhuận, TP.HCM (2001), đêm diễn hoành tráng nhất có thể nói là tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM (2008), sau đó hợp xướng còn được trình diễn nhiều lần khác nữa.
Biểu diễn tại Hà Nội có thể kể: Giao hưởng thơ (giao hưởng 1 chương) Kiều của nhà soạn nhạc trẻ Đặng Hồng Anh được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn vào 17, 18/4/2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Na Uy Thomas Rimul.
Lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo cũng đã sáng tác và chỉ huy đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (3/5/2012) vở thanh xướng kịch Định mệnh bất chợt (gồm 11 chương) của mình. Phần âm nhạc của thanh xướng kịch này được trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, các nhạc cụ dân tộc, ca sĩ opera…
Tuy nhiên, âm nhạc dành cho Truyện Kiều đình đám được công luận báo chí đề cập nhiều nhất là phần âm nhạc cho vở cải lương Kim Vân Kiều. Vở cải lương thể nghiệm này được Hoa Hạ làm đạo diễn, biểu diễn đêm 22, 23/2/2007 tại Nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM. Toàn bộ phần âm nhạc được nhạc trưởng Trần Vương Thạch phụ trách. Đây là dự án đưa dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch… vào cải lương. Toàn bộ diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ của vở diễn lên đến 500 người, trong đó gồm 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng, 40 ca viên hợp xướng, 200 diễn viên múa… và một loạt tên tuổi ca sĩ nổi tiếng như: Giao Linh, Duy Quang, Ái Vân, Phương Thanh, Minh Thuận, Thu Minh, Thanh Thúy, Đức Tuấn, Nguyên Thảo…
Cho đến nay, có thể có những tác phẩm hoặc những buổi biểu diễn chưa được liệt kê ra ở đây. Nhưng với những gì đã được đề cập cũng cho thấy rằng từ lĩnh vực ca khúc cho đến hợp xướng, giao hưởng, thanh xướng kịch, với những nhạc sĩ tài năng ở mỗi lĩnh vực, họ cũng đã sáng tác và trình làng những tác phẩm viết về Truyện Kiều. Nói điều đó để thấy rằng Truyện Kiều là niềm cảm hứng lớn đối với giới nhạc sĩ ở mọi thời đại và chúng ta hy vọng rằng trong hành trình này sẽ tiếp tục có những tuyệt tác âm nhạc làm lay động lòng người để lại cho hậu thế…
Tác phẩm âm nhạc “Truyện kiều” dài nhất Kỹ sư - nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, Viện sĩ Viện Hàn lâm châu Âu, ông đã dành thời gian 5 năm (2005-2009) để phổ nhạc toàn bộ các câu thơ của Truyện Kiều. Tác phẩm gốm 77 bài hát, được thu âm chứa trong 7 CD với tổng cộng thời lượng là 8 giờ, mỗi CD là một phong cách âm nhạc khác nhau. Cũng chính nhờ công trình này mà ông được công nhận là thành viên của Viện Hàn lâm châu Âu. Có thể nói đây là tác phẩm viết về Truyện Kiều dài nhất hiện nay. Quách Vĩnh Thiện là một người yêu nhạc, học guitar từ 6 tuổi tại Sài Gòn, có thời gian ông học guitar tại Paris, ông chơi được nhiều nhạc cụ như: mandoline, accordion, đàn bầu… Thời học sinh tại Sài Gòn, ông là trưởng ban văn nghệ của Trường Petrus Ký. Năm 1964 ông du học rồi sinh sống tại Pháp với nghề nghiệp chính là kỹ sư tin học. Ông đã có nhiều buổi giới thiệu CD Truyện kiều ở Pháp, Bỉ, Đức, Mỹ. Ông sinh năm 1943 và vừa từ trần ngày 13/9/2019 tại Paris (Pháp). PV |
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất