10/08/2008 13:45 GMT+7 | Olympic 2008
(TT&VH) - Trung tâm Báo chí BIMC gần 1 tháng qua đã tổ chức tới cả trăm cuộc họp báo mà chưa bao giờ đông, háo hức, và náo nhiệt như thế. Hàng trăm phóng viên viết giơ tay lia lịa xin đặt câu hỏi. Hàng trăm phóng viên ảnh và truyền hình rào rào bấm máy. Nguyên thủ quốc gia họp báo chắc cũng chẳng thể hơn Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou).
Trương Nghệ Mưu “idol”
Đạo diễn Trương không già như trên các khuôn hình báo chí và truyền hình. Dường như, sự đánh giá chủ quan của giới truyền thông Trung Quốc và cả sự rộng rãi từ truyền thông thế giới cũng làm ông trẻ hơn cái tuổi 57 của mình.
Quần kaki sáng màu. Áo pull màu hồng. Mái tóc cắt cao. Đạo diễn Trương cùng với 2 người trợ lý của mình, một về nghệ thuật, một về âm nhạc tiến vào trong khuôn phòng họp báo có sức chứa tới cả ngàn chỗ ngồi đã kín đặc vang dội tiếng vỗ tay và cả tiếng hò hét “huanying, huanying” (hoan nghênh).
1 tiếng 20 phút, cuộc họp báo của đạo diễn Trương với chủ đề “Chinese elements” (tạm dịch nhân tố Trung Hoa) của Lễ khai mạc Olympic 2008, giống như một sự kiện văn hóa hơn là một cuộc vấn đáp.
Trương Nghệ Mưu nói. Trương Nghệ Mưu cười. Nụ cười của người bước vào nghề đạo diễn rất muộn từ năm 37 tuổi nhưng chỉ mất chục năm đã ngự trị trên đỉnh nghệ thuật rất sáng. Trương Nghệ Mưu khoát tay và biểu cảm như một diễn viên múa.
Người người xin được hỏi. Có tới nửa khán phòng giơ tay suốt buổi chỉ để chờ được 1 cái gật đầu từ bà Vương chủ trì. Người người chăm chú, mắt nhìn như nuốt từng lời.
Và lần đầu tiên trong nghề làm báo, người viết thấy cảnh chủ tọa tuyên bố kết thúc, mà hàng trăm ký giả phi như bay lên phía trước, chỉ để sờ một cái vào người thần tượng của mình.
Olympic đã tái sinh Trương Nghệ Mưu
Nếu bảo Trương Nghệ Mưu hết ý tưởng thì không hẳn. Vì suốt mấy năm qua, ông dồn công sức cho Lễ khai mạc. Sức người có giới hạn. Lễ khai mạc còn hơn cả một cuốn phim (Trương Nghệ Mưu cũng nói thế).
Nhưng có một sự thật: Lễ khai mạc Olympic đã tái sinh Trương Nghệ Mưu với tư cách của một nhà nghệ thuật số 1 Trung Quốc. Đã có lúc, người ta nghĩ Trương Nghệ Mưu không thể tự mình bẻ lái, định lại hướng nghệ thuật cho bản thân. Các tác phẩm của ông na ná nhau, thậm chí mờ nhạt dần từ phim sau tới phim trước. Cũng đã có lúc, người ta nghĩ ông chưa hẳn đã bằng Trần Khải Ca, một đạo diễn cùng thời. Cũng đã có lúc, người ta bảo ông nên thừa nhận đã bị kẻ hậu sinh Phùng Tiểu Cương vượt mặt, hoặc đã lỗi thời, vì không còn tạo nên những sản phẩm nghệ thuật gắn liền với cuộc sống của người dân Trung Quốc. Lịch sử dù sao cũng chỉ là quá khứ. Còn nghệ thuật phải hướng tới tương lai và bắt đầu từ hiện tại.
Cảnh đạo diễn Trương trở thành thần tượng của các ký giả Trung Quốc (xin nhắc lại là ký giả, chứ không phải người hâm mộ thuần túy) quả thực là một bất ngờ, dù không ai nghi ngờ một điều: cả thế giới đã biết đến tên Zhang Yimou.
Có lẽ, Trương Nghệ Mưu đã trở lại ngôi vị số 1 của giới nghệ thuật Trung Quốc sau đêm pháo hoa ở “Tổ Chim”. Có lẽ, Trung Quốc đã không lầm khi chọn người đàn ông có nụ cười đẹp nhất Olympic ấy.
Nhưng Trương Nghệ Mưu sẽ đứng trên đỉnh cao đó bao lâu nữa, một khi người ta nhận ra Lễ khai mạc xét về thủ pháp nghệ thuật cũng chỉ là một bộ phim (dĩ nhiên hoành tráng hơn, quy mô hơn) theo mô tuýp của Hoàng Kim Giáp, của Anh Hùng, của Thập Diện Mai Phục…
6 bật mí của Trương Nghệ Mưu + Ý tưởng châm đuốc bởi mô hình một con phượng hoàng từ trên không trung bay xuống “Tổ Chim” châm đuốc đã không xuất hiện vì “chúng tôi không thể trái ý của Ủy ban Olympic Quốc tế IOC, đòi hỏi màn châm đuốc bắt buộc phải có sự tham dự của yếu tố con người”.
+ Dù đã “về hưu”, Li Ning là người châm đuốc, bởi chúng tôi không thể chọn 1 VĐV vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của anh ta khi ngày thi đấu đã liền kề. Chúng tôi cũng không thể chọn 1 VĐV cử tạ hay vật vì thể hình của họ không “phom” như TDDC. VĐV bắn súng cũng đẹp, nhưng môn này lại quá im ắng. + Màn châm đuốc đã khiến tôi lo lắng nhiều nhất, vì cũng mới chỉ tập với hiệu quả âm thanh, ánh sáng đúng 3 lần. Đây cũng chính là khó khăn nhất trong vô vàn các khó khăn. + Nếu Trời mưa, Lễ khai mạc sẽ bị phá hỏng, vì son phấn sẽ nhòe nhoẹt, trang phục sẽ ướt hết, vũ đạo cũng sẽ không chuẩn. Ơn Trời đã không mưa. Thực tình, chúng tôi chẳng có phương án dự phòng nào. + Tôi đã quyết định để Yao Ming cùng với một em bé đi vào sân. Nó đơn giản là để tạo sự tương phản. Yao Ming cao 2m26 còn em bé thì chỉ mấy chục cm. Chúng tôi chọn em bé từ Tứ Xuyên, vì đấy là nơi đã mất mát nhiều nhất trong năm nay. + Ấn tượng lớn nhất của cá nhân tôi với tư cách của một người xem là màn trình diễn của một bé gái với bài hát Ngợi Ca Tổ Quốc (rất đơn giản mà hiệu quả). Bùi Xuân Tuấn (từ Bắc Kinh) |
Phạm Tấn (từ Bắc Kinh)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất