Trước xu hướng 'trẻ hóa' tội phạm: Gia đình phải thành 'pháo đài' bảo vệ các giá trị!

26/08/2015 05:38 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, hàng loạt các vụ thảm sát gây rúng động xã hội. Đáng lo ngại, các nghi phạm bị bắt đều là những người trẻ. Làm gì để ngăn chặn “virus thảm sát” lây lan trong cộng đồng người trẻ là điều được dư luận quan tâm đặc biệt.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) để giúp độc giả hiểu rõ vấn đề.

* Những vụ thảm sát liên tiếp tại Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái... gần đây, nghi phạm đều là những người trẻ tuổi. Theo ông, điều này có phản ánh sự bất bình thường của người trẻ?

- Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng gần đây tuy chỉ mang tính đơn lẻ nhưng điều đáng quan tâm là số vụ phạm tội trong những người trẻ tuổi đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng trên diện rộng, có xu hướng trẻ hóa.

Hiện tượng này là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của những đối tượng làm trái pháp luật và phạm tội. Chúng hành động theo sự thúc đẩy vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội, cho chính bản thân cũng như gia đình và người thân của mình. Đây cũng là dấu hiệu báo động về việc giá trị đạo đức và nhân cách của một bộ phận giới trẻ đã bị xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến tội phạm.

* Nguyên nhân của những vụ việc bi thương do những người trẻ gây ra này đến từ đâu, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận dưới những góc độ sau đây:

Trước hết, về tính đặc thù của tâm, sinh lý, nhận thức của giới trẻ, người chưa thành niên hoặc người còn trẻ thường có sự mất cân bằng tạm thời về trạng thái cảm xúc lứa tuổi. Hệ quả của trạng thái này nhiều khi họ không làm chủ được bản thân mình, bị những cám dỗ bản năng, có những biểu hiện như mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản, hoặc thờ ơ, bất cần, liều lĩnh...


Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện cảnh sát

Qua khảo sát một nhóm đối tượng trên địa bàn Hà Nội của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học cho thấy: có 73,1% thanh niên có từng có cảm giác buồn, chán; 27,6% từng “rất buồn”, thấy mình vô tích sự đến nỗi làm cho bản thân không muốn hoạt động như bình thường, có 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai, 4,1% từng có ý nghĩ tự tử.

Do ảnh hướng của tâm lý lứa tuổi, người trẻ thường có xu hướng và nhu cầu độc lập, thoát ra khỏi sự quản lý của gia đình, sinh hoạt, quan hệ bị ảnh hưởng, chi phối nhiều từ xã hội, bạn bè, chạy theo những hiện tượng mới lạ, tò mò, thích khám phá, thích thể hiện mình,…

Ở những người chưa thành niên cũng như thanh niên phạm tội có những đặc điểm tính cách nổi trội như: dối trá, gian dối, ưa được tâng bốc đánh giá cao, vô kỷ luật, liều lĩnh, manh động, sự táo bạo, lì lợm, thô lỗ, lười biếng.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới là sự tác động của văn hóa, lối sống lệch lạc; sự suy thoái về đạo đức, sự vô cảm trong lối sống, lỗ hổng trong giáo dục, môi trường sống phức tạp…

Một hiện tượng rất đáng quan tâm là có sự thay đổi tiêu cực của các giá trị sống, giá trị đạo đức của xã hội trong không ít người và sự thay đổi này đang len lỏi vào đời sống xã hội và trong nhiều trường hợp không bị lên án. Đó là những gì xấu xa, bạc ác trở lên bình thường, thành thói quen trong ứng xử và trong nhiều trường hợp với người trẻ lại trở thành những “tấm gương” sinh động để họ bắt chước, làm theo.

Những “tấm gương” sống chụp giật, hưởng thụ, giành giật lợi ích, xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực để trở thành kẻ mạnh… vô hình trung đã trở thành chuyện bình thường trong cuộc sống và lẽ dĩ nhiên tác động rất tiêu cực đến nhận thức, hành vi của người trẻ.

Về phía gia đình, một số gia đình có quan điểm sai lầm trong nhận thức giáo dục con cái. Cha mẹ không chú ý uốn nắn, giáo dục con cái ngay từ đầu. Thiếu sự quan tâm hoặc nuông chiều quá mức, hoặc quá khắc nghiệt, phản khoa học trong giáo dục con cái dẫn đến các em tự do, buông thả, không được uốn nắn, sửa chữa những tư tưởng lệch lạc khiến các em trượt dài vào con đường tiêu cực.

Cấu trúc một gia đình không hoàn hảo như bố mẹ bỏ nhau, bố mẹ ly thân, gia đình có người thân vi phạm pháp luật cũng là một trong những nhân tố khách quan ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi của các em (qua khảo sát ở 4 trường giáo dưỡng cho thấy: có 34,4% thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ.

Một số gia đình có cha mẹ hoặc các thành viên khác thiếu gương mẫu về mặt đạo đức, thiếu tôn trọng lẫn nhau, thường có hành vi, lời nói bất hòa với nhau, bạo lực gia đình, thậm chí có cha, mẹ hoặc các thành viên khác có hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham nhũng hoặc mắc các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm.

Một thời gian dài nhà trường chưa coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhất là trong bối cảnh xã hội đang thay đổi mạnh mẽ.

* Theo ông giải pháp nào để ngăn chặn các thảm cảnh tương tự?

- Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm đòi hỏi phải tiến hành tổng thể nhiều biện pháp, đồng bộ, kiên trì. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là phải xây dựng và bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội. Những chuẩn mực truyền thống tốt đẹp cần được quan tâm giáo dục đầy đủ như sự hiếu thảo với cha mẹ, trung tín với cộng đồng xã hội, trách nhiệm với tập thể.

Cần lên án, ngăn chặn những xu hướng tiêu cực trong thay đổi các giá trị sống và giá trị đạo đức như sự man trá, lọc lừa, chụp giật, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, sống bạc ác, vô cảm.

Cần phải củng cố nền tảng gia đình. Gia đình phải trở thành “pháo đài” bảo vệ những giá trị đạo đức, tinh thần, nhân cách của các thành viên, nhất là với người trẻ tuổi.

Nhà trường ngoài việc giáo dục văn hóa còn phải là nơi trang bị cho giới trẻ những kỹ năng mềm để thích nghi được với trong môi trường xã hội mở và hội nhập vốn đang có nhiều trào lưu tích cực và tiêu cực chi phối nhận thức và hành vi của thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời các hành vi phạm tội và đưa ra xử lý nghiêm minh…

"Chân dung" trẻ vị thành niên phạm tội

Qua nghiên cứu 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra, 85% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, đua đòi các thói hư tật xấu, bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Về đặc điểm tâm lý - xã hội: Có 85,4%  em nghiện thuốc lá, thuốc lào, 33% thích uống rượu, bia, 1,5% nghiện ma túy, 58,6% thích xem video đen, 20% thích xem phim kích động tình dục, 19,2% các em hoàn toàn không thích xem bất kỳ một loại sách báo nào, 70% số người chưa thành niên phạm tội được hỏi và cho biết không bao giờ tham gia sinh hoạt Đoàn, Đội.

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm