Khúc tráng ca viết nên từ hai thập kỷ

16/03/2015 10:37 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 16/3, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng vinh hạnh tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Từ những ngày đầu khó khăn, trải qua 21 năm, đến nay Trung tâm đã đào tạo được hơn 3200 lượt VĐV, trong đó rất nhiều VĐV đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế.

Nhân dịp này, Báo Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng:

Gian lao từ những viên gạch đầu tiên

Xin chúc mừng Trung tâm vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước sự kiện này?

- Cách đây 21 năm, ngày 16/3/1994 Trung tâm HLTT QG Đà Nẵng được thành lập tại quyết định số: 75/QĐTC-ĐT Trực thuộc Tổng cục thể dục thể thao, nay là Bộ VH,TT&DL. Trong quá trình 21 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống cơ sở vật chất ban đầu còn nghèo nàn với đội ngũ cán bộ rất khiêm tốn, chỉ 10 người, đa số sử dụng cán bộ cơ hữu của Trường đại học TDTT Đà Nẵng.

Sau khi học Cao học trở về, năm 1997, tôi nhận quyết định công tác tại Trung tâm. Thật lòng mà nói, lúc ấy mình rất ngỡ ngàng, thậm chí là bức xúc, đề nghị chuyển công tác bởi tình hình trung tâm lúc ấy khó khăn quá.



Bộ trưởng Bộ VH,TT& DL Hoàng Tuấn Anh( giữa) và Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng (bìa trái) trong lần đến thăm Trung tâm năm 2014

Khi đó, Trung tâm mới chỉ có 2 môn là điền kinh và bơi. Nhà cấp 4 là nơi cán bộ ở được chuyển đổi thành nhà ăn nên việc nấu nướng với bằng than, củi rất khó khăn. Bữa cơm của cả cán bộ và VĐV đều vô cùng đạm bạc. Dụng cụ tập luyện thô sơ: đường piste làm bằng sỉ than, hồ bơi nhiều phèn nhưng lại không có hóa chất để xử lý, nhà tập và thảm tập không có.

Lúc ấy, tôi làm Trưởng phòng quản lý huấn luyện nên phải vừa lo ăn vừa lo ở, vừa lo huấn luyện. Khó khăn không thể kể hết. Nhưng đó là những ngày đáng nhớ nhất.

Sau khi được nhà nước đầu tư, từ năm 2004, về cơ bản, bộ mặt của trung tâm thay đổi toàn bộ. Giờ đây, chúng tôi đang trong niềm vui, hân hoan và vô cùng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đó là sự ghi nhận xứng đáng sự cống hiến cao quý của các cán bộ, HLV và VĐV suốt 21 năm qua.

Tự hào những thành quả to lớn

Là người gắn bó với trung tâm ngay từ những buổi đầu thành lập, nhìn lại 21 năm qua, hẳn có nhiều điều khiến ông tâm đắc?

- Trung tâm HLTT quốc gia Đà Nẵng đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn thách thức để sau 21 năm xây dựng và phát triển đã thu được nhiều thành công rực rỡ, tuy khiêm tốn nhưng thật đáng tự hào trên các mặt công tác, đó là:

Công tác huấn luyện, đào tạo với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là quản lý, phục vụ các đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao quốc gia tập huấn tại Trung tâm theo kế hoạch của Tổng cục TDTT. Trong 21 năm qua, Trung tâm đã đào tạo hơn 3200 lượt VĐV.

Kể từ khi mới thành lập, Trung tâm tiếp nhận 2 đội tuyển trẻ trong chương trình mục tiêu quốc gia với 4 HLV và 27 VĐV, đến năm 2008 có 4 đội tuyển và 10 đội tuyển trẻ với số lượng 26 HLV và 120 VĐV. 



Ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng

Đến nay, Trung tâm tập trung 3 đội tuyển và 16 đội tuyển trẻ quốc gia và số lượng VĐV đội tuyển quốc gia tăng hàng năm, kết quả đạt được qua các giải thi đấu gần 3000 huy chương các loại, gần 900 lượt VĐV đạt kiện tướng quốc gia, gần 270 VĐV đạt cấp I.

Trong đó có nhiều VĐV xuất sắc đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế và phá nhiều kỷ lục SEA Games như: Lê Văn Dương, Nguyễn Đình Cương, Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Phạm Thị Bình, Đỗ Thị Thảo, Dương Văn Thái môn điền kinh; Lê Thị Hồng Ngoan, Võ Duy Phương môn Pencak- Silat; Trần Xuân Hiền, Nguyễn Hữu Việt, Hoàng Quý Phước môn Bơi; Doãn Thị Hương Giang, Lê Thị Hiền môn Taekwondo; Trần Quốc Việt, Lương Văn Toản môn Boxing, Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thị Bình Thơ, Vũ Thị Trang môn Cầu lông….

Song song công tác chuyên môn công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và y học được chú trọng, đạt được nhiều bước tiến đáng kể, việc học văn hoá và giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức VĐV cũng được quan tâm hàng đầu.

Ngoài ra, hàng năm Trung tâm tiếp nhận gần 20 giải thể thao và trên 300 lượt HLV, VĐV các địa phương về tập huấn. Trung tâm đã giúp đỡ đào tạo các VĐV có triển vọng của các địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương….

Đặc biệt các đội tuyển của thành phố Đà Nẵng...đã góp phần nâng cao thành tích thể thao cho các địa phương. Điển hình Đại hội TDTT toàn quốc và Hội Khỏe Phù Đổng toàn quốc, các VĐV tập huấn tại Trung tâm đã đạt được gần 200 huy chương các loại.

Từ năm 2004 đến năm 2009, Trung tâm HLTT quốc gia Đà Nẵng lần lượt vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba ( năm 2004); Huân chương Lao động Hạng Nhì ( năm 2009); Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2008); có 1 tập thể và 4 CBVC, HLV, VĐV đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.

Trong 3 năm liên tục từ 2010-2012, tập thể Trung tâm HLTT quốc gia Đà Nẵng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua Xuất sắc, Năm 2013, 1 tập thể và 3 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen. Chi bộ Trung tâm HLTT quốc gia Đà Nẵng nhiều năm liên tục được công nhận là Chi bộ “trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu”.

Đã nhiều lần đưa VĐV tham gia thi đấu quốc tế, ông có những kỷ niệm đáng nhớ nào không?

- Điều đáng nhớ nhất là trong thời kỳ khó khăn nhất, lại có nhiều vận động viên dành thành tích cao nhất như Nguyễn Thị Bình, Trương Thanh Hằng,….Đó là những vận động viên, lần nào ra đấu trường quốc tế, chúng tôi cũng trầm ngâm chờ thành tích.

Tại SEA Games 26, cháu Bình chạy bằng chân đất và đã giành HCB, ngay trước ngày lên đường Quận ủy Thanh Khê (Đà Nẵng) đã ra quyết định chuẩn y kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, được sự chấp thuận của Quận ủy, chúng tôi đã tiến hành làm lễ kết nạp tại Indonesia.

Đặc biệt tại SEA Games 27, khi cả đoàn thể thao chưa đạt được huy chương nhưng cháu Bình đã được đầu tiên đối với môn điền kinh. Khi Bình chạy gần về đích, tất cả chúng tôi cùng chạy theo.

Khi tranh chấp huy chương, có đôi lúc, trọng tài đôi khi không công bằng khiến ai cũng bức xúc.

Bóng đá nữ, trong chung kết gặp Myanmar, đội bạn đá rất rắn còn các cô gái Việt Nam lại quá hiền lành, nhỏ con hơn, nhưng với sự quyết tâm, chúng ta đã lật ngược lại được thế cờ và giành HCV.

Cùng nắm tay tiến về phía trước

Khó khăn hiện nay của Trung tâm là gì?

- Khó khăn nhất hiện nay là ứng dụng khoa học công nghệ vào tập luyện nâng cao thành tích. Thành tích hiện nay đã đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa kinh nghiệm.

Bác sỹ thể thao vừa chưa đủ vừa chưa chuyên. Một ví dụ điển hình, vừa rồi, VĐV Nguyễn Thị Bình mổ tim. Khi xuống Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sỹ chỉ định ngừng tập luyện vì trái tim phì đại. Nhưng khi chuyên gia Đức sang thì họ bảo không sao, người có trái tim như thế này mới thi đấu được môn này.

Mặc dù vậy, Trung tâm vẫn phải khắc phục khó khăn để có một lộ trình phát triển bứt phá cho tương lai , thưa ông?

- Trong năm 2015, Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng được Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT giao tổ chức tập huấn: 3 đội tuyển quốc gia và 16 đội tuyển trẻ quốc gia Với số lượng: 3 chuyên gia, 46 HLV và hơn 300 VĐV.

Trong đó có 3 đội tuyển quốc gia: Điền kinh, Bơi, Cầu lông chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games tại Singapore; các đội tuyển chuẩn bị Vòng loại Olympic năm 2016 tại Brazil và Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 tại Việt Nam.

Với sự tin tưởng của các cấp, Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo và tập huấn các đội tuyển quốc gia không ngừng tăng cường quy mô về số lượng và chất lượng; Thực hiện nhiệm vụ theo quy chế, chủ trương của Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT& DL.

Cải thiện nội dung chương trình kế hoạch huấn luyện, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện. Mở rộng quan hệ hợp tác với các Trung tâm huấn luyện và đào tạo VĐV trong nước và quốc tế, thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh giao lưu, tiếp thu và nâng cao chất lượng quản lý và huấn luyện, vị thế của Trung tâm.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nhật Khánh (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm