Troy Kotsur, phim 'CODA': Nam diễn viên khiếm thính đầu tiên 'rinh' Tượng Vàng

29/03/2022 06:53 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Troy Kotsur (53 tuổi) đã làm nên lịch sử Oscar khi trở thành nam diễn viên khiếm thính đầu tiên đoạt Tượng Vàng, tại lễ trao giải diễn ra vào sáng 28/3 (theo giờ Việt Nam). Anh đoạt giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn người cha khiếm thính trong phim CODA(*) của đạo diễn Sian Heder, do Apple TV+ sản xuất.

Các giải thưởng chính của Oscar 2022

Các giải thưởng chính của Oscar 2022

CODA - bộ phim về một gia đình khiếm thính của Sian Heder - đã giành tượng vàng Oscar 2022 sau những chiến thắng liên tiếp tại lễ trao giải của Hiệp hội Diễn viên điện ảnh và Hiệp hội Nhà sản xuất.

Như vậy, Kotsur đã “đánh bại” các đối thủ nặng ký là Ciarán Hinds (phim Belfast), Jesse Plemons và Kodi Smit-McPhee (The Power Of The Dog) và J.K. Simmons (Being The Ricardos) để đoạt giải.

Hy vọng tạo cảm hứng cho người trẻ khiếm thính

Khán giả toàn là ngôi sao trong khán phòng đã đứng dậy cổ vũ Kotsursau khi tên anh được xướng lên. Anh là tên tuổi được yêu thích sau khi giành được các giải thưởng từ Viện Hàn lâm Điện ảnh Anh, Hiệp hội các Diễn viên Điện ảnh Mỹ (SAG), giải Lựa chọn của Giới phê bình và Tinh thần độc lập với vai diễn này. Javier Bardem, Jessica Chastain, Nicole Kidman và nhiều ngôi sao khác đã đưa tay lên và vẫy-ký hiệu cho tiếng vỗ tay của người khiếm thính.

Người tuyên bố giải thưởng - nữ diễn viên gạo cội Hàn Quốc Youn Yuh Jung - đã đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2021 - ra dấu hiệu tên của Kotsur trước khi công bố bằng micro. Bà trao giải Oscar cho Kotsur, sau đó nhanh chóng cầm lại Tượng Vàng để Kotsur có thể dùng tay mình bày tỏ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Một thông dịch viên đứng cùng họ trên sân khấu và nghẹn ngào khi truyền tải lời nói của Kotsur.

Chú thích ảnh
Troy Kotsur nhận giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất 2022

“Thật tuyệt vời khi có mặt ở đây trong cuộc hành trình này. Tôi không thể tin rằng tôi đang ở đây. Tôi chỉ muốn nói giải thưởng này tôn vinh cộng đồng khiếm thính, cộng đồng phim CODA và cộng đồng người khuyết tật. Đây là thời điểm của chúng ta” - Kotsur bày tỏ.

Kotsur đến từ Mesa, bang Arizona, đã có hơn 30 năm hoạt động trong nghề diễn xuất. Anh bày tỏ lòng biết ơn với những gì mà phim CODA đã mang lại cho anh sau nhiều năm sống chật vật về tài chính.

Phần lớn sự nghiệp của Kotsur dành cho sân khấu. Anh đã xuất hiện trong các vở kịch của Nhà hát Người khiếm thính Quốc gia và Nhà hát West của người khiếm thính ở Los Angeles. Thêm nữa, anh còn tham gia diễn xuất trong một số bộ phim truyền hình như The Mandalorian, CSI: NY, Scrubs Criminal Minds.

Sự nghiệp của Kotsur đã có được “cú hích” đáng kể sau khi đoạt các giải thưởng. Tuy nhiên, khi phát biểu nhận giải tại các lễ trao giải khác, Kotsur luôn nhấn mạnh anh không hề thất vọng về cuộc đời mình. Nữ diễn viên Deanne Bray, vợ của Kotsur, cũng là người khiếm thính. Anh hôn cô trước khi bước ra sân khấu.

Trong CODA, Kostur vào vai Frank, người khiếm thính có con gái là Ruby (Emilia Jones). Ruby là người duy nhất trong gia đình đánh cá ở Gloucester không bị khiếm thính. Cô đã phải chật vật và cảm thấy mình phải có trách nhiệm như thế nào đối với các thành viên khác trong gia đình. Trong phim, Kotsur có một câu thoại và đó là một câu rất hay. Anh thúc giục con gái mình theo đuổi ước mơ ca hát và học đại học. Anh nói to: “Đi đi!”.

Chú thích ảnh
Troy Kotsur trong phim “CODA”

Đối với Kotsur, chỉ một câu thoại đó thôi nhưng anh phải luyện tập rất nhiều cùng sự can đảm trên phim trường, nói câu thoại mà chính anh cũng không thể nghe thấy. Thực tế, Kotsur từng làm điều đó nhiều năm trước, với vai Stanley Kowalski trong vở kịch A Streetcar Named Desire (Chuyến tàu mang tên dục vọng) tại Nhà hát West của người khiếm thính. Trong vở kịch này, hằng đêm anh đã thốt lên “Stella!”.

“Đôi khi tôi hỏi khán giả nghe giọng nói của tôi như thế nào” - Kotsur hỏi bằng ngôn ngữ ký hiệu - “Một người mô tả cảm giác rất ấm cúng, như nằm gọn trên giường”.

Kotsur hy vọng giải Oscar của anh sẽ tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều người. “Tôi hy vọng rằng những người trẻ bị điếc hoặc khiếm thính có thể tăng sự tự tin và được truyền cảm hứng để họ có thể theo đuổi ước mơ của mình. Tôi muốn những đứa trẻ đó không cảm thấy bị giới hạn”.

Trước Kotsur, Marlee Matlin là nữ diễn viên khiếm thính đầu tiên đoạt giải Oscar. Cô hiện vẫn là nữ diễn viên trẻ nhất đoạt giải - ở tuổi 21 - cho bộ phim chính kịch Children Of A Lesser God (1986). Trong phim CODA, Kotsur và Marlee hóa thân thành cặp vợ chồng khiếm thính.

Đường đến vinh quang của “kẻ chấp nhận rủi ro”

Phim CODA đã đưa Kotsur tới các sân khấu lớn nhất của Hollywood đồng thời tạo nên lịch sử cho cộng đồng người khiếm thính.

Anh là diễn viên khiếm thính đầu tiên từng được đề cử giải của Hiệp hội các Diễn viên điện ảnh. Lời khen ngợi cho vai diễn của Kotsur không ngớt. Khi được đề cử giải BAFTA, anh đã mừng đến nỗi ngã ra khỏi ghế. Nhận giải thưởng Gotham Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, Kotsurbày tỏ: “Thật tuyệt vời. Tôi cảm thấy như mình có thể chết một cách hạnh phúc, với nụ cười trên môi”.

Con đường dài tới giải Oscar của Kotsur đã bắt đầu ở trường tiểu học. Với những chương trình truyền hình ít ỏi mà cậu bé có thể tiếp cận được, Kotsur yêu thích những bộ phim hoạt hình có tính hình ảnh cao như Tom & Jerry và thường kể lại phim một cách sinh động cho các bạn học khiếm thính của mình trên xe buýt. Cha anh, một cảnh sát trưởng, sau này thường gọi Kotsur là “kẻ chấp nhận rủi ro” vì đã theo đuổi nghề diễn. Anh học diễn xuất tại Đại học Gallaudet và sau đó đi lưu diễn với Nhà hát Người khiếm thính Quốc gia.

Chú thích ảnh
Troy Kotsur và Emilia Jones trong phim “CODA”

Với rất ít cơ hội trong lĩnh vực truyền hình và điện ảnh dành cho các diễn viên khiếm thính, Kotsur đã tìm thấy sự tự do trên sân khấu. Bắt đầu với Of Mice And Men vào năm 1994, Kotsur đã tham gia diễn xuất trong khoảng 20 vở tại Nhà hát West - công ty rạp hát phi lợi nhuận dành cho người khiếm thính ở Los Angeles được thành lập vào năm 1991. Trong một vở kịch, anh gặp vợ mình - nữ diễn viên Deanne Bray. Và anh đã đóng vai chính trong vở American Buffalo.

DJ Kurs, Giám đốc Nhà hát West, nhớ lại lần đầu tiên “bị thu hút hoàn toàn với sức lôi cuốn của Kotsur” trong vở A Streetcar Named Desire. Nhiều lần kể từ đó, DJ Kurs được xem cận cảnh quá trình nhập vai của Kotsur.

“Làm việc với Kotsur trong buổi diễn tập giống như đang chứng kiến ​​một nhà khoa học điên rồ” - Kurs mô tả qua E-mail - “Anh luôn mày mò và tinh chỉnh, mang đến những yếu tố khác nhau của nhân vật. Quá trình này sẽ không kết thúc cho đến khi kéo màn lên vào đêm công diễn”.

Trên sân khấu, Kotsur mài giũalối diễn của mình. Kotsur nói: “Điều thực sự quan trọng đối với tôi trên sân khấu là thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Đôi khi, ngôn ngữ ký hiệu có thể thể hiện 3 chiều và có ý nghĩa hơn là đối thoại”.

Còn đạo diễn Heder lần đầu tiên xem Kotsur diễn trong 2 vở kịch của Nhà hát West, gồm At Home In The Zoo Our Town. “Đó là những nhân vật rất khác nhau. Anh ấy rất lôi cuốn, đặc biệt là trên sân khấu. Kotsur vừa có sự hiện diện tuyệt vời vừa rất hài hước” - Heder cho biết.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “CODA”

Kotsur từ lâu đã quen nhìn thấy những nhân vật bị điếc một phần và bị biến thành nạn nhân, nhưng CODA đã bộc lộ một điều mà anh hiếm khi thấy. Gia đình trong CODA có thể phải làm việc vất vả hơn một chút nhưng họ là một gia đình như bao gia đình khác, với những cuộc trò chuyện vui nhộn trên bàn ăn tối và những cuộc cãi vã bình thường. Frank của Kotsur cũng hơi thô lỗ và hơi tục tĩu. Kotsur từ lâu đã quen với việc nghe các diễn viên chửi bới nhưng anh vui mừng trước sự thô tục của Frank. Đối với Kotsur, Frank giống như một người điếc thực sự - “một người điếc làm việc chăm chỉ để vượt qua”.

“Tôi muốn khán giả có một góc nhìn khác. Tôi muốn họ thoát khỏi những định kiến về người khiếm thính là như thế nào. Có những bác sĩ, lính cứu hỏa bị điếc. Có những luật sư khiếm thính nhưng có nhiều người thính lại không chú ý đến điều đó” - Kotsur nói.

Mất nửa năm để thoát vai vì quá đồng cảm

Có lẽ cảnh xúc động nhất của Kotsur là khoảnh khắc được chia sẻ giường nằm trong xe tải của anh với con gái Ruby. Không thể nắm bắt được tài năng ca hát của Ruby, anh lắng nghe con gái hát bằng cách dịu dàng cảm nhận sự rung động cổ của cô. Cảnh này tạo sự cộng hưởng sâu sắc trong cuộc sống của chính Kotsur - anh và cô con gái 17 tuổi của Bray cũng là CODA (con của những người trưởng thành khiếm thính) - bị cuốn hút vào âm nhạc.

“Khi con gái tôi chơi nhạc, nó không biết tôi đang đứng sau lưng. Tôi bước lên, chạm vào thân của cây đàn guitar acoustic và tôi có thể cảm nhận được độ rung của cây đàn” - Kotsur nói- “Tôi cũng có thể làm điều tương tự với piano. Tôi có thể tựa tay vào đại dương cầm và cảm nhận những rung động khi con luyện tập. Tôi đã phải đi đến cửa hàng âm nhạc và tôi đã tự hỏi: Sự khác biệt giữa guitar điện và acoustic là gì vậy? Do đó, tôi quyết định mua cả 2 và tặng cho con gái mình. Tôi thực sự thích thú khi nhìn con có động lực với âm nhạc như một sở thích. Tôi không thể tước bỏ niềm đam mê đó khỏi con gái và tôi muốn động viên con”.

Lần đầu tiên Kotsur đọc kịch bản CODA, anh thấy có điểm tương đồng với mình. Giống như nhân vật, anh vẫn chưa sẵn sàng cho việc con gái mình rời nhà. Chính những mối quan hệ cá nhân như thế này đã khiến anh khó có thể “xả” được vai Frank. Kotsur cho biết: “Tôi mất khoảng nửa năm để thoát khỏi nhân vật Frank. Có lần vợ tôi nói: Troy, anh có vui lòng cạo bộ râu đó không? Em thậm chí không thể hôn anh nữa”.

Kotsur ôm cằm và tự so sánh mình với một sợi trong bộ râu rậm của những diễn viên khiếm thính tài năng không có cơ hội có được thành công. “Tôi cảm thấy thật may mắn. Tôi nghĩ đã đến lúc Hollywood cần cởi mở hơn, sáng tạo hơn và đa dạng hơn. Mọi người đều có câu chuyện của họ để kể” - Kotsur nói.

Các giải thưởng chính của Oscar 2022

- Phim hay nhất: CODA.

- Đạo diễn xuất sắc nhất: Jane Cmapion (The Power Of The Dog).

- Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Jessica Chastain (The Eyes Of Tammy Faye).

- Nam diễn viên: Will Smith (King Richard).

- Ca khúc hay nhất: No Time To Die (phimNo Time To Die).

- Thiết kế sản xuất: Zsuzsanna Sipos và Patrice Vermette (Dune).

- Phim Tài liệu hay nhất: Summer Of Soul.

- Nhạc nền hay nhất: Hans Zimmer (Dune).

- Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: CODA (Sian Heder).

- Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Belfast (Kenneth Branagh).

- Phim Quốc tế hay nhất: Drive My Car(Nhật Bản).

- Nam diễn viên phụ: Troy Kotsur (CODA).

- Nữ diễn viên phụ: Ariana DeBose (West Side Story).

- Phim hoạt hình: Encanto.

- Quay phim xuất sắc nhất: Greig Fraser (Dune).

- Hiệu ứng hình ảnh: Dune.

- Âm thanh hay nhất: Dune.

(*) Tên phim “CODA” là viết tắt của "Children Of Deaf Adult" (nghĩa là: Con cái của người khiếm thính).

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm