Kết thúc xét tuyển nguyện vọng 2: Nhiều trường “đói” thí sinh

16/09/2011 10:26 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Ngày 15/9, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng nhiều trường, kể cả trường công lập lẫn dân lập, trường có danh tiếng đến trường mới mở vẫn “đói” sinh viên.

Để lấp đầy chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT giao, các trường này sẽ phải tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 3.

Không ngành nào đủ chỉ tiêu

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển NV2 cho 12 ngành học. Tuy nhiên, hiện mới có 191 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu là 540 em. Trong cả 12 ngành tuyển, không một ngành nào có số thí sinh đăng ký đủ với chỉ tiêu.

Trong đó có những ngành nhận được rất ít hồ sơ như ngành Lịch sử tuyển 80 chỉ tiêu, chỉ có 26 hồ sơ, ngành Nhân học có 40 chỉ tiêu nhưng chỉ 11 thí sinh đăng ký. Rất nhiều ngành chỉ thu được số hồ sơ đếm trên đầu ngón tay như ngành Thông tin - Thư viện 7 hồ sơ (chỉ tiêu là 50), ngành Lưu trữ học 9 hồ sơ (chỉ tiêu 40), ngành Ngữ văn Tây Ban Nha có 30 chỉ tiêu thì có 7 thí sinh đăng ký. Đặc biệt, ngành Triết học thậm chí chỉ có 4 thí sinh ứng tuyển trong khi chỉ tiêu cao gấp 10 lần, lên đến 40 em.

Thí sinh còn nhiều cơ hội ở nguyện vọng 3

Còn tại ĐH Đồng Tháp, tình hình cũng không khả quan hơn. Để “vớt” thêm sinh viên, trường đã xin Bộ cho được áp dụng “bùa hộ mệnh” là điều 33 trong Quy chế tuyển sinh, giãn điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực hết cỡ.

Theo đó, điểm của thí sinh sẽ giảm hơn so với mức điểm sàn 13 điểm của Bộ từ 1 đến 6 điểm. Đã mở rộng cửa tối đa nhưng số thí sinh trúng tuyển NV1 vào trường vẫn rất khiêm tốn. Vì thế, trường phải tuyển đến trên 1.800 chỉ tiêu NV2 ở bậc ĐH và 646 chỉ tiêu ở bậc CĐ.

Dù cứ đăng ký là đỗ, đón cả những em chỉ được 7 điểm cho cả ba môn thi, nhưng kết thúc đợt xét tuyển NV2, ĐH Đồng Tháp cũng chỉ thu hút được 713 thí sinh trong khi tổng chỉ tiêu lên đến gần 2.500 em.

Khu vực phía Bắc, ĐH Thái Nguyên tuyển trên 5.000 chỉ tiêu NV2 nhưng mới nhận được khoảng 3.500 bộ hồ sơ đăng ký.

Khối các trường ngoài công lập, tình hình còn “bi thảm” hơn. ĐH Thành Tây đang rơi vào tình trạng “ăn đong” thí sinh khi chỉ có 14 em trúng tuyển ở NV1. Trường phải tuyển đến gần 1.100 chỉ tiêu NV2, trong đó có 200 chỉ tiêu hệ CĐ, gần 894 chỉ tiêu hệ ĐH. Tuy nhiên, trường chỉ nhận được 168 hồ sơ đăng ký xét tuyển ở cả hai bậc học.

Tương tự, ĐH Thành Đô chỉ có 140 thí sinh đăng ký. ĐH Thành Đông (Hải Dương) còn bi đát hơn khi chỉ có 59 hồ sơ trên tổng số 394 chỉ tiêu.

Rộng cửa nguyện vọng 3

Không tuyển được thí sinh ở NV2, các trường đành phải trông chờ vào NV3.

So với số chỉ tiêu tuyển, ĐH Thái Nguyên còn thiếu đến 1.500 chỉ tiêu. Tương tự, các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Đà Nẵng, ĐH Nông lâm... đều không tuyển đủ chỉ tiêu cần thiết khi kết thúc tuyển NV2. Thậm chí, nhiều trường dự kiến sẽ phải đóng cửa một số ngành. Trước tình hình tuyển sinh khó khăn, lãnh đạo ĐH Đồng Tháp cho biết có thể có đến trên 10 ngành học phải đóng cửa. Để đủ chỉ tiêu, trường sẽ phải đăng đàn tuyển thêm trên 1.700 thí sinh nữa ở NV3, gấp khoảng 2,4 lần số thí sinh tuyển được trong đợt 2. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khả thi.

Trong khi các trường công lập còn rơi vào tình trạng “méo mặt” vì thiếu sinh viên thì với các trường ngoài công lập, đây càng là bài toán thực sự nan giải. ĐH Thành Tây phải trông chờ 900 chỉ tiêu còn lại ở NV3.

Tại các trường CĐ, tình hình còn ảm đạm hơn. PGS-TS Nguyễn Nguyên Cự, Hiệu phó trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội buồn bã nói: “Tuyển sinh năm nay quá khó khăn. Hiện chúng tôi đang rất bi đát. Phòng đào tạo báo cáo mới có hơn 300 trong tổng số 700 chỉ tiêu. Không biết trường khác có phấn khởi không, còn trường tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu” ở NV3”.

Tuy nhiên, việc tuyển nguyện vọng 3 của các trường này có lẽ cũng không dễ dàng gì khi còn rất nhiều trường ĐH công lập đang thiếu chỉ tiêu và tiếp tục tuyển. Nói như ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng thì cuộc đua tuyển sinh giữa các trường công lập và ngoài công lập năm nay là hoàn toàn không cân sức.

“Các trường công lập có lợi thế học phí thấp, được dư luận xã hội coi trọng hơn nhưng năm nay, rất nhiều trường cũng chỉ tuyển sinh bằng điểm sàn, bằng mức điểm tuyển của các trường ngoài công lập thì làm sao còn nguồn tuyển cho chúng tôi?”, ông Nghị nói.

Theo quy định, thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 20/9 và kết thúc vào ngày 10/10, các em vẫn có quyền được rút hồ sơ đã nộp vào trường này để nộp sang trường khác.

Hoàng Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm