Những ngành học chưa thi đã thiếu thí sinh

18/05/2011 11:07 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM tuyển 20 chỉ tiêu nhưng chỉ có 9 hồ sơ đăng ký dự thi. Nhiều đại học (ĐH) khác cũng rơi vào cảnh thiếu thí sinh ngay cả khi kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011 còn chưa bắt đầu.

Trường ĐH Ngoại ngữ, thuộc ĐH Đà Nẵng, tuyển 35 chỉ tiêu ngành Sư phạm tiếng Pháp, nhưng tổng số hồ sơ thu về chỉ vẻn vẹn có 11 bộ, chưa được 1/3 nhu cầu tuyển. Ngành Sư phạm tiếng Trung khá khẩm hơn với 26 hồ sơ trên 35 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi 1/0,7.

Hồ sơ bằng 30% chỉ tiêu

Số ngành “khát” hồ sơ dự thi của ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng khá nhiều. Cụ thể, ngành Xây dựng công trình thủy có 120 chỉ tiêu nhưng chỉ có 108 hồ sơ; ngành Kỹ thuật điện tử - Tin học có 60 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ dự thi là 44. Ngành Công nghệ vật liệu còn ít hơn nữa với 31 bộ trong khi chỉ tiêu gấp đôi, 60 sinh viên. Lượng hồ sơ bằng nửa chỉ tiêu cũng là tình trạng của ngành Kinh tế lao động, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, với 63 hồ sơ trên tổng số 120 chỉ tiêu.

Ở khu vực phía Nam, nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng rơi vào cảnh tỷ lệ chọi dưới 1 như Sư phạm song ngữ Nga - Anh, Sư phạm tiếng Pháp, ngành Ngôn ngữ Nga - Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Văn học.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng kí dự thi ĐH, CĐ tại Sở GD&ĐT TP.HCM Ảnh: Phương Vy

Ngành Toán ứng dụng của ĐH Tôn Đức Thắng chỉ có 46 hồ sơ trên tổng số 50 chỉ tiêu.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tuyển 40 chỉ tiêu ngành Nghệ thuật dẫn chương trình nhưng chỉ có 28 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ chọi là 1/0,7. Các ngành Đạo diễn sự kiện văn hóa, Văn hóa dân tộc thiểu số, Văn hóa học, tỷ lệ chọi lần lượt là 1/0,4; 1/0,5 và 1/0,48.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê dựa trên đăng ký của thí sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2010, tỷ lệ thí sinh “ảo” chiếm 25%. Như vậy, nếu “trừ hao” lượng thí sinh “ảo” thì số lượng thí sinh dự thi vào các ngành này còn “teo tóp” hơn nữa.

Tạm dừng đào tạo vì thiếu sinh viên

Thí sinh không nên chủ quan

Việc ít người đăng ký dự thi là một lợi thế cho thí sinh nhưng các sĩ tử không nên chủ quan. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh muốn đỗ ĐH ít nhất phải vượt vòng “điều kiện” là có tổng điểm ba môn bằng điểm sàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng, đối với một số ngành ít thí sinh, mặc dù trường cho phép thí sinh không đỗ ở những ngành có điểm chuẩn cao hơn xuống học, đăng tuyển nguyện vọng 2, 3 nhưng việc tuyển sinh vẫn rất khó khăn. Năm 2010, trường đã phải tạm dừng đào tạo một số ngành vì số lượng sinh viên quá ít. “Năm nay, nếu vẫn không đủ sinh viên để mở lớp thì chúng tôi tiếp tục phải tạm dừng”, ông Việt chia sẻ.

Đây cũng là chia sẻ của ông Trần Đức Viên, ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, sau liên tục 3, 4 năm phải tạm dừng vì không có sinh viên theo học, trường này đã phải đóng cửa hẳn ngành Công thôn (gồm các chuyên ngành công thôn, công trình) từ năm 2007. Rất nhiều ngành như Công hóa, Nông hóa, dù rất cần cho xã hội nhưng cũng đang trong tình trạng báo động vì thí sinh không mặn mà.

Nhìn ở góc độ khác, ông Lê Cẩm Lượng, Hiệu phó ĐH Sân khấu Điện ảnh lại lo lắng cho tương lai khi các ngành sân khấu truyền thống như cải lương, chèo ngày càng “teo tóp” thí sinh. Mặc dù chưa đưa ra được con số cụ thể về lượng thí sinh đăng ký dự thi các ngành này năm nay, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm phụ trách đào tạo, ông Lượng cho biết số thí sinh dự thi nhiều năm còn ít hơn cả chỉ tiêu. Ông Lượng bùi ngùi: “Nghệ thuật là ngành đòi hỏi phải có năng khiếu, không phải ai thi cũng đỗ. Nhưng thực trạng các ngành truyền thống hiện nay là gần như cứ thi là đỗ vì không có người theo học. Riêng chuyên ngành tuồng đã đóng cửa từ lâu”.

Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm