06/08/2024 20:04 GMT+7 | Giải trí
Tiết mục Trống cơm do Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven và NSND Tự Long thể hiện đã xuất hiện trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai (tạm gọi Trống cơm phiên bản "Anh trai") hơn một tuần qua, được giới thiệu trên YouTube vào ngày 28/7/2024 và rất nhanh chóng lọt vào vị trí số 1 trong danh mục Âm nhạc thịnh hành.
Tính đến tối qua (5/8), Trống cơm phiên bản "Anh trai" giữ vị trí số 1 ngày thứ 7 liên tiếp, thu hút hơn 2,8 triệu lượt xem, 77 nghìn lượt thích và hơn 55 nghìn bình luận.
Cũ cộng mới thành hiện đại
Trống cơm là một bài dân ca đồng bằng Bắc Bộ đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Bài dân ca đã hiện hữu và đồng hành trong đời sống tinh thần của người dân ta từ hàng trăm năm qua. Trong khi đặc trưng dân ca đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu mang tính trữ tình thì Trống cơm lại là những giai điệu tươi vui, rộn ràng. Trống cơm ít khi biểu diễn mà không kết hợp với múa minh họa, càng tạo cho bài thêm "cuốn" người nghe.
Bài Trống cơm khá ngắn ngọn, chỉ vẻn vẹn có một đoạn nhạc có thể chia thành 2 câu có nội dung khá rõ ràng. Bài xoay quanh 3 nhân vật. Trong đó nhân vật hiện hữu duy nhất là cô gái và 2 nhân vật ẩn là chim sít và con nhện. Bài có các ý chính: Khen ai khéo vỗ trống cơm, một bầy con sít lội sông, một bầy con nhện giăng tơ và cô gái duyên nợ tang bồng. Thực ra Trống cơm còn có một nội dung đặc biệt ẩn sau, người viết sẽ chia sẻ khi có điều kiện.
Khi Trống cơm được nhóm các nghệ sĩ Soobin Hoàng Sơn, Cường Steven và NSND Tự Long khai thác làm mới và trình diễn trong gameshow Anh trai vượt ngàn chông gai, toàn bộ bài dân ca Trống cơm được giữ nguyên và trở thành một phần của tiết mục. Phần này không ở mở đầu, không ở kết thúc và ở vị trí giữa, vị trí trung tâm tiết mục.
Điểm hay của tiết mục là chủ đề Trống cơm làm chủ đạo và được hiện hữu trong toàn bộ thời gian trình diễn. Phần trình diễn bài dân ca trên tinh thần mới mẻ nhưng vẫn có "đất" để NSND Tự Long khoe màu sắc dân gian vốn là sở trường của anh. Tiết mục trở nên độc đáo tới mức sớm chiếm được cảm tình từ người nghe và lên vị trí số 1 Âm nhạc thịnh hành có lẽ phải kể tới sự khai thác và kết hợp khéo léo giữa Trống cơm với các yếu tố khác.
Khai thác nhạc cụ truyền thống dân tộc trong bản phối, mở đầu là một không gian đậm đặc chất dân gian, từ âm nhạc đến hình ảnh, gợi đến một mùa lễ hội với những cô gái, chàng trai nô nức trẩy hội, tán tỉnh nhau… Điều này vẫn hiện hữu trong các vở chèo hay tiết mục dân ca đồng bằng Bắc Bộ hiện nay. Sau câu nhạc mở đầu, Soobin Hoàng Sơn cất tiếng hát: "Có lẽ duyên là từ khi anh gặp em/ Bối rối chi bằng mượn nợ để làm quen/ Theo anh đưa em qua khắp lối/ Họa bức tranh, kể chuyện tình đẹp đây rồi". Cường Seven tiếp lời hát: "Bao nhiêu năm tháng đậm sâu/ Ta đi qua hết buồn đau/ Trọn một lời hứa mãi mong sau này vẫn có nhau". Rồi đến Tự Long: "Đêm anh ngồi là "trờ - ông" trông/ Thương mong người thì người còn thương không/ Xa bao ngày thì người còn thương không/ Cùng nhìn về phương xa ối a…".
Chính những giai điệu lời hát mở đầu với đã định hướng người nghe, định vị bài hát theo tinh thần mới mẻ, trẻ trung của giới trẻ hiện nay. Phần NSND Tự Long hát đã khai thác thế mạnh chất hài dí dỏm, cách hát cũng gần hát nói… như vậy là hợp lý để 3 giọng hát, 3 cá tính có thể "ăn săm" được với nhau. Câu nối để vào đoạn 2 (tức là đoạn hát toàn bộ bài Trống cơm) cũng rất thú vị, bằng cách hát nhắc lại nhiều lần và có những điểm nhấn câu hát: "Tình bằng có cái trống cơm".
Phần phát triển có thêm đoạn rap đưa vào cũng rất khéo, nhất là lời ca "…Con tim mang tang bồng. Ta bốc cháy như than hồng. Mang giấc mơ này bay xa…" Người viết cho là những câu hát này đã có tính toán rất kỹ và phù hợp với tổng thể bài với trung tâm là Trống cơm. Đoạn nhấn mạnh bằng cách đọc rap chậm lại câu hát "Tình bằng có cái trống cơm khen ai khéo vỗ", đồng thời tăng âm hưởng của trống trận dân tộc vào cũng rất phù hợp, cộng thêm phần vũ đạo nam tính, thượng võ, tạo hiệu quả tốt. Sau đó là màn trống trận, cũng có thể coi là dẫn cảm xúc người nghe tới cao trào, sau đó bùng bổ cảm xúc khi tiếng đàn bầu (Soobin Hoàng Sơn đánh) xuất hiện, trên nền nhạc vẫn có tiếng hát "mang giấc mơ này bay xa" nhắc đi, nhắc lại liên tục.
Tiết mục "Trống cơm"
Có thể nói, đây là một tiết mục hấp dẫn, kết hợp tài tình các yếu tố dân tộc với hiện đại, vừa mang tính giải trí lại vừa đậm chất nghệ thuật. Tiết mục cũng phát huy được thế mạnh ca hát và sáng tạo của Soobin Hoàng Sơn, vũ đạo của Cường Seven và chất dân gian của NSND Tự Long.
"Đoạn nhấn mạnh bằng cách đọc rap chậm lại câu hát "Tình bằng có cái trống cơm khen ai khéo vỗ", đồng thời tăng âm hưởng của trống trận dân tộc vào cũng rất phù hợp, cộng thêm phần vũ đạo nam tính, thượng võ, tạo hiệu quả tốt" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.
Bùng nổ cảm xúc người nghe
Trống cơm, một bài dân ca làm mới theo lối nghe nhạc của giới trẻ hiện nay, tạo được sự chú ý là đương nhiên, nhưng lên thẳng xu hướng, thậm chí, đứng vị trí số 1 trong danh mục Âm nhạc thịnh hành của YouTube trong nhiều ngày cũng là một thành tích bất ngờ. Cũng vì thế người viết chú ý đến cảm xúc của khán giả dành cho tiết mục này.
Rất nhiều trong tổng số hơn 55 nghìn bình luận của khán giả chia sẻ rằng, việc nghe tiết mục Trống cơm như được trở về với tuổi thơ. Cái thời… mẫu giáo ấy như ùa về với nhiều khán giả. Tài khoản @doris8147 nói: "Lớn lên với giai điệu Trống cơm, hồi mẫu giáo cũng được cô giáo dạy múa với trống cơm. Giờ gần 30 tuổi không ngờ lại được nghe điệu hát này một lần nữa trên chương trình truyền hình, cải biên lại không những giữ được cái hay mà còn thêm phần catchy (bắt tai) và mới mẻ".
"Vẫn nhớ mãi năm 4 tuổi, múa Trống cơm, mình vừa múa vừa run, rồi khóc ầm lên trên sân khấu. Còn nghe loáng thoáng ở dưới mọi người bảo nhau: Thằng cu kia nó vừa múa vừa khóc mà vẫn đúng nhịp nhỉ. Giờ xem 2 anh và chú Long làm "quả" Trống cơm này mà đầu cứ hiện về cái cảnh vừa múa vừa khóc đấy. Hoài niệm dễ sợ" - tài khoản @quyhoang6183 chia sẻ.
"Nhớ ngày xưa không có điều kiện chúng tôi thùng bìa carton ra cuốn lại tạo hình làm trống cơm. Rồi lấy dây len buộc lại thành dây đeo, tập múa hát trống cơm diễn văn nghệ trong thôn" - một khán giả ở lứa tuổi trung niên sau khi xem Trống cơm chia sẻ - "Bài Trống cơm thực sự làm mình cảm thấy như được quay trở lại những ngày tháng vui tươi của tuổi thơ. Giai điệu vui nhộn và nhịp điệu sôi động của bài hát không chỉ khiến mình nhún nhảy theo mà còn khiến tâm trạng mình trở nên cực kỳ tích cực" (TK @fieno4373).
Có khán giả nhận xét về màn trình diễn Trống cơm như thế này: "Trống cơm, áo tơi, trống hội, múa cờ, đàn bầu… vừa cảm động vừa tự hào, vừa tình cảm vừa hào hùng, vừa quá khứ vừa hiện tại và hướng tới tương lai, văn hóa tiếp nối và trao truyền! Tuyệt vời quá!" (TK @mabubeou). "Trang phục đẹp, tiếng trống tiếng đàn bầu, văn hóa dân gian… Điệu nhảy thì vừa hiện đại vừa hào hùng. Trống cơm tuyệt vời" (TK @DungPham288HP).
Rõ ràng văn hóa là "sức mạnh mềm", khi biết cách khai thác và khai thác đúng chỗ, nó sẽ phát huy được tác dụng. Cái may mắn là nền văn hóa của chúng ta vẫn còn nhiều nghệ sĩ tâm huyết với dân tộc như NSND Tự Long, còn có những nghệ sĩ trẻ có tài năng và biết cách khai thác truyền thống đưa vào cái mới như Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven. Dẫu thế chúng ta vẫn cần thêm nhiều những nghệ sĩ trẻ góp sức mình vào cùng văn hóa truyền thống dân tộc.
Với Soobin Hoàng Sơn, hẳn nhiều khán giả bất ngờ với màn trình diễn đàn bầu điệu nghệ của nam nghệ sĩ này. Trong giới âm nhạc thì nhiều người đã biết Soobin là con trai của NSND Huỳnh Tú, một nghệ sĩ tài năng gắn với cây đàn bầu và âm nhạc dân tộc. Thú vị là đến thời điểm này, nhiều khán giả mới bất ngờ khi biết Soobin có một người cha tài ba. Tự chọn đường đi riêng không dựa bóng thế hệ trước, đã có những thành công, được nhiều bạn trẻ yêu thích cộng với hiệu ứng từ Trống cơm phiên bản "Anh trai", khán giả tin rằng Soobin Hoàng Sơn sẽ có thêm nhiều sản phẩm ý nghĩa cho đời sống âm nhạc.
Ca khúc: TRỐNG CƠM
Trình bày: NHÀ SAO SÁNG
GAMESHOW ANH TRAI VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI
Music Director: SLIMV
Music Producer: SLIMV
Arranger: KRISS NGO - TOULIVER
Điểm: 9,2
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất