Tứ linh triệu đô... chìm xuồng?

30/11/2010 09:03 GMT+7 | Văn hoá

Xì căng đan đấu giá hàng triệu USD ngày một bế tắc và có cơ... chìm xuồng. Chỉ còn lại thực tế phũ phàng rằng sau đêm hội từ thiện này, chẳng có triệu USD nào dành cho người dân miền Trung khốn khó cả.

Mất bao nhiêu phải "đền" bấy nhiêu?

Sau khi VietNamNet đặt câu hỏi trong bài viết trước rằng ai đã đánh mất hơn 23 tỷ đồng của người nghèo từ thất bại của cuộc đấu giá tại Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung, ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty truyền thông ASEAN C&C, đã lên tiếng về trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến sự kiện này, trong đó có công ty của ông.


Từ trái sang: Ông Nguyễn Trung Thành, hoa hậu Ngọc Hân trong buổi công bố đêm hội.


Ông Thành cho rằng: "Chúng ta cần đưa ra giải pháp để làm sao thu được tiền từ thiện trong đêm hội càng nhiều càng tốt để chuyển tới tận tay những người dân đang gặp khó khăn ở miền Trung. Đó là việc cần làm vào lúc này, chứ không phải ngồi đổ lỗi cho nhau".

Giải pháp mà doanh nhân này đưa ra là lấy con số kết quả đấu giá 74,9 tỷ đồng của đêm hội, trừ đi giá trị thực của các hiện vật, sẽ cho ra số tiền mà người dân vùng lũ miền Trung được nhận: "Số tiền này sẽ do các bên liên quan chịu trách nhiệm đóng góp hoặc huy động từ các nguồn trong xã hội".

Các cá nhân, đơn vị liên quan theo liệt kê của ông Thành gồm: Công ty cổ phần đá quý Gia Gia, Công ty cổ phần truyền thông Thanh Niên, công ty Lasta, Công ty truyền thông ASEAN C&C, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, chủ sở hữu của bộ tứ linh, viên ruby, trống đồng, bức tranh đá quý, cùng ba nghệ sĩ dẫn dắt cuộc đấu giá. "Phần Công ty truyền thông ASEAN C&C xin ủng hộ 10 căn nhà, sẽ do chúng tôi tự xây dựng, hoàn thành vào quý 2 năm 2011 để trao tặng cho người dân vùng lũ miền Trung", ông Thành hứa.

Người đứng đầu đơn vị này cũng đề xuất về việc sẽ tổ chức một cuộc đấu giá mới với các sản phẩm độc đáo của những nhà hảo tâm "để thu lại số tiền mà người dân vùng lũ đáng được hưởng". Ông cam kết: "Nếu triển khai một cuộc đấu giá mới, chúng tôi sẽ công bố trước số tiền thực thu và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thu tiền, chuyển đến tận tay bà con".

2 triệu, 1 triệu và... 0 triệu USD

Ông Nguyễn Trung Thành cũng trả lời VietNamNet về tình tiết không rõ ràng sau Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung, liên quan đến bộ tứ linh, hiện vật cao giá nhất trong cuộc đấu giá này.

Tại chương trình đấu giá, bộ tứ linh long ly quy phụng bằng gỗ lũa hóa thạch được nêu giá khởi điểm 2 triệu USD (tương đương 40 tỷ đồng). Trong khi đó, chủ nhân của cụm hiện vật này, ông Võ Ngọc Hà, nói rằng mức giá mà ông đưa ra với Công ty cổ phần truyền thông ASEAN C&C trước đêm hội là 1 triệu USD (20 tỷ đồng).

Ông Thành giải thích: "1 triệu USD là khoản tiền mà chủ nhân bộ tứ linh thu về, còn 2 triệu USD là giá khởi điểm đưa ra khi có được thông báo rằng đêm hội có rất nhiều doanh nhân tham dự, chúng tôi muốn số tiền thu về dành cho đồng bào vùng lũ được nhiều hơn".

Ông Thành cho biết công ty của ông đã bỏ vào chương trình khoảng 1 tỷ đồng, trong đó riêng tiền bao thầu 10 bàn tiệc tại đêm hội hơn 600 triệu đồng, nên mục đích chính là làm từ thiện, quảng bá hình ảnh đơn vị, chứ không phải để làm kinh tế.

"Đó là tiền từ thiện, không phải tiền làm thương mại. Mục đích của tôi là kích người ta ủng hộ càng nhiều càng tốt. Giá đó là để người ta ủng hộ, chứ không phải là giá để tôi tiêu, không phải tôi thu số tiền 1 triệu USD đó về để tôi dùng", ông Thành khẳng định.

Xì căng đan đấu giá hàng triệu USD này ngày một bế tắc và có cơ... chìm xuồng, ảnh hưởng đến tâm tư của đồng bào vừa trải qua thiên tai, tác động đến tâm lý của những người có tâm làm từ thiện thực sự. Chỉ còn lại thực tế phũ phàng rằng sau đêm hội từ thiện này, chẳng có triệu USD nào dành cho người dân miền Trung khốn khó cả.

Ông Nguyễn Trung Thành: Ban tổ chức cuộc đấu giá phải công bố số tiền dự kiến thu được tối thiểu sau khi kết thúc và cam kết nếu không thu được, họ phải bỏ tiền ra nộp. Những cá nhân tham gia đấu giá phải liên hệ trước với ban tổ chức để xem sản phẩm và đặt tiền cọc. Nhà tổ chức lẫn người đấu giá đều có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai. Việc đấu giá từ thiện khi đó mới chuyên nghiệp.

Ông Đinh Gia Diên: Đây là bài học đắt giá cho thấy rõ hơn khe hở trong việc chế tài tại những cuộc đấu giá từ thiện. Đồng bào miền Trung năm nào cũng bị lũ lụt hoành hành, nên việc xây dựng biện pháp chế tài cho những cuộc đấu giá làm từ thiện vẫn chưa bao giờ muộn.

Theo VNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm