30/08/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá
Với 50 tác phẩm được sáng tác từ sau 1945 đến gần đây của 44 tác giả trên các chất liệu đa dạng, triển lãm Truyền thống hiếu học được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đúng dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 và chào đón ngày khai giảng năm học mới.
Đây là cuộc triển lãm nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc, đồng thời cũng là sự động viên khích lệ kịp thời với các em học sinh trong ngày khai trường trở lại sau 2 năm vất vả vì dịch Covid-19.
Lớp học trong chiến tranh
Những thế hệ họa sĩ kháng chiến đã khắc họa chân thực và sống động cuộc sống trong chiến tranh, trong đó bao gồm cả việc dạy và học. Ở đó, trường học phải sơ tán. Học sinh học dưới hầm, học ở đình chùa, ở khắp nơi có thể. Và họ đi học không chỉ mang theo sách vở mà còn cả bông băng thuốc đỏ để sẵn sàng ứng phó với thương vong. Dù vậy, việc học vẫn luôn được tiếp tục trong niềm vui, hy vọng trong sáng của biết bao thế hệ thầy trò.
Có thể thấy điều ấy trong triển lãm qua các tác phẩm: Lớp học miền núi của tác giả Hoàng Đạo Khánh, Lớp 5 dưới lòng đất của tác giả Ngô Tôn Đệ, Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên của tác giả Nguyễn Thế Vinh, Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi của tác giả Đào Hữu Phước, Giúp đỡ bạn (Cõng bạn đi học) của tác giả Đào Văn Can, Đi học đêm của tác giả Nguyễn Thế Minh…
Một phong trào học tập trong lịch sử đất nước mà những thế hệ sau vẫn được nghe như một huyền thoại đó là phong trào “Bình dân học vụ”. “Chống nạn mù chữ, diệt giặc dốt” là mục tiêu của phong trào “Bình dân học vụ” được Hồ Chủ Tịch phát động và là bước đi đầu tiên để dân tộc ta lúc đó vươn lên trong điều kiện khắc nghiệt của hoàn cảnh. Qua các tác phẩm trong triển lãm như Lớp trung học đầu tiên của họa sĩ Diệp Minh Châu, Lớp học bình dân làng Bền của danh họa Trần Văn Cẩn, Bủ Đường biết đọc của danh họa Tô Ngọc Vân, Đi học bình dân của tác giả Lê Công Thành… phong trào “Bình dân học vụ” được tái hiện một cách sinh động.
Hiện thực và lý tưởng
Mỗi tác phẩm tại triển lãm là một góc nhìn về sự học. Với nhiều chất liệu đa dạng như sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang… đa phần tác phẩm thể hiện với phong cách hiện thực nhưng toát lên tình cảm trong sáng - giống như lý tưởng, tâm hồn của người họa sĩ trong hoàn cảnh chung của dân tộc bấy giờ.
Triển lãm đem đến một không khí xưa của đất nước cho những người trẻ hôm nay cảm nhận và trải nghiệm. Các tác phẩm trải dài theo thời gian, có những cảnh rất gần gũi với ngày hôm nay như trong tác phẩm Trong công viên Thống Nhất năm 1964 củaNguyễn Phan Chánh, nhưng một không khí xưa hiện lên rõ rệt với tông màu gần như đơn sắc xanh mà người trẻ hôm nay hay bắt gặp ở những bức ảnh xưa. Hay tác phẩm Lớp trung học đầu tiên của tác giả Diệp Minh Châu với ngòi bút tả thực sống động, ánh sáng tương phản mạnh như trong bức họa thời Baroque. Tác phẩm này không chỉ có giá trị lịch sử, xã hội mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật, truyền cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp.
Nghệ thuật gắn với hiện thực một thời nảy sinh từ hoàn cảnh bức thiết của đất nước. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, người nghệ sĩ lại có chung lý tưởng sống và sáng tác. Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đặc biệt ngay cả trong thời kỳ kháng chiến ác liệt nhất vẫn tràn đầy hy vọng, nói đến những khía cạnh đẹp đẽ, nhân văn và tích cực của cuộc kháng chiến. Khía cạnh đó phần nào được thể hiện qua các tác phẩm của triển lãm này.
Triển lãm Truyền thống hiếu học diễn ra từ ngày 31/8đến 11/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trong đó, ngày 8/9, tại Bảo tàng sẽ diễn ra chương trình tọa đàm với chủ đề Truyền thống hiếu học qua góc nhìn nghệ thuật. Tại đây, khán giả sẽ được tham gia trò chuyện cùng với diễn giả khách mời - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến.
Bằng Lăng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất