Triển lãm tranh 99 của các họa sĩ nhà báo chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng

18/06/2024 15:50 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 18/6 tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam đã khai mạc triển lãm tranh 99 của những người làm báo, chào mừng 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).

Nhóm 99 gồm 8 cây cọ (không chuyên và chuyên nghiệp) nhiều thế hệ, với đặc điểm chung là đã và đang công tác, cộng tác ở nhiều đơn vị báo chí khác nhau. Triển lãm bày hơn 130 tranh, nhiều vật liệu và chủ đề, phần nào thể hiện được chất chuyên nghiệp, sự phong phú và sự hồn hậu rất đời.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 1.

Khai mạc triển lãm "99"

Nhóm 99 gồm họa sĩ Ngô Thành Nhân ở Hà Nội, từng công tác tại NXB Văn hóa - Thông tin, là giảng viên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam và cũng là CTV tích cực của nhiều tờ báo. Ông đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ trong và ngoài nước. Ông có tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tang Mỹ thuật Đà Nẵng. Ông cũng được nhiều giải thưởng quốc gia về hội họa.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 2.

Triển lãm thu hút nhiều báo đài đến đưa tin

Họa sĩ Nguyễn Nghiêm, từng là phóng viên của Đài phát thanh quận Tân Bình, giảng viên mỹ thuật công nghiệp tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Triển lãm lần này anh mang đến 15 bức tranh chủ đề phong cảnh, bút pháp mạnh khỏe, dứt khoát.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 3.

Họa sĩ Nguyễn Nghiêm

Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, nguyên Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, sau khi nghỉ hưu mới bắt đầu tự học vẽ. Ông cũng chính là trưởng nhóm 99, đã chủ động kết nối Hội Nhà báo Việt Nam với Cơ quan TTXVN phía Nam để cùng tố chức triển lãm 99. Bắt đầu tự học vẽ từ năm 2017, đã tham gia 3 triển lãm nhóm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Lần này, ông mang đến 20 bức tranh chủ đề phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật, với các vật liệu như acrylic, màu nước trên giấy và giấy dó...

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 4.

Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ

Nhà báo Vũ Kim Sơn từng là phóng viên chiến trường của TTX Giải phóng, đi chiến trường B từ năm 1972. Ông đồng thời là nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi của Báo Ảnh Việt Nam. Bắt đầu vẽ tranh từ 2000, với góc nhìn đậm chất "ánh sáng, bố cục" từ nhiếp ảnh. Với hơn 40 năm tác nghiệp qua khắp mọi miền đất nước, khi vẽ, Vũ Kim Sơn tập trung chủ yếu đề tài phong cảnh, sinh hoạt đời thường, với các tác phẩm rất chỉn chu. Ông đã tham gia và tạo ấn tượng tốt trong 3 triển lãm nhóm.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 5.

Nhà báo Vũ Kim Sơn

Nhà báo Đỗ Hương từng là phóng viên ảnh của tạp chí Kiến trúc, Trưởng Văn phòng đại diện của báo Thể thao ngày nay tại TP HCM. Sau nhiều năm vẽ tranh, hiện nay chị là chủ của Gallerry Huong Art Life tại TP.HCM. Đỗ Hương thực sự là một "tay chơi", nhưng lại chuyên tâm và có thành tựu trong các nghề chị từng trải qua. Từng là một người vẽ tranh cổ động và bản đồ khi ở Trường Sĩ quan Thông tin từ năm 1978. Sau đó, chị xa đất nước làm nghề ảnh. Trở về nước, chị là tay máy chụp ảnh cho tạp chí Kiến trúc. Từ 2003, chị đã vẽ các tác phẩm sơn dầu khổ lớn tham gia các chương trình da cam, thiện nguyện.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 6.

Nhà báo Đỗ Hương

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga hiện là Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM, từng là phóng viên ảnh báo Sân khấu TP HCM và tạp chí Thế giới ảnh. Chị từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất Việt Nam. Chị học đạo diễn sân khấu tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM). Chị yêu thích hội họa từ nhỏ, bắt đầu vẽ năm từ 2000, đã tham gia nhiều triển lãm nhóm với các nhóm Hương Cỏ, Những nhà nhiếp ảnh vẽ tranh, Giấc mơ màu...

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 7.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng là phóng viên báo Lao động, nguyên là Tổng biên tập tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo TP.HCM), Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, nổi tiếng với mảng phóng sự.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 8.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Khi nghỉ hưu, sau một lần bạo bệnh, ông mới cầm bút vẽ trở lại như để hồi sinh năng lượng. Những bức chân dung ra đời ngay trên giường bệnh. Ông vẽ liên tục, như chạy đua với thời gian. Sau 3 năm, vừa dưỡng bệnh vừa vẽ, Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ hơn 2.000 bức, chủ yếu là chân dung bạn bè, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ông từng tổ chức 3 triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Học viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội). Đặc biệt, Huỳnh Dũng Nhân vẽ rất nhanh, chủ yếu nắm bắt thần thái nhân vật. Trong triển lãm tranh "99" lần này, anh bày các tác phẩm trong bộ tranh chân dung Người tôi yêu mến.

Triển lãm 99 chào mừng 99 năm ngày 21 tháng 6 - Ảnh 9.

Nhà báo Tiểu Tân

Cuối cùng là nhà báo Tiểu Tân - trẻ nhất trong nhóm 99 - hiện là phóng viên của báo Sài Gòn giải phóng. Sau khi học vẽ lụa ngắn hạn với họa sĩ Kim Bạch và học vẽ màu nước với Hồ Hưng - Đoàn Quốc, từ năm 2021 đến nay, Tiểu Tân đã tham gia 9 triển lãm nhóm do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, tham gia triển lãm tranh màu nước quốc tế mùa Thu 2021 do Hiệp hội Màu nước quốc tế và CLB Màu nước Sài Gòn tố chức.

Tiểu Tân vừa đi công tác Trường Sa về, hiện đang thực hiện bộ tranh Thao thức Trường Sa, dự kiến 40 bức, sẽ được tổ chức triển lãm tại báo Sài Gòn giải phóng. Thông tin bên lề cho hay, các tranh này đã có nhiều nơi đặt mua, 100% số tiền thu về Tiểu Tân sẽ dành cho các hoạt động thiện nguyện.

Nhóm 99 đều là những người gắn bó với hoạt động báo chí dài lâu, nên tranh của họ cũng ít nhiều mang tính thế sự, họ vẽ về đồng nghiệp, vẽ biên đảo, vẽ các phong trào xã hội, song vẫn say mê sáng tác về chân dung, phong cảnh và tĩnh vật.

Nhiều người trong số các tác giả còn chưa dám nhận mình là họa sĩ, mà chỉ là người có duyên nợ với hội họa, yêu thích thế giới sắc màu, muốn nhờ ngôn ngữ thẩm mỹ nói lên những gì mà con chữ chưa thế nói hết.

Triển lãm diễn ra từ ngày 18/6 đến 26/6, vào cửa tự do.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm