Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế!

17/10/2024 07:30 GMT+7 | Văn hoá

Đang diễn ra tại biệt thự cổ Pháp, 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), triển lãm ảnh "Hà Nội - Một thời để nhớ" tái hiện sự sinh động và rõ nét về những biến đổi của một Hà Nội xưa cũ trong thời gian 30 năm trở lại đây. Ở đó, 2 nhiếp ảnh gia - một Việt Nam và một đến từ nước Anh - đã cùng kể câu chuyện riêng về Hà Nội của mình.

Thú vị hơn, 2 hôm sau ngày khai mạc (10/10), các tác giả Lê Bích và Andy Soloman tiếp tục để lại những khoảnh khắc khó quên khi gặp lại một số nhân vật trong ảnh sau 30 năm "xa cách". Họ đã dành cho nhau những cái ôm, những nụ cười và cả những giọt nước mắt xúc động.

Những "dấu xưa" đã mất

Triển lãm Hà Nội - Một thời để nhớ (kéo dài đến cuối tháng 10) gồm 86 bức ảnh, được 2 tác giả Lê Bích và Andy Soloman chụp trong khoảng thời gian 1992 - 2012, tái hiện rõ nét về sự biến đổi của Hà Nội xưa trong từng thời kỳ, có những thay đổi lớn về kinh tế. Các tác phẩm được xem ở định dạng đen trắng, rất phù hợp với chủ đề.

Tại đây, người xem không chỉ được thấy về một Hà Nội qua cách gọi tên tác phẩm, góc chụp, đối tượng trong ảnh mà còn được "giao lưu" với người chụp từ những chú thích ảnh rất cụ thể, tỉ mỉ, chứa đựng cả những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả.

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 1.

Lê Bích (phải) và Đạt - một trong những nhân vật của bức ảnh mà anh chụp về chương trình “The Last Saturday” của Bức Tường khi xưa

Và như tên gọi, Hà Nội của một thời để nhớ đã hiện lên với vô vàn những hoạt động thường nhật của người dân Thủ đô. Đó là những hình ảnh từ việc người dân tập thể dục ở công viên, ngủ trưa ở ngoài hiên, từ các hoạt động mưu sinh như làm nghề đúc đồng ở Ngũ Xã, làm xưởng mộc ở gần cầu Chương Dương, làm nghề vá xe đạp ở vỉa hè, làm nghề lái taxi với chiếc taxi đầu tiên ở Hà Nội cho đến những hoạt động văn hóa nghệ thuật như vẽ truyền thần, làm người dẫn chương trình trên đài truyền hình.

Rồi, nhịp sống của người Hà Nội còn đến qua khe cửa với nụ cười của trẻ thơ, học sinh chào cờ, hình ảnh những cổ động viên của ban nhạc Bức Tường, bố và con, hình ảnh những bà mẹ Việt Nam anh hùng đứng chụp ảnh ở Lăng Bác, hình ảnh đón giao thừa của người Hà Nội...

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 2.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích

Đa số những bức ảnh thể hiện các hoạt động tập thể, sự kết nối của cộng đồng người Hà Nội. Và không chỉ từ con người, không gian của Hà Nội qua những bức ảnh vời từng con phố, từng công trình cũng cho thấy hành trình thay đổi của Thủ đô. Thực tế, có thể thấy nhiều "dấu vết xưa" của Hà Nội chỉ còn lại trong ảnh và đã thay đổi hẳn ở ngoài đời. Và cũng vì thế, Hà Nội - Một thời để nhớ lại càng cuốn hút người xem hơn.

Tại cuộc gặp gỡ sau triển lãm, Andy Soloman kể: Anh đi qua đường Điện Biên Phủ, khu vực công viên và gặp một cụ bà tầm 70 tuổi đang khiêu vũ một mình. Andy xin phép được chụp hình bà và bà đã rất nhiệt tình tạo dáng cho anh chụp. Không những thế, bà còn mời anh khiêu vũ cùng mình.

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 3.

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman

"Rất tiếc là tôi không có thời gian để khiêu vũ cùng bà ấy vì còn phải đến đây nhưng niềm vui chụp ảnh những con người như vậy, luôn là hạnh phúc của tôi" - Andy hào hứng cho hay.

Sự nồng ấm của người Hà Nội một lần nữa còn được nhiếp ảnh gia người Anh nhớ lại qua những câu chuyện khi ngược dòng thời gian trở về Hà Nội của 30 năm trước. Vào thời điểm đó, du khách còn hiếm và người nước ngoài đến Việt Nam là điều gì khá mới lạ. Nhưng Andy thường được những người Hà Nội mà anh gặp mời vào nhà uống trà, có khi uống bia. Ngay cả khi tiếng Việt của anh lúc đó còn hạn chế nhưng mọi người vẫn tìm cách giao tiếp và anh cảm nhận được rằng sự ấm áp trong những cuộc gặp gỡ đã vượt qua mọi lời nói.

"Trong quá trình chọn ra những bức ảnh cho triển lãm này, tôi không chỉ thấy Hà Nội của 30 năm trước hiện dần ra trước mắt mà còn thấy cả chính mình trong những năm tháng ấy" - Andy Soloman.

"Cám ơn người Hà Nội"

Khá thú vị, sau 30 năm, một số nhân vật trong ảnh của cả 2 tác giả đã được tìm thấy và xuất hiện tại cuộc trò chuyện ngày 12/10, khiến Andy thêm bất ngờ và xúc động. Đó là cô Ngọc Trâm - một MC của đài truyền hình Việt Nam, là một số cựu học sinh trường Nguyễn Du, là Đạt - một fan của ban nhạc Bức Tường. Cả người chụp và người được chụp đã dành cho nhau nhiều cảm xúc, khi họ đều trưởng thành và già đi cùng Hà Nội suốt những năm tháng qua.

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 5.

2 MC Ngọc Trâm và Thanh Hùng của Đài truyền hình Việt Nam được Andy Soloman chụp trong chuyến thăm đài năm 1992

 Andy nói với khóe mắt long lanh vì xúc động: "Sau bao nhiêu năm, con 

Cũng theo Andy, khi đặt chân đến Hà Nội vào tháng 10/1992, anh hoàn toàn không biết đó là thời điểm quyết định thay đổi toàn bộ cuộc đời mình. Khi đó, anh cũng không dễ dàng nhận ra sự thay đổi của Hà Nội.

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 6.

Andy Soloman (phải) và cô Ngọc Trâm, nhân vật trong bức ảnh ông chụp năm 1992

"Khi chúng ta ở nơi nào đó quá lâu thì thường bỏ lỡ, không dễ nhìn ra những thay đổi nhỏ bé đang diễn ra từng ngày. Ví như thời đó, ở góc đường nào chúng ta cũng có thể gặp được những người thợ sửa xe đạp ở vỉa hè. Một hình ảnh phổ biến của quá khứ ấy khiến tôi nhận ra mình đã không có nhiều ảnh chụp những người thợ như vậy" - Andy bộc bạch.

Anh nói thêm: "Nhưng, những hình ảnh của tôi trong triển lãm này phần nào phản ánh được sự chuyển mình của Hà Nội trong thời điểm việc đổi mớinkinh tế dần phát huy hiệu quả, Việt Nam đang vươn mình ra thế giới".

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 7.

Bức ảnh chụp những người thợ sửa xe đạp, được Andy Soloman chụp tại đường Tam Trinh năm 1998. Anh chú thích: Những người sửa xe đạp có thể được tìm thấy trên hầu hết mọi góc phố, sự hiện diện của họ được đánh dấu bằng một chiếc bơm cao, một bát nước và một hộp dụng cụ nhỏ. Họ giữ cho thành phố di chuyển và bơm một chiếc lốp xe với giá 200 đồng và chỉ tính 2000 đồng để sửa một vết thủng

Thực tế, mặc dù mới gặp nhau cách đây 3 tháng, nhưng việc có cùng một tình yêu lớn về Hà Nội đã giúp Lê Bích và Andy Soloman nhanh chóng hiểu và làm việc với nhau khá ăn ý.

Như chia sẻ của nhiếp ảnh gia Lê Bích, anh là một người con của Hà Nội, được chứng kiến Hà Nội "thay da đổi thịt" trong một hành trình dài - từ giai đoạn khó khăn nhưng đầy ắp tình người cho đến khi trở thành một đô thị hiện đại, nơi con người hạnh phúc hơn mà sự mộc mạc thân thiện vẫn không thay đổi. Điều đó khiến anh càng ý thức hơn trong việc lưu giữ lại Hà Nội của một thời để nhớ.

"Hà Nội đã đổi thay rất nhiều. Nhưng tôi không cho phép mình quên đi những vẻ đẹp xưa cũ và nét tinh hoa của nơi đây" -  Lê Bích trải lòng. Từ những suy nghĩ và cảm nhận đó, nhiếp ảnh gia này đã chọn những khoảnh khắc Hà Nội "đi vào lịch sử" - và không thể lẫn với các sự kiện khác - trong các tác phẩm của mình để trưng bày. Đó là những bức ảnh mang tính biểu tượng về Hà Nội như ảnh đường Trường Chinh, cầu Thanh Trì, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, sự kiện Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 - 2006...

Đáng nói hơn, các tác phẩm tại triển lãm được 2 tác giả yêu thích và chọn lựa thể hiện qua tông màu đen trắng không chỉ vì sự "mặc định" đây là màu của thời gian khi nhìn về quá khứ. Như tác giả Andy Soloman khẳng định thì "Hà Nội là nơi có quá nhiều màu sắc, mà ảnh đen trắng mới thực sự chứa đựng nhiều màu sắc hơn cả ảnh màu".

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 9.

Những học sinh trường Nguyễn Du xưa trong ảnh của Andy Soloman và nay

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 10.

Nghề đúc đồng ở làng Ngũ Xã - ảnh của tác giả Lê Bích

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 11.

Tác phẩm Nghề gia truyền của Lê Bích với hình ảnh của ông Nguyễn Thế Lai và con trai là anh Nguyễn Tiến Thành ở phố Lò Rèn năm 2012

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 12.

Hình ảnh giải tỏa đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa để làm đường năm 2006 của tác giả Lê Bích

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 13.

Chiếc xe taxi đầu tiên ở Hà Nội, xe số 1 - được Andy Soloman chụp năm 1993 và chú thích: Trước đây, hầu hết mọi người di chuyển bang xe đạp hoặc xích lô. Sau đó, số lượng xe máy ngày càng tăng. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng và đến mùa Thu năm 1993, Taxi Hà Nội, hãng taxi đầu tiên của thành phố được ra mắt. Đồng hồ tính tiền taxi được định giá bằng đô la Mỹ, hầu hết mọi người đều không thể chấp nhận được, nhưng đó là dấu hiệu của những thay đổi nhanh chóng ở Hà Nội

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 14.

Chợ đường phố ở khu phố cổ năm 1993 của Andy Soloman. Anh chia sẻ cảm nghĩ của mình về bức ảnh: “Chợ đường phố ở Hà Nội thật tuyệt vời. Sản phẩm tươi và phong phú, trái cây rất lạ và ngon. Và ở đâu có chợ, ở đó sẽ có người lái xích lô, những người sống bằng cước phí chở hàng. Ở khu phố cổ, nhịp sống hầu như không thay đổi, những nếp sinh hoạt quen thuộc và được yêu thích, các mối quan hệ rất sâu sắc

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 15.

Nhà thờ Lớn của Hà Nội năm 1992 qua ống kính của Andy Soloman là một quảng trường yên tĩnh. Phía trước nhà thờ trở nên sống động sau giờ học khi trẻ em tụ tập chơi đá cầu, nhảy dây cao su. Một người bán kem đạp chiếc xích lô có thùng đá lớn gần phía trước dừng lại gần đó với hy vọng bọn trẻ có thể mua một món giải khát

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 16.

Không gian triển lãm

Triển lãm "Hà Nội - Một thời để nhớ": Sự nồng ấm của người Hà Nội vẫn thế! - Ảnh 17.

Khách đến tham quan triển lãm ngày đầu khai mạc

Vài nét về 2 tác giả

- Andy Soloman (sinh năm 1962) lần đầu đến Hà Nội vào tháng 10/1992. Khi đó, anh là một phóng viên ảnh đến từ London (Anh) và đã du hành qua nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.

Andy đã kết hôn với một cô gái Hà Nội năm 1994, hai con trai của anh cũng được sinh ra tại Hà Nội. Gia đình anh đã dành 7 năm sống tại Hà Nội và sau đó là đi đi về về giữa hai quê hương.

Hiện nay, anh đang tập trung vào nhiếp ảnh du lịch và nghệ thuật, đồng thời thực hiện một dự án lớn tại Việt Nam nhằm tìm lại những người mình đã chụp vào năm 1992 và 1993.

- Lê Bích (sinh năm 1972) tại Hà Nội, là người dành nhiều đam mê với văn hóa nghệ thuật truyền thống, cũng như với Hà Nội, qua góc máy của mình. Anh từng giành nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh. Triển lãm cá nhân gần đây nhất của Bích mang tên Mẹ yêu con diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm