05/08/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Triển lãm tranh Gặp gỡ 2024 của hai người bạn Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng bày 33 tác phẩm sơn dầu vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật được sáng tác trong khoảng thời gian từ 2019 - 2024. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 6/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Quen biết, rồi chơi với nhau từ năm 2019, cả Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng đều là những người yêu vẽ và thường xuyên trao đổi với nhau về nghề nghiệp. Gặp gỡ 2024 đúng nghĩa là dấu mốc kỷ niệm cho sự gặp gỡ đặc biệt của hai người bạn: một tự học và một trường quy.
Cuộc gặp gỡ của cảm xúc
Phạm Văn Trọng chủ yếu vẽ phong cảnh, thi thoảng có thêm một vài tranh tĩnh vật. Xem tranh Trọng có cảm giác dễ chịu, gần gũi bởi anh vẽ nhiều về phong cảnh quê hương với cảm xúc được tinh chỉnh qua hòa sắc thiên về mô tả hiện thực. Bố cục xa - gần, khả năng tương phản của màu… được anh chú trọng về bài bản theo phái ấn tượng (impressionism) để tả cảm xúc của nắng, gió, sương, ánh trăng… như một điểm nhấn trong tổng thể.
Cũng mang hơi hướng ấn tượng, nhưng Đỗ Hữu Khôi lại có những thực hành khác, lóe ra một triển vọng xác lập một trường thẩm mỹ cho riêng mình. Khôi chọn vẽ nhiều chân dung, có khi là chân dung đôi trong trạng thái đối thoại, điểm xuyết không nhiều là tranh tĩnh vật, phong cảnh.
Đứng trước tranh Khôi, cảm xúc có lẽ là thứ tràn trề. Anh để cảm xúc dẫn dụ cùng những nhát màu táo bạo, những hòa sắc phóng khoáng. Đường nét tự do, dứt khoát, mạnh mẽ là thế mạnh trong tạo hình của Khôi mà không nệ vào kỹ thuật, bố cục hoặc hình họa.
Hai chủ thể sáng tạo khác nhau, dĩ nhiên ngôn ngữ hội họa của Khôi và Trọng cũng khác nhau. Nhưng điểm chung của hai họa sĩ trên tinh thần gặp gỡ đó là cảm xúc mang tới cho người xem. Nói như PGS-TS Trang Thanh Hiền: một cảm xúc dường như trong veo, thuần khiết giữa một xã hội xô bồ, lý trí.
"Dẫu hội họa ấn tượng là một trường phái "đã cũ" từ cuối thế kỷ 19, nhưng cảm xúc và bút pháp của nó dường như vẫn luôn đem lại những giá trị tươi mới cho những tình yêu hội họa. Trong tranh của cả Đỗ Hữu Khôi lẫn Phạm Văn Trọng, trường phái này như được trở lại để kết giao trong một mối thâm tình mới. Cuộc gặp gỡ của những tâm hồn và tình yêu đích thực dành cho hội họa" - nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền bày tỏ.
Còn họa sĩ Phạm Bình Chương, giám tuyển của triển lãm tiết lộ, Gặp gỡ 2024 là điểm rơi của cả hai họa sĩ Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng. "Đây là thời điểm độ chín của anh Khôi sau hơn 10 năm nảy nở tình yêu, niềm đam mê và lao động hăng say với vẽ. Còn anh Trọng, có 6 năm gần đây để tập trung vào ấn tượng, trước đó anh đã vẽ biểu hiện rất mạnh mẽ. Vì có điểm rơi giống nhau nên ở họ có chung sự hồ hởi, tươi mới, cả những liều lĩnh, để mở ra những triển vọng riêng trong sự nghiệp hội họa của mỗi người".
Độ liều của một nhà báo tự học vẽ
Ở Gặp gỡ 2024, sự chú ý dành nhiều cho Đỗ Hữu Khôi. Đây là triển lãm đầu tiên anh công bố những tác phẩm hội họa của mình sau một quá trình chuyên tâm tự học.
Là một nhà báo, đến với vẽ khá muộn, nhưng hội họa với Khôi chưa khi nào là một cuộc rong chơi, vẽ sao cũng được. Anh luôn vẽ với tâm thế của một họa sĩ thực thụ, bằng sự "thèm khát" thường trực trong quỹ thời gian hữu hạn của một nhà báo. Cũng bởi thế mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Khôi bất ngờ trước tranh của anh.
Là một người anh thân thiết, họa sĩ Đào Hải Phong bày tỏ sự bất ngờ trước những bức tranh khổ rất lớn. "Khôi có một độ liều của người "ngoại đạo". Những anh em trong nghề đôi khi cũng bị dò dẫm, dễ bị cân nhắc khi vẽ. Còn cái hay của những người "ngoại đạo" là dám vẽ. Họ không sợ bất cứ thứ gì. Họ thích cái gì thì họ vẽ cái đó. Họ cũng không cần quan trọng tranh của mình phải theo đúng quy chuẩn của bài bản hoặc trường sở".
"Cách vẽ của Khôi rất giống con người của Khôi. Nó có sự chân thành, rất phóng túng, thi thoảng le lói thấy một sự ngạo nghễ ngầm ở trong tranh. Sự ngạo nghễ ở đây không mang nghĩa tiêu cực, mà nó cho thấy Khôi rất tự tin trong việc hạ những nét vẽ theo kiểu của mình" - họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ thêm - "Hội họa có rất nhiều con đường và cách tiếp cận, Khôi chọn cách tổng thể. Xem tranh của Khôi không nên đứng quá gần và các họa sĩ trên thế giới cũng có kiểu tranh như thế. Tôi biết Khôi là người chịu khó đọc, xem tranh và ra bảo tàng nước ngoài để trau dồi kiến thức. Vì thế, Khôi đã tìm ra và chọn cho mình một con đường, một lối thể hiện hợp lý cho tranh của mình".
Cũng nói về sự liều lĩnh của họa sĩ tay ngang này, theo giám tuyển Phạm Bình Chương, Đỗ Hữu Khôi đã dám xây dựng phong cách ấn tượng bằng thể loại chân dung.
"Vẽ ấn tượng đã khó, nhưng anh Khôi chọn vẽ người, vẽ nhân vật lại càng khó hơn. Giống như một người mới yêu, ở anh có sự liều lĩnh, thậm chí bất chấp. Hơn thế, chân dung của anh lại không đơn giản chỉ có một người, mà là chân dung đôi. Có những tranh anh vẽ hai người đối thoại với nhau càng tăng độ khó. Cho nên những câu chuyện anh mang đến gây được sự tò mò cho người xem".
Bật mí thêm về "chìa khóa" để bước vào thế giới nghệ thuật của Đỗ Hữu Khôi, họa sĩ Phạm Bình Chương cho biết, xem tranh Khôi nên tập trung vào trạng thái chân dung và những chi tiết nhỏ.
"Đầu tiên phải xem thái độ và cảm xúc của nhân vật. Có người rất thoải mái, có người lại đăm chiêu. Có khi giữa hai nhân vật lại có hai trạng thái khác nhau với chân dung đôi. Trong khi đó, các chi tiết nhỏ là đồ vật bên cạnh như lọ hoa, cặp kính… đôi khi cũng giúp họa sĩ biểu lộ được cá tính, cảm xúc của nhân vật. Và quan trọng ở tranh của anh Khôi vẫn nổi bật là màu sắc thoải mái, phong phú, có chuyển biến theo tình cảm của nhân vật. Đó cũng là lợi thế của anh khi dám vẽ bằng tình cảm, cảm xúc rất mạnh mẽ".
Phạm Bình Chương còn khẳng định Đỗ Hữu Khôi có nhiều triển vọng để đi xa với những tố chất của anh trong sáng tạo. "Đó chính là sự liều lĩnh, sự phóng khoáng trong bút pháp mà không phải ai cũng có được, kể cả những họa sĩ chuyên nghiệp, được học hành bài bản".
Còn họa sĩ Đào Hải Phong lại ví "hội họa đối với Khôi như một người phụ nữ. Khôi thì như một chàng trai trẻ đầy bản năng với một tình yêu bốc lửa. Anh ta đến với cô gái này bằng tình cảm si mê và có gì cũng đem cho hết, mà không cần biết có được đón nhận hay không. Cứ liều mình, thế rồi, cô gái ấy đã mỉm cười với Khôi".
Vài nét về Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng
Đỗ Hữu Khôi (sinh năm 1975) là nhà báo và tự học hội họa. Anh hiện đang làm việc tại báo VietNamNet. Tác phẩm của anh có trong bộ sưu tập của một số cá nhân trong và ngoài nước.
Phạm Văn Trọng (sinh năm 1978) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương năm 2000. Anh đoạt giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Hải Dương năm 2003. Anh cũng đã có nhiều triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, bao gồm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005, triển lãm TRIO (2017) và Mộng mị (2019) tại Vicas Art Studio (Hà Nội), triển lãm Tụ (2023) tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội)…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất