Triển lãm Biếm họa tại TP.HCM: Ngày hội của người yêu… tiếng cười!

29/05/2010 10:16 GMT+7 | Biếm Họa

(TT&VH) - Chiều qua 28/5, tại Cơ quan quan đại diện TTXVN tại TP.HCM (116 - 118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi Biếm họa Báo chí Việt Nam lần 2 - Cúp Rồng Tre cho một số tác giả đoạt giải khu vực phía Nam và khai mạc triển lãm biếm họa chủ đề “Giao thông thời hội nhập”.

1. Trước đó, Ban tổ chức Cuộc thi đã gặp mặt báo giới TP.HCM để thông tin và lắng nghe ý kiến của các nhà báo nhằm rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau. Chủ trì cuộc gặp mặt với báo giới TP.HCM có các nhà báo: ông Trần Chí Hùng - Phó Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP.HCM, bà Trương Lê Kim Hoa - Phó TBT TT&VH, ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM, họa sĩ Lý Trực Dũng - Cố vấn chuyên môn Cuộc thi. Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Quân đến muộn vì lý do “giao thông nhưng đường… không thông”.


Chụp ảnh lưu niệm tại Lễ trao giải
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí chân tình, ấm cúng và các nhà báo đã bày tỏ nhiều tình cảm tốt đẹp dành cho cuộc thi mà báo TT&VH khởi xướng. Như họa sĩ Lý Trực Dũng giải bày: “Biếm họa đem tiếng cười đả kích vào những thói hư tật xấu của cuộc đời nhưng là tiếng cười có tính xây dựng. Bản chất biếm họa tốt đẹp là thế nhưng nhiều người vẫn còn e ngại…”. Nhà báo Quang Thi (báo Thanh niên) góp ý: “Sao báo TT&VH không chia cuộc thi thành hai bảng dành cho các cây cọ chuyên nghiệp và không chuyên, được như vậy sẽ công bằng hơn khi các biếm sĩ tranh tài”. Đúng là “nội lực” và điều kiện làm việc của các biếm sĩ rất khác nhau, có một số họa sĩ biếm công tác ở các tòa soạn báo. Ghi nhận ý kiến này của nhà báo Quang Thi, nhưng họa sĩ Lý Trực Dũng cho hay: “Theo những gì tôi biết, có 80% họa sĩ biếm trên thế giới đều là “dân nghiệp dư” vì họ sống bằng nghề khác và biếm họa dường như chỉ là nghề tay trái”. Bản thân họa sĩ Lý Trực Dũng làm nghề kiến trúc sư. Nếu chỉ xét về việc này, thì gần như tất cả các họa sĩ biếm đều “không chuyên”. Nói đến chuyện khó có thể sống sung túc bằng nghề của các họa sĩ biếm khi chỉ chuyên tâm vẽ cũng là điều mà các nhà báo cảm thông, chia sẻ nỗi niềm với các biếm sĩ.

2. Từ trước giờ khai mạc triển lãm, các họa sĩ biếm đã làm việc cật lực khi có quá nhiều quan khách “nhờ” hý họa chân dung. Dường như các biếm sĩ đến nhận giải hoặc chung vui trong triển lãm này đều trổ tài với người hâm mộ vốn chỉ biết các họa sĩ biếm qua bút danh, như NOP, Lê Sa Long, Nhím, CUB, Cận, Nhốp, Cua Con… Báo TT&VH đã phải cung cấp khoảng nửa ký giấy khổ A4 để các biếm sĩ làm việc. Khách thưởng lãm rất thích thú không chỉ bởi gương mặt của mình được các biếm sĩ “hoạt kê”, “trào lộng”. Hơn thế, đây cũng là cuộc “chạm trán”, “so tài trực tiếp” của các biếm sĩ trước nhiều người bằng nhiều thứ “vũ khí” khác nhau. Như họa sĩ NOP dùng “vũ khí” bút lông, họa sĩ Nhốp dùng bút bi, Con Cua, Lê Sa Long dùng bút chì sáp… Trong cuộc so tài này, không có biếm sĩ nào “thua trận” mà ngược lại tất cả đều gặt hái được những tràng cười sảng khoái.

Vẽ tranh hý họa chân dung cho khách dự triển lãm
Có thể nói, hôm qua là ngày hội của các họa sĩ biếm và của những người yêu biếm họa tại TP.HCM. Các biếm sĩ vốn vui tính, thích cười nhưng trên gương mặt nhiều người đã không nén được sự xúc động trước tình cảm của người yêu loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Trong buổi khai mạc, có khoảng 50 sinh viên năm cuối khoa Báo chí - ĐH KHXH&NV TP.HCM đã đến để phỏng vấn các biếm sĩ cho bài thực hành của mình. Điều này khiến các họa sĩ biếm đã vui càng vui hơn, vì biếm họa không chỉ được báo giới chú trọng mà ngay cả những nhà báo tương lai cũng yêu mến.

 

 

 

 

10 tác phẩm bán 43 triệu đồng

Ngay trong buổi chiều khai mạc, đã có 10 tác phẩm biếm họa được bán với tổng số tiền là 43 triệu đồng. Cụ thể: Công ty Mercedes-Benz Việt Nam mua Hạ tầng giao thông đô thị của Đỗ Anh Dũng (giải Khuyến khích); Công ty Văn hóa Phương Nam mua Loading của Phạm Thành Chung (giải Ba); Nhà thơ Lâm Xuân Thi mua hai tác phẩm, trong đó có Bài học muộn của họa sĩ Nop (giải Nhất) và một tác phẩm của họa sĩ Cận; Công ty FAHASA mua Đón khách quốc tếGiải pháp chống ùn tắc củaTrần Quyết Thắng; nhà sưu tập Lê Thái Sơn mua tác phẩm Đấu bò tót trongthành phố của Hoàng Dự (giải khuyến khích); Công ty Rạng Đông mua của Nguyễn Ngọc Quân; Ca sĩ Dương Triệu Vũ và Công ty Tiếng Hát Việt mua 3 tác phẩm… Nhiều khách xem tranh khác cũng tỏ ra thích thú và muốn mua, vài người nói sẽ trở lại vào mấy ngày cuối tuần để xem kỹ hơn và chọn mua.

 

Văn Bảy
Xem triển lãm, họa sĩ Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhận xét ngắn gọn: “Ý tưởng các tranh vẽ cùng chủ đề phong phú, có tay nghề”. “Ngòi bút cười” Hoàng Thiếu Phủ (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan) thì: “Các họa sĩ đã kết hợp được thế mạnh thời kỹ thuật số, nội dung chủ đề diễn tả rất sâu. Tuy có vài ý tưởng trùng lặp trong một số tác phẩm, nhưng các tác phẩm có ý tưởng giống nhau đều không có giải thưởng. Điều này chứng tỏ giải thưởng nhằm phát hiện cái mới”. Xem tranh biếm và điểm danh các họa sĩ rất kỹ, ông Hoàng Thiếu Phủ nói thêm: “Chưa bao giờ lực lượng họa sĩ biếm phát triển mạnh như thế này. Giải Biếm họa này sẽ nuôi dưỡng lực lượng đó ngày càng phát triển mạnh hơn”.

Đến hơn 19h, khi đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn ngang Cơ quan đại diện TTXVN đã không còn ùn tắc, họa sĩ NOP, Cua Con, Nhốp… vẫn phải còn “hý hoáy hý họa”. Ước gì trong các cuộc triển lãm nghệ thuật như thế này cứ đông “kịt” người và rộn rã tiếng cười còn ngoài đường cứ thông thoáng và yên bình.

HOÀNG NHÂN

 

 

Bên lề

Họa sĩ NOP đoạt “kỷ lục” hý họa

 


NOP đang vẽ hí họa
Đến với lễ khai mạc từ lúc 16h, vì lượng khách khá đông, nên trong hơn 3 tiếng đồng hồ, họa sĩ NOP cho biết anh đã hý họa khoảng 60 chân dung. Trong buổi khai mạc này, đã có 8 họa sĩ tham gia hý họa, nhưng do lượng khách quá đông, ai cũng phải làm việc hết tốc lực, vậy mà đến gần 19h, vẫn chưa hết khách chờ xin chân dung lưu niệm. Giải thích việc tại sao có thể ngồi liên tục 3 tiếng đồng hồ như vậy, NOP cho biết: “Dù là họa sĩ chuyên nghiệp, sống bằng nhuận bút của nghề này, nhưng chẳng mấy khi có dịp gặp độc giả của mình để vẽ chân dung, nay gặp được, sao có thể từ chối”.
VĂN BẢY

“Lộ diện” tác giả nhỏ tuổi thứ… Nhì

Trong các tác giả đoạt giải Rồng Tre lần 2, Nguyễn Bảo Linh (12 tuổi, ở Hà Nội) với tác phẩm Phóng nhanh về đích (giải KK) được xem là tác giả nhỏ tuổi nhất; cô bé này cũng từng đoạt giải KK cúp Rồng Tre lần 1 khi mới 10 tuổi. Còn Lê Trịnh Hưng Quốc (học lớp 9, trường Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được xem là thí sinh nhỏ tuổi… nhì (15 tuổi) với tác phẩm Công trường giao thông, vẽ rất công phu, chi tiết. Lê Trịnh Hưng Quốc cho biết em vẽ bức này từ thực tế quận Bình Thạnh đào đường, rào lô cốt khá nhiều, ngày nào đến trường cũng gặp.

Họa sĩ Lý Trực Dũng: Xót xa cho 1 tỷ USD mỗi năm

“Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có trên 10 ngàn người chết do tai nạn giao thông và rất nhiều người bị thương, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Nghe con số 1 tỷ USD, có thể nhiều người vẫn chưa thấy rõ được sự tổn thất, nhưng nếu chúng ta biết rằng tổng thu nhập quốc dân trong mấy năm gần đây của Việt Nam chỉ vào khoảng 60 tỷ USD một năm, tai nạn giao thông chiếm đến 1/60. Hay như so với xuất khẩu gạo, Việt Nam xếp top đầu thế giới, mỗi năm thu về khoảng 2 tỷ USD, vậy mà tai nạn giao thông đã lấy đi khoảng một nửa, không xót xa sao được”, họa sĩ Lý Trực Dũng nhận xét.
Như Hà- Văn Bảy

Ý kiến người đến tham dự:

Xuân Hương: Biếm họa Việt Nam rất thông minh

Vốn là một nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều tiểu phẩm châm biếm, nhất là chương trình Những người thích đùa, Xuân Hương đã đến với triển lãm từ rất sớm, ngắm nghía từng bức tranh, ngồi làm mẫu cho các họa sĩ vẽ hý họa. Thậm chí chị còn cao hứng đến mức đã ngồi xuống hý họa chân dung NOP, người đoạt giải Nhất năm nay. Nhận xét về triển lãm này, chị cho biết: “Nhiều tác phẩm đã đạt đến tầm cỡ quốc tế, vì ngôn ngữ phổ quát, hình tượng điển hình, người nước nào xem cũng hiểu, cũng cười và đau. Nhưng cũng đúng như tinh thần của một cuộc thi, nhiều bức chưa thực sự là biếm họa, vì sự khôi hài và châm biếm chưa thể hiện ra được, dùng chữ ghi chú quá nhiều, giống như một trang truyện tranh. Tuy vậy, nhưng nhìn chung thì đây là một triển lãm thành công, vì đã quy tụ được tinh thần phản biện, sự dũng cảm của các tác giả, họ đã thể hiện một cách thông minh những tâm tư tình cảm, cũng như sự “phẫn nộ” của nhân dân trước thực trạng giao thông Việt Nam hiện nay”.
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Giao thông là chủ đề hay
“Nhìn vào diện mạo của các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay, thực trạng của giao thông là điều có thể nhìn thấy ngay, vì nó lồ lộ ra đó, gây cản trở rất nhiều cho sự phát triển đời sống. Cho nên, đây là chủ đề rất hay cho một cuộc thi biếm họa, các tác giả đã thể hiện một cách đa dạng, phong phú về vấn nạn giao thông, theo nghĩa rộng của từ này”, Lê Thái Sơn cho biết.

Thu Huyền: Nhiệt huyết của tuổi trẻ không thiếu

Cùng với một nhóm rất đông những sinh viên đến tham dự buổi khai mạc, nhờ đọc trên website của báo TT&VH, Thu Huyền (sinh viên năm 3, ĐHKHXH&NV TP.HCM) nói rằng: Giá như cuộc thi được quảng bá rộng rãi hơn nữa thì sẽ có rất nhiều bạn trẻ tham dự. Cô sinh viên này cho rằng giới trẻ thường rất nhiệt tình, phấn khích với những cuộc thi kiểu như giải biếm họa, vì trong họ luôn có tinh thần “cách mạng”, muốn đóng góp gì đó cho sự tốt đẹp của cộng đồng. “Nghe BTC nói đa phần các tác giả tham dự trên 40 tuổi, chỉ có một hai người dưới 20 tuổi, em cảm thấy hơi buồn, vì nhiệt huyết của giới trẻ đâu có thiếu, nhiều người vẽ truyện tranh cũng rất hay, chẳng lẽ họ lại thờ ơ với vấn nạn giao thông như vậy sao? Hay tại vì thông tin giải thưởng chưa đến được với họ?”, Thu Huyền nói.

Như Hà- Văn Bảy

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm