Chở quặng nikel có thể hóa lỏng gây lệch tâm; tàu đầy tải và nghiêng trong hoàn cảnh sóng to gió lớn... là những nguy hiểm tàu Vinalines Queen phải đối mặt cùng lúc trước khi chìm.
>> Diễn biến vụ chìm tàu Vinalines Queen
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Minh Ngọc, thuyền trưởng từng có kinh nghiệm chở loại hàng hóa như của tàu Vinalines Queen cho rằng, quặng nikel đúng là hàng hóa nguy hiểm đối với các tàu vận tải biển.
Tàu Vinalines Queen đã phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trước lúc chìm.
Ảnh: Will Van Dorp.
Dẫn ra trường hợp 3 tàu chở quặng nikel bị lật và chìm năm 2010 chính tại vùng biển đông bắc Phillipines - phía nam Nhật Bản, thuyền trưởng này cho biết, lúc bị ẩm, quặng sẽ nhẽo như bùn, mất tính ổn định và khiến tàu lệch tâm, dẫn đến nghiêng. Vì thế, lúc vận chuyển loại hàng hóa này phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bốc xếp, kiểm tra độ ẩm... Cuối năm 2010, chính tại vùng biển đông bắc Phillipines - phía nam Nhật Bản, chỉ trong vòng hơn một tháng, 3 tàu chở quặng loại nickel mang tên Jan Fu Star, Nasco Diamond và Hong Wei lần lượt mất tích. Cả 3 tàu sau đó được xác định là bị lật và chìm trên biển, mang theo tính mạng của hơn 40 thủy thủ.
Trước đó, trong năm 2009, ngành hàng hải cũng ghi nhận 2 vụ đắm liên quan đến các tàu chở quặng là Asian Forest và Black Rose tại Ấn Độ Dương.
|
Tuy nhiên, từ thực tế đi biển của mình ông cho rằng, không loại trừ khả năng việc kiểm soát không chặt chẽ dẫn đến hàng chục nghìn tấn quặng nikel trong khoang tàu đã vượt quá độ ẩm cho phép. Điều này là dễ hiểu trong hoàn cảnh cạnh tranh tìm kiếm nguồn hàng của các tàu vận tải. Thuyền trưởng này thừa nhận, chính ông từng chở quặng không đúng điều kiện quy định nhưng khác ở chỗ ông chạy tuyến gần bờ, sóng gió dưới cấp 6. Còn tàu Vinalines Queen, gặp sóng cấp 8 trước lúc chìm."Quan trọng là thuyền trưởng và thủy thủ đoàn phải nhận định được tình hình và có giải pháp xử lý khi tàu đã bị nghiêng. Thao tác ứng phó quyết định 80% số phận con tàu", ông Ngọc nói.Đối với trường hợp thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người duy nhất được tìm thấy cho đến lúc này, thuyền trưởng Ngọc cho rằng "phải tổng hợp đủ mọi may mắn" thì thủy thủ mới sống sót. "Lúc tàu chìm, nó sẽ tạo nên một hút xoáy, với khả năng nhịn thở chỉ vài phút, rất khó để trồi lên mặt nước mà vẫn sống", ông Ngọc nói.Ngoài ra, để leo lên chiếc phao bè (tự nổi khi tàu chìm) trong điều kiện sóng cấp 8 là cực khó, dù phao chỉ ở trước mặt 10-15 mét.Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải), qua những lời kể của thủy thủ Hùng, có thể khẳng định, tàu Vinalines Queen đã đối mặt với nhiều nguy hiểm cùng lúc trước lúc chìm. "Tàu chở đầy tải, lại bị nghiêng tới 18 độ trong lúc sóng to gió lớn khiến khả năng nó bị sóng đánh chìm là rất lớn", ông Vũ nói.Ông Vũ cho biết, trước lúc tàu phát thông báo bị nghiêng 18 độ, thực tế tàu đã nghiêng tới 20 độ. "Rất có thể, khi cố gắng ổn định tàu càng khiến tàu mất trọng tâm", ông nhận định.Lý giải thêm về tình huống nguy hiểm của tàu Vinalines Queen, ông Trịnh Bá Trung, Giám đốc Trung tâm thuyền viên (ĐH Hàng hải) cho biết, theo thông báo của thủy thủ đoàn, tàu bị nghiêng 18 độ thực chất là độ nghiêng đo trong điều kiện mặt nước tĩnh. "Do tàu hoạt động trong vùng nước và thời tiết xấu, sóng to, độ nghiêng này có thể dao động trong 18-36 độ", ông Trung nói.Chính vì bị nghiêng, đầy tải, sóng đánh vào boong khiến tàu đầy nước, mất hết sức nổi dự trữ và vì thế chìm rất nhanh.
Phạm vi vùng tìm kiếm các thủy thủ của con tàu mất tích
được mở rộng tới 40.000 km2. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Việc thiết bị phát tín hiệu radio báo hiệu vị trí (EPIRB) của Vinalines Queen không phát ra bất cứ tín hiệu nào theo các chuyên gia cũng không phải là điều quá khó hiểu. Thiết bị này có thể trục trặc do lỗi kỹ thuật hoặc do lỗi chủ quan của thủy thủ đoàn. Trong trường hợp nó hoạt động tốt thì khi tàu chìm từ một bên, thiết bị hoàn toàn có thể bị lọt vào trong khoang tàu, cabin và chìm cùng con tàu, không nổi lên để phát tín hiệu.Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng lúc này là huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm 22 thuyền viên còn lại. Nhiều cơ quan tìm kiếm cứu nạn cũng như hàng chục tàu biển quốc tế trên tuyến hàng hải qua khu vực tàu Vinalines Queen chìm đã cam kết hợp tác, giúp đỡ Việt Nam.
Diễn biến vụ chìm tàu Vinalines Queen
Vinalines Queen cùng 23 thuyền viên vận chuyển 54.400 tấn quặng Nikel từ Indonesia sang Trung Quốc, với tình trạng kỹ thuật và trang thiết bị bình thường.
- 5h48 ngày 25/12, trong gió cấp 8-9, tàu thông báo nghiêng trái 20 độ, chưa rõ nguyên nhân. Thuyền trưởng chuyển hướng về vị trí an toàn gần Philippines.
- Một giờ sau, tàu báo độ nghiêng trái còn 18 độ, đang chạy về gần bờ biển Phillipines, rồi mất liên lạc.
- Hai phút sau, do nghiêng trái quá lớn kết hợp với sóng to, Vinalines Queen bị chìm. Một thủy thủ kịp bám vào phao cứu sinh, các thuyền viên khác mất tích.
- Chiều 26/12, thông tin Vinalines Queen mất tích cùng 23 thuyền viên được phát đi. Lực lượng cứu hộ Đài Loan 2 lần điều phương tiện ra hiện trường tìm kiếm nhưng do khu vực đó sóng gió rất lớn nên không hoạt động được.
- Chiều 27/12, Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản tìm kiếm và phát hiện vệt dầu loang gần tọa độ tàu báo nghiêng rồi mất tín hiệu.
- Sáng 28/12, trực thăng của Cơ quan phòng vệ bờ biển Nhật Bản lại bay suốt 3 giờ quanh khu vực tàu Việt Nam mất tích nhưng vẫn chỉ thấy vệt dầu loang.
- Ngày 29/12, việc tìm kiếm bằng trực thăng tạm ngừng. Nhiều chuyên gia cho rằng tàu chìm do quặng hóa lỏng không ổn định, gây mất thăng bằng trong điều kiện thời tiết xấu.
- Sáng 30/12, 5 anh Đậu Ngọc Hùng, thủy thủ trên tàu Vinalines Queen bị chìm đã được tàu của Anh cứu vớt. 22 thuyền viên còn lại hiện vẫn chưa có tung tích. |
Theo Vnexpress