Tranh cãi trong ngày: "Thái độ" nghiêm trọng hơn bán độ?

07/12/2012 06:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Huấn luyện viên sai lầm thì huấn luyện viên từ chức. Cầu thủ thi đấu thiếu động lực, mắc bệnh ngôi sao thì bị cấm trở lại đội tuyển quốc gia. Vậy còn các lãnh đạo của VFF khi chính họ đã thừa nhận sai lầm, nhận trách nhiệm?

Đáng khen cho hành động dũng cảm và đầy lòng tự trọng của HLV Phan Thanh Hùng khi ông tuyên bố từ chức. Vì thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012, ông đã xin lỗi, đã nhận trách nhiệm và đã từ chức. Đó là hành động có văn hóa, rất văn minh.

Chính ông Phan Thanh Hùng cho biết một số cầu thủ có chủ nghĩa cá nhân, bệnh ngôi sao, gây tâm lý không tốt cho các đồng đội trong quá trình thi đấu. Hay nói cách khác, các cầu thủ thuộc "danh sách đen bí mật" ấy đã mắc sai lầm. Sai lầm ở đây là về mặt tư tưởng, thái độ và nhận thức. Sai lầm ấy ảnh hưởng tiêu cực đến đội bóng.



Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.

Trong cuộc họp mổ xẻ thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2012, chính một lãnh đạo của VFF tuyên bố sẽ không gọi các cầu thủ này trở lại các đội tuyển quốc gia nữa. Có thể xem đó là án phạt dành cho họ, vì sai lầm mà họ gây ra. Bởi thế mới xuất hiện tin đồn ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam, tiền đạo Lê Công Vinh, vĩnh viễn bị loại khỏi đội tuyển quốc gia.

Nhưng cũng chính các lãnh đạo VFF thừa nhận bản thân mình cũng mắc sai lầm và xin nhận trách nhiệm: “Liên đoàn bóng đá Việt Nam xin thừa nhận sai lầm. Sai lầm của chúng ta bắt nguồn từ việc đã đồng ý để HLV trưởng ĐT Việt Nam được kiêm nhiệm. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề này. Vấn đề thứ hai về phía Liên đoàn là từ năm 2012 trở đi, VFF thực chất đã không có người làm chuyên môn. Anh Phạm Ngọc Viễn đã chuyển qua công tác tại VPF, chính vì thế công tác chuyên môn không có người làm. VFF xin nhận khuyết điểm và sẽ chấm dứt sai lầm này”.

Vậy là ít nhất hai sai lầm. Một câu hỏi: Nếu so hai sai lầm ấy với "bệnh ngôi sao" của cầu thủ, cái nào nghiêm trọng hơn, cái nào gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thành tích của đội tuyển ở AFF Cup 2012 hơn?

Không dễ để đưa ra sự so sánh này. Nhưng phải có so sánh thì mới xác nhận đúng trách nhiệm, lỗi của các cá nhân, từ đó mới có thể phạt, xử lý đúng người, đúng tội.

Nếu hai sai lầm của lãnh đạo VFF nặng hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực hơn, hoặc có thể là ngang bằng như "bệnh ngôi sao" của cầu thủ, thì có nên đưa ra án phạt cấm lãnh đạo VFF tham hoạt động ở đội tuyển quốc gia vĩnh viễn?

Giả thuyết này đương nhiên chỉ mang tính... giả thuyết. Đời nào mà có chuyện ấy. Nếu giả thuyết biến thành hiện thực thì làm sao có chuyện một vài vị lãnh đạo vẫn tại vị trong bối cảnh đội tuyển, đội U23 hứng chịu hết thất bại này đến thất bại khác ở AFF Cup rồi SEA Games. Ba đời HLV đã phải ra đi theo 3 cách khác nhau trong vòng 1 năm rưỡi, nhưng các vị ấy vẫn tại vị.

"Né đòn" của dư luận thì cứ "né", nhưng đừng lấy người khác ra làm "bia đỡ đạn", đá quả bóng trách nhiệm rồi "thí tốt".

Mà trước khi đưa ra án phạt gì thì phải cân nhắc kỹ càng. Không nên làm bừa.

Cầu thủ bán độ còn không bị cấm cửa trở lại đội tuyển quốc gia vĩnh viễn. Cầu thủ "thái độ" thì không bao giờ được gọi trở lại.

Hóa ra, "thái độ" nghiêm trọng hơn hẳn bán độ?

Ai cũng có thể phạm sai lầm. Nhưng ai cũng có thể "hoàn lương". Theo cách nói của phương Tây, "không bao giờ nói không bao giờ" (never say never).

Không bao giờ nghĩ rằng làm lãnh đạo VFF thì không cần nói câu: Tôi từ chức.

Lê Đồ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm