Tranh cãi quanh nghi vấn Mỹ phá máy bay Nga

26/05/2012 13:14 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Báo chí Nga vừa gây chú ý khi dẫn nguồn cơ quan tình báo nội địa tuyên bố Mỹ có thể là thủ phạm đứng sau vụ rơi chiếc Sukhoi Superjet 100 của nước này. Hướng giả thuyết mới này không chỉ mang tới nhiều tranh cãi, mà còn làm phức tạp thêm bức màn bí ẩn đang bao quanh vụ tai nạn.

Tờ Komsomolskaya Pravda, vốn nổi tiếng đáng tin cậy, nói rằng cơ quan tình báo quân đội Nga GRU đã nghi ngờ một hoạt động gián điệp công nghiệp do Mỹ khởi xướng có thể là nguyên nhân gây ra vụ rơi chiếc máy bay Sukhoi SuperJet 100 vào ngày 9/5 ở Indonesia làm 45 người chết.

Quá ít sự thực

Dẫn nguồn tin là một tướng GRU không nêu tên, Komsomolskaya Pravda nói rằng hành động làm nghẽn các thiết bị điện tử trên máy bay là lời giải thích hợp lý nhất cho việc vì sao chiếc máy bay phản lực hiện đại tối tân, với tất cả các hệ thống điều khiển dường như hoạt động hoàn hảo, lại đâm vào một sườn núi lửa trong khi bay trình diễn, khiến 45 người thiệt mạng. Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy hệ thống nhận biết địa hình và tránh va chạm của máy bay đều hoạt động hết sức bình thường.

"Chúng tôi đang điều tra theo hướng đây là một vụ phá hoại dân sự" - sĩ quan GRU trên nói. Ông cho biết tình báo Nga lâu nay đã giám sát các hoạt động của một số chuyên gia điện tử quân sự Mỹ ở sân bay Jakarta. "Chúng tôi biết họ có một số thiết bị bí mật có thể cắt rời hoạt động liên lạc giữa một chiếc máy bay với mặt đất, hoặc gây ảnh hưởng với các thông số trên máy bay. Ví dụ như chiếc máy bay đang bay ở một độ cao này, nhưng sau khi có sự can thiệp từ dưới mặt đất, thiết bị sẽ cho ra thông số khác" - ông nói.

Cuộc điều tra đã giúp tìm ra chiếc hộp đen ghi lại giọng nói của các phi công trong buồng lái, cho thấy không có âm thanh của bất kỳ tín hiệu báo hỏng nào xuất hiện trong những phút cuối cùng trước khi  máy bay đâm vào núi. Phi hành đoàn cũng không đưa bất kỳ một cuộc hội thoại nào cho thấy họ đang ở tình huống khẩn cấp, kiểu như :"Coi chừng, núi ở trước mặt kìa". Nhưng chiếc hộp đen này chỉ là 1 trong 2 phần thuộc về hệ thống hộp đen. Chiếc hộp còn lại, vốn giám sát hệ thống điều khiển bay và thông số động cơ, vẫn mất tích trong vùng núi Salak, nơi từng xảy ra 7 vụ tai nạn chết chóc khác.

Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Nga đổ lỗi thảm họa cho sự can thiệp từ phía nước ngoài. Đầu năm nay, lãnh đạo Cơ quan hàng không vũ trụ Nga (Roskosmos), Vladimir Popovkin, nói rằng thất bại của tàu thăm dò Phobos-Grunt đi tới sao Hỏa có thể là sản phẩm của hoạt động gây nghẽn điện tử do Mỹ tiến hành.

Những nghi ngờ đó không phải không có căn cứ. Hồi năm 2004, một cựu Bộ trưởng Không quân và là cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Ronald Reagan đã nói trong cuốn sách của ông mang tựa đề At the Abyss: An Insider's History of the Cold War (tạm dịch Bên vực thẳm: Lịch sử Chiến tranh Lạnh của một người trong cuộc) rằng trong những năm 1980, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã dùng chiến tranh trên không gian ảo để phá hoại đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia của Liên Xô. Vụ phá hoại gây ra một vụ nổ khổng lồ, mạnh cỡ một quả bom nguyên tử có sức công phá 3Kt và phá hủy một đoạn đường ống lớn.

SuperJet 100 là chiếc máy bay được Nga đặt rất nhiều hy vọng, cho tới khi thảm họa chết người xảy ra
Rất nhiều nghi vấn

Nhân vật trung tâm trong cuộc tranh cãi, SuperJet, là chiếc máy bay 100 chỗ tầm trung. Nó có mức giá 35 triệu USD, khá lý tưởng để thay thế cho hàng trăm chiếc máy bay chở khách đã già cỗi của Nga. Nó cũng là hy vọng lớn của Nga trong việc tiến vào thị trường quốc tế, cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Bombardier Inc của Canada và Embraer SA của Brazil. Bởi hy vọng đặt vào SuperJet không nhỏ nên hướng giả thuyết nó bị cố ý phá hoại nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh nghe có vẻ khá hợp lý.

Tuy nhiên các chuyên gia hàng không Nga được tờ CS Monitor liên hệ phỏng vấn đã bác bỏ giả thuyết này. "Tất cả các hướng giả thuyết được đưa ra tới nay đều có khiếm khuyết. Có quá ít thông tin cốt lõi trong đó và rất nhiều những tin đồn vô trách nhiệm. Tôi e rằng người Nga sẽ không dễ thoát khỏi chuyện này trong cảnh không bị tím mắt." -  Roman Gusarov, tổng biên tập trang web Avia.ru chuyên về hàng không đánh giá.

Gusarov thừa nhận hướng giả thuyết mới đã làm dày thêm các bí ẩn liên quan tới vụ tai nạn. Bí ẩn lớn nhất hiện nay là vì sao Alexander Yablontsev, cơ trưởng điều khiển chiếc SuperJet lại đề nghị được hạ độ cao ở vùng núi Salak, vốn từng bị tờ Jakarta Post gọi là "nghĩa địa của các máy bay". Hành động của ông càng khó hiểu, khi trời đang có mưa bão, tại khu vực nổi tiếng hiểm trở này.

Bạn bè quen biết Yablontsev nói rằng ông là người rất bình tĩnh, đã có hơn 10.000 giờ bay trên 80 loại máy bay khác nhau. Khi Superjet có chuyến bay đầu tiên hồi tháng 5/2008, Yablontzev chính là phi công thử nghiệm ngồi trên khoang lái. Vì thế, quyết định của ông là rất khó hiểu.

Bí ẩn lớn thứ 2 là vì sao đài điều khiển không lưu ở Jakarta lại cho phép phi công làm điều đó. "Có thể nhân viên điều khiển không lưu không thấy chiếc máy bay đang hướng thẳng tới ngọn núi. Mặt khác, chúng tôi không phủ nhận khả năng đây là hành động phá hoại cố ý nhằm đá chiếc máy bay của chúng tôi ra khỏi thị trường. Thật may, chúng tôi chưa nhìn thấy bất kỳ khả năng bị mất đơn đặt hàng nào từ chiếc SuperJet" - một quan chức giấu tên của Sukhoi, công ty sản xuất SuperJet, nói với tờ Komsomolskaya Pravda.

Tin đồn vô giá trị?

Gusarov đánh giá cách xử lý thảm họa của Sukhoi, ít nhất là trên mặt thông tin, có nhiều điều rất không ổn. "Từ đầu, họ đã phát triển chiếc máy bay này giống một dạng chiến đấu cơ hết sức bí mật, thay vì máy bay chở khách dân sự. Giờ thị họ đưa ra các tuyên bố trái ngược nhau và phát đi đủ mọi dạng kết luận vội vã. Ví dụ như làm sao họ có thể nói rằng hoàn toàn không có sự cố hệ thống nào, nếu chỉ dựa trên chiếc hộp đen ghi lại âm thanh? Có thể thấy dù đặt ra giả thuyết nào về tai nạn, kết cục do nó mang lại đều rất tệ. Hoặc nó sẽ khiến người ta nghĩ chiếc máy bay mới và được đặt nhiều hy vọng của Nga có vấn đề, hoặc tổ lái giỏi nhất của Nga không thực sự giỏi lắm. Vì thế, tìm một thủ phạm từ bên ngoài để đỗi lỗi là thứ người ta cần" - ông nói.

Oleg Pantaleyev, một chuyên gia ở trang web Aviaport.ru cho biết Mỹ không sản xuất loại máy bay đặc biệt như SuperJet nên không phải lo ngại cạnh tranh với người Nga. Ông chỉ ra rằng vài công ty nước ngoài, gồm Boeing của Mỹ, đã có liên quan tới quá trình phát triển của SuperJet, nên cũng có lợi ích không nhỏ nếu nó thành công. "Đây sẽ là một cuộc điều tra khó khăn, bởi một phần hộp đen đã mất và địa hình hiểm trở khiến việc thu hồi các mảnh vỡ là khó khả thi. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn tất cuộc điều tra phức tạp và chúng ta chưa thể trông chờ vào bất kỳ kết luận chắc chắn nào trong thời gian trước mắt" - ông nói - "Chính sự thiếu thông tin khách quan... đã khiến tin đồn tăng cao. Tất cả những tin đồn ấy nên bị bỏ ngoài tai".

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm