Trà Việt và đồng hồ cổ trong Phố cổ

22/11/2010 08:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam, từ ngày 23 -27/11, BQL Phố cổ đã tổ chức 3 hoạt động văn hóa đặc sắc tại trong các ngôi nhà cổ. Đó là trình diễn văn hóa Trà Việt tại 28 Hàng Buồm; Tái hiện không gian sống, nét sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội xưa tại 87 Mã Mây; và Trưng bày và giới thiệu về đồng hồ cổ tại 38 Hàng Đào.

BTC chương trình cho biết, “Văn hóa Trà Việt” là hoạt động văn hóa làm sống lại cái hồn của Phố cổ Hà Nội. Vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thủy của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao. Uống trà là một cách biểu thị mức độ tâm đắc cùng người đối thoại, tình yêu, học vấn... Ngày nay, ở Việt Nam đã tồn tại một nền văn hóa trà đậm đà bản sắc và tỏa hương.


Thú chơi đồng hồ cổ của người Hà Nội

Tại “ngôi nhà di sản” 87 Mã Mây với hoạt động “Giới thiệu về nét sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội”, du khách sẽ được trò chuyện, tiếp xúc với các nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội để hiểu rõ thêm về văn hóa sống, giao tiếp và cách ứng xử của người Hà Nội.

Còn tại đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, việc giới thiệu về thú chơi và sưu tầm đồng hồ cổ cũng là một cách giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, bên cạnh đó, việc trưng bày ở phố Hàng Đào cũng như là một sự tiếp nối, giới thiệu về phố Hàng Đào xưa và nay (nhiều cửa hiệu đồng hồ). Có một nhà sưu tầm đã nói: “Nhiều người đi đường thường dừng lại thưởng thức tiếng chuông đổ. Họ thích nghe bởi nó gợi nhớ về quá khứ...”.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm