18/09/2011 12:40 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Rabindranath Tagore (1861- 1941) - chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1913 - là một thần tượng văn hóa, người đã đưa “văn hóa phương Đông” tới châu Âu. Mới đây, UNESCO đã có hoạt động tôn vinh ông tại Paris (Pháp) khởi đầu cho chuỗi hoạt động trên khắp toàn cầu nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông.
Đại thi hào Tagore.
Tagore để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ, gồm thơ, văn xuôi, kịch, âm nhạc (trong đó có quốc ca Ấn Độ và Bangladesh), nhiều bức tranh, các bài tiểu luận về chính trị, giáo dục và triết học.
Tái diễn nhiều tác phẩm của Tagore
Trong khuôn khổ của chương trình Remembering Tagore (Nhớ Tagore) của UNESCO, một bộ phim tài liệu về Tagore của nhà làm phim Satyajit Ray sẽ được công chiếu. Ray không chỉ làm các bộ phim dựa theo các câu chuyện của Tagore như Charulata và Teen Kanya, mà, ông còn tái tạo cuộc đời của Tagore qua bộ phim tài liệu này. Nó đã gây được tiếng vang rộng khắp ngay từ năm 1961.
Cũng trong chương trình Remembering Tagore, nữ ca sĩ hàng đầu Kavita Krishnamurthy, người từng gắn tên tuổi với hơn 15.000 ca khúc, đã trình diễn nhiều nhạc phẩm viết về tình yêu của Tagore. Còn nữ nghệ sĩ Aparna Sen thì ngâm nhiều bài thơ của ông về thiên nhiên. Với album đặc biệt, Tagore Lounge, người nghe được thưởng thức các ca khúc của Tagore với âm hưởng đương đại khi nghệ sĩ nổi tiếng Bickram Ghosh đã hòa trộn các nhạc phẩm của Tagore với nhạc raga cổ truyền của Ấn Độ và các âm thanh điện tử, acoustic.
Trong khi đó ở Tây Ban Nha, một trong số ít nước châu Âu mà Tagore chưa đặt chân tới, đã phát hành cuốn sách mới mang tựa đề Redescubriendo a Tagore (Suy nghĩ lại về Tagore). Cuốn sách này do giáo sư Indranil Chakravarty thuộc Viện Điện ảnh Quốc tế ở Mumbai (Ấn Độ) và giáo sư S.P. Ganguly thuộc tTrường ĐHTH Jawaharlal Nehru cùng biên soạn. Theo 2 học giả này thì Tagore vẫn nổi tiếng ở Tây Ban Nha, mặc dù danh tiếng của ông đã suy giảm ở nhiều nước châu Âu kể từ sau Thế chiến I vì bị nhìn nhận là một nhà thơ phương Đông bí ẩn, xa cách với những hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống.
Sinh thời, Tagore từng nói “Tây Ban Nha rất cuốn hút tôi” và ông đã muốn được tận mắt chiêm ngưỡng đất nước này. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha đã “đón hụt” nhà thơ - với chương trình được chuẩn bị rất chu đáo - bởi vào phút chót Tagore đã hủy bỏ chuyến thăm này.
Nhân dịp này, một nhóm học giả và nghệ sĩ trình diễn Ấn Độ đã tới Tây Ban Nha để quảng bá các tác phẩm của Tagore. 2 bộ phim được dàn dựng theo các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông - Charulata và Naukadubi - cũng được trình chiếu khắp nước này.
Triển lãm tranh toàn cầu
8 bảo tàng ở các thành phố lớn Berlin (Đức), Hà Lan, Pháp, Roma (Italia), New York, Chicago (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc) và London (Anh) sẽ trưng bày triển lãm The Last Harvest, trong đó gồm khoảng 200 bức tranh của Tagore. Bộ trưởng Văn hóa Ấn Độ Jawhar Sircar cho biết: “Trong số 2.200 bức tranh của Tagore chỉ có khoảng 200 bức là còn tốt. Đây là lần đầu tiên trong 80 năm qua có triển lãm lớn như vậy các bức tranh của Tagore. Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee đích thân lựa chọn các địa điểm trưng bày. Đó là những nơi mà Tagore từng tới thăm hoặc truyền cảm hứng cho ông”.
Chỉ có nơi duy nhất mà Bộ trưởng Văn hóa Sircar không thể sắp xếp để tổ chức triển lãm là Argentina. Đất nước này là nơi Tagore có sự gắn bó sâu sắc. Chính nhà văn Victoria Ocampo của Argentina đã tạo ảnh hưởng lớn tới các bức tranh của Tagore sau 2 tháng họ sống gần nhau ở đất nước này hồi năm 1924. Đây chính là năm Tagore bắt đầu “lộ diện” là một họa sĩ. Trước đó, ông chỉ vẽ nguệch ngoạc trên các bản thảo thơ và nhạc.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất