Toàn cảnh thảm kịch tàu lặn Titan

23/06/2023 18:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) ngày 22/6/2023 nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng, trong một sự cố dường như là "một vụ nổ khủng khiếp".
Thông tin này là đoạn kết đáng buồn dành cho nỗ lực cứu hộ quốc tế quy mô lớn dành cho tàu lặn Titan bị mất tích trong chuyến tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6.

Con tàu xấu số

Chiếc tàu lặn Titan chở theo 5 người yêu thích thám hiểm đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ đồng hồ lặn xuống đáy đại Đại Tây Dương trong hành trình tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6/2023.

Lực lượng cứu hộ đa quốc gia với sự phối hợp của lực lượng hải quân các nước Mỹ, Pháp, Anh, Canada đã chạy đua với thời gian, phối hợp tìm kiếm quy mô lớn trên hàng nghìn km2 tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương suốt 5 ngày qua. Lầu Năm Góc điều máy bay vận tải đa năng C130 và C-17 trong khi Hải quân Mỹ gửi một hệ thống trục vớt đặc biệt được thiết kế để nâng các vật thể lớn dưới đáy biển tới tham gia hoạt động cứu nạn. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cùng Lực lượng tuần duyên Canada huy động máy bay và tàu hỗ trợ. Anh triển khai lực lượng hải quân tàu ngầm phối hợp với nhóm tìm kiếm tàu lặn Titan. Một máy bay chở thiết bị thương mại chuyên dụng cũng đã cất cánh từ Anh tới khu vực hỗ trợ hoạt động tìm kiếm. Viện Hải dương học của Pháp gửi robot thám hiểm biển sâu và nhóm chuyên gia trong khi Viện nghiên cứu hàng hải Ifremer của nước này cử một con tàu chở theo robot lặn biển sâu đã tới khu vực tìm kiếm Titan.

Toàn cảnh thảm kịch tàu lặn Titan - Ảnh 1.

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate. Ảnh: Oceangate/TTXVN

Tuy nhiên, nỗ lực cứu hộ đa quốc gia kể trên đã mang về một kết quả đáng buồn. Ngày 22/6/2023, lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng, trong một sự cố dường như là "một vụ nổ khủng khiếp". Theo USGS, những mảnh vỡ được phát hiện ở dưới đáy đại dương cho thấy tàu lặn Titan bị mất tích ở khu vực gần xác tàu Titanic đã phải hứng chịu áp lực "thảm khốc".

Năm 1912, con tàu nổi tiếng Titanic đã va phải tảng băng trôi và chìm trong chuyến hành trình đầu tiên từ Anh đến New York (Mỹ) vào năm 1912 với 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu. Hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong thảm kịch này. Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới đáy Đại Tây Dương, ở khu vực ngoài khơi Newfoundland, Canada. Kể từ khi xác tàu Titanic được tìm thấy vào năm 1985, nhiều du khách và những thợ lặn chuyên nghiệp đã tham quan xác tàu với chi phí đắt đỏ.

Chuyến đi định mệnh

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm tham quan xác tàu Titanic. Ocean Gate có trụ sở tại Washington (Mỹ), được thành lập vào năm 2009 nhằm giúp các nhà khoa học và khách du lịch dễ tiếp cận hơn với hoạt động khám phá đại dương sâu thẳm. Từ khi ra đời đến nay, công ty này đã tiến hành hơn 200 lần lặn.

Tàu lặn Titan là con tàu duy nhất của Ocean Gate có thể tiếp cận xác tàu Titanic. Titan làm bằng sợi carbon và titan, có thể lặn ở độ sâu tối đa 4.000 m và đủ dưỡng khí trong 96 giờ cho 5 người. Các bảng thông số kỹ thuật cho thấy Titan được làm chủ yếu bằng sợi carbon nhẹ, được kéo thành một ống cứng làm thành thân tàu. Tàu rộng 2,7 mét và dài 2,4 mét, không quá rộng rãi để phục vụ khách thám hiểm. 5 hành khách phải ngồi trên sàn phụ bên trong, có rất ít không gian di chuyển hoặc đứng. 

Trong tàu có một nhà vệ sinh, ngoài ra không có cửa sổ nào khác ngoài cửa sổ mà qua đó hành khách có thể quan sát xác tàu Titanic. Titan được trang bị các vật tư y tế cơ bản và người điều khiển cũng được huấn luyện sơ cứu cơ bản. Nhiều thông tin cho biết tàu Titan được trang bị bộ điều khiển bằng tay cầm chơi game và được gắn nhiều phụ kiện không đồng bộ cho thấy con tàu này có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn được khai thác cho mục đích du lịch.

Toàn cảnh thảm kịch tàu lặn Titan - Ảnh 2.

Ảnh: AFP/TTXVN

5 người có mặt trên tàu lặn Titan đều là những nhân vật "có máu mặt". Đầu tiên là Stockton Rush - chính là Giám đốc điều hành của OceanGate. Trong hai thập kỷ qua, Rush đã tham gia một số dự án công nghệ liên quan đến đại dương và sản xuất hệ thống sonar tần số cao. Hành khách tiếp theo là tỷ phú Hamish Harding - 58 tuổi, ông trùm hàng không người Anh từng nắm giữ ba kỷ lục Guinness về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. 

Năm 2022, Harding là một trong những hành khách có mặt trên chuyến bay vũ trụ thứ 5 chở người của Blue Origin, công ty vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos. Nhà điều hành tàu ngầm người Pháp Paul-Henri Nargeolet là một trong những thủy thủ đoàn trên chuyến tàu bị mất tích. Hiện ở tuổi 77 tuổi, ông đã có đến 25 năm hoạt động trong hải quân Pháp, từng thực hiện hơn 30 lần lặn để khám phá Titanic. Doanh nhân nổi tiếng người Pakistan Shahzada Dawood - 48 tuổi, Phó Chủ tịch tập đoàn Engro và con trai ông - Suleman, 19 tuổi là hai hành khách cuối cùng tham gia chuyến thám hiểm xác tàu Titanic.

Để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, một du khách phải chi 250.000 USD cho Ocean Gate - theo mức giá công bố năm 2022. Các lần lặn xuống đáy đại dương vào năm 2021 và 2022 của Titan đều kết thúc bình an vô sự.

Điều gì đã xảy ra với Titan?

Tại sao tàu Titan phát nổ chỉ sau gần 2 giờ đồng hồ lặn xuống đáy đại dương?

Câu trả lời mà nhiều chuyên gia khoa học đưa ra là do áp suất dưới đại dương quá lớn. Nếu tàu ngầm Titan ở gần xác Titanic, nó sẽ phải chịu một áp lực cao hơn cả vết cắn của cá mập trắng. Khi ở độ sâu hơn 3.000m, tàu lặn Titan phải chịu áp suất hơn 374 atm trong khi áp suất mà con người chịu từ khí quyển khi ở mặt biển chỉ là 1 atm. Nếu tàu ngầm bị hỏng, người trên tàu trực tiếp chịu những áp suất này, họ sẽ tử vong ngay lập tức.

Giáo sư hàng hải Stefan B. Williams tại Đại học Sydney (Australia) nhận định một vụ nổ có thể xảy ra do thiết bị điều chỉnh áp suất của tàu Titan bị hỏng. Mặc dù thân tàu Titan được chế tạo bằng vật liệu composite có thể chịu được áp suất cực lớn dưới biển sâu, nhưng bất kỳ khiếm khuyết nào về hình dạng hoặc kết cấu của tàu đều có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu áp suất của nó. Và nguy cơ nổ tung là rất cao. Ý kiến này được Tiến sĩ Mỹ Dale Molé ủng hộ khi cho rằng tàu ngầm phát nổ do áp suất bên ngoài quá lớn so với áp suất bên trong tàu. Buồng áp suất - hệ thống kiểm soát áp suất và cung cấp khí cho những người ngồi trên tàu - đã bị hỏng, có thể là do rò rỉ, mất điện hoặc chập điện gây cháy.

Vào năm 2018, những lo ngại về sự an toàn của chiếc tàu lặn Titan đã từng nóng lên trong vụ kiện của cựu Giám đốc hoạt động hàng hải David Lochridge với hãng OceanGate. Ông David Lochridge cáo buộc đã bị OceanGate sa thải sau khi nêu bật lo ngại về "thiết kế thân tàu du lịch không chịu được độ sâu quá lớn" và công ty này thiếu các cuộc kiểm tra "sai sót tiềm ẩn". Nhiều tháng trước vụ kiện, một nhóm các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp lặn đã viết thư cho công ty OceanGate cảnh báo rằng cách tiếp cận "thử nghiệm" đối với sự phát triển của tàu lặn có thể dẫn đến các vấn đề "từ nhỏ đến thảm khốc".

Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm