TOÀN CẢNH Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh

02/09/2015 07:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -  Hà Nội trời nắng đẹp. Khắp thành phố rợp cờ đỏ sao vàng. Từ Quảng trường Ba Đình lịch sử đến Hồ Hoàn Kiếm thiêng liêng, muôn vạn trái tim lại kết nối, hội tụ, lan tỏa bởi tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc.

Dọc các tuyến phố Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Liễu Giai, Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn - Trần Khánh Dư, hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành cùng bạn bè quốc tế chào đón nồng nhiệt các khối diễu binh, diễu hành đi qua. Muôn vàn cảm xúc tự hào lan tỏa qua từng ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân trong thời khắc trọng đại này.

8h45: Khối đoàn nghệ nhân, đại diện cho các di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh là đoàn cuối cùng tiến qua Lễ đài. Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh kết thúc bằng các tiết mục múa rồng và tạo hình nghệ thuật đặc sắc.



Đoàn diễu binh, diễu hành đoạn qua phố Hàng Khay, Tràng Tiền. Ảnh: TTXVN

7h30: Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu chỉ đạo lễ diễu binh, diễu hành trong tiếng quân nhạc. Đi đầu đội hình diễu binh là xe Quốc huy nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Biểu tượng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam


Biểu tượng Nhà nước Văn Lang


Khối Nông dân, Tri thức và Thanh niên Việt Nam


Khối Công nhân Việt Nam


Khối Công an Nhân dân, Cựu chiến binh và 54 dân tộc


Nữ Cảnh sát cơ động


Khối cảnh sát cơ động, Cảnh sát Giao thông


Khối chiến sĩ Phòng không Không quân


Khối Bộ binh và đặc công Biệt động...


Khối Bộ đội Biên phòng


Khối hậu cần quân đội

Đội hình diễu binh của lực lượng vũ trang tiến vào lễ đài. Đi đầu đội hình diễu binh là xe chỉ huy, do trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp theo đoàn diễu binh là các khối quân nhạc, sĩ quan lục quân, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, phòng không, không quân, hải quân.

Trung tướng Võ Văn Tuấn trên xe chỉ huy tiến vào lễ đài


Khối quân nhạc tiến vào lễ đài


7h10: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn

Trong không khí trang nghiêm, trọng thể, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc Diễn văn Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 điểm lại chặng đường 70 năm qua, từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến ngày hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới.

7h5: Đúng 7 giờ, nghi thức rước ngọn lửa truyền thống từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, tiến ra Quảng trường Ba Đình lịch sử, thắp sáng trên Đài lửa Lễ kỷ niệm.

Quân nhạc cử Quốc thiều. Quốc ca hùng tráng vang lên khắp Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đồng thời, 21 loạt đại bác vang dội từ khu vực Hoàng Thành Thăng Long chào mừng ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc.

 


Bắn 21 phát đại bác chào mừng Quốc Khánh. Ảnh: TTXVN

Dự Lễ kỷ niệm trọng thể có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành cấp Quốc gia tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: TTXVN

 

Tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Đoàn đại biểu cấp cao Lào do đồng chí Bounnhang Vorachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu; Đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do bà Men Xom On, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia dẫn đầu; Đoàn ngoại giao, khách quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân sĩ, trí thức, đại diện gia đình có công với cách mạng, các tướng lĩnh; đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã dự lễ.

Trước Lễ kỷ niệm: Trên nhiều con phố, nhiều người dân Thủ đô chọn cách đón chờ ngày Quốc khánh 2/9 bằng cách thức trắng đêm trên những con đường nơi các đoàn diễu binh sẽ đi qua. Có gia đình ở ngoại thành mang theo con nhỏ, chọn góc ngã 8 Cửa Nam dừng chân để được xem những hình ảnh hào hùng ngày Đại lễ. Nhiều Cựu chiến binh bắt kịp chuyến xe buýt cuối ngày để về trung tâm thành phố.

 

Các chiến sĩ thức thâu đêm làm nhiệm vụ chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh

 

Nhiều gia đình Hà Nội trên những Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền... không ngủ, mang nước, mang chiếu trong nhà cùng bà con từ xa đến đón chờ ngày Quốc khánh.

Hà Nội đang chờ những giây phút lịch sử để sống lại hào khí của 70 năm trước.

Các địa điểm thuận tiên xem diễu binh, diễu hành:

Để giúp người dân có thêm nhiều vị trí đẹp xem lễ diễu binh, diễu hành tại Hà Nội dịp Quốc khánh 2/9, Ban tổ chức đã điều chỉnh lộ trình của một tuyến diễu hành quần chúng.

Theo đó, lộ trình được điều chỉnh của đoàn diễu hành quần chúng sẽ theo hướng Trịnh Hoài Đức - Lê Trực - Trần Phú - Hùng Vương vào Quảng trường Ba Đình, thay vì lộ trình Hàng Cháo - Nguyễn Thái Học - Hùng Vương như trước. Việc điều chỉnh này không chỉ giúp người dân có thêm nhiều vị trí đẹp để đứng xem lễ diễu binh, diễu hành mà còn giúp các lực lượng chức năng thuận tiện hơn trong công tác giải tỏa lượng người xem dự kiến rất đông.

 

Người dân cả nước một lần nữa được sống trong không khí hào hùng của lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm ngày Quốc khánh

 

Để đứng xem diễu binh, ngoài tuyến Hùng Vương - Hàng Cháo, người dân có thể chọn một số địa điểm có tầm nhìn tốt khác, có thể bao quát trọn vẹn các khối diễu binh như: Quảng trường Ba Đình, vỉa hè dọc phố Tràng Thi, Ngã tư Hàng Khay - Tràng Thi - Bà Triệu - Lê Thái Tổ, Tràng Tiền Plaza, nút giao Tràng Tiền - Phan Chu Trinh, ngã ba Kim Mã - Sơn Tây - Nguyễn Thái Học và Nút giao Kim Mã - Liễu Giai cũng là nơi nhiều người sẽ lựa chọn…

Các địa điểm bắn pháo hoa mừng Quốc khánh 2/9:

Tại Hà Nội: Pháo hoa tầm cao được bắn tại 5 điểm: Hồ Hoàn Kiếm; Công viên Thống nhất; Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình; Vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ) và Hồ Văn Quán (quận Hà Đông).

Tại TP HCM: Hai điểm pháo hoa mừng Quốc khánh 2/9 là Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11 và đầu đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm, quận 2). Các màn bắn pháo hoa được đồng loạt thực hiện từ 21h ngày 2/9 và kéo dài trong khoảng 15 phút.

Tại Đà Nẵng: Sẽ bắn pháo hoa từ trên sà lan đặt giữa Sông Hàn, đoạn từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước.

Tại Hải Phòng: Sẽ tổ chức bắn 1.000 quả pháo hoa tầm cao và gần 200 giàn pháo hoa tầm thấp ở Trung tâm Triển lãm - Mỹ thuật Thành phố và Hồ An Biên.

Hàng loạt điểm chào cờ sáng 2/9:

Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nghi lễ chào cờ diễn ra lúc 7h sáng 2/9 tại quảng trường Ba Đình và nhiều địa điểm trong thành phố.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Hà Nội cho biết, để nhân dân thuận lợi theo dõi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2/9, đảm bảo an toàn, trật tự, thành phố Hà Nội đã lắp 15 màn hình Led cỡ lớn tại 12 địa điểm gần các tuyến đường có các đoàn diễu hành đi qua thuộc hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Cũng tại các địa điểm có màn hình Led, vào đúng 7h sáng 2/9, khi nghi lễ chào cờ chính thức được khởi hành tại quảng trường Ba Đình, các địa điểm này cũng sẽ đồng loạt tổ chức cho nhân dân có mặt tại chỗ thực hiện trang trọng nghi lễ chào cờ với sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên.

Thời tiết ngày 2/9:

Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương sáng 2/9, thời tiết Hà Nội có thể có mưa. Cụ thể: Thời tiết nhiều mây, ngày có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; đêm có mưa, có nơi mưa vừa và dông. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24 - 27oC. Nhiệt độ cao nhất từ: 28 - 31oC.

Khu vực Trung tâm Hà Nội: Sáng (từ 4h đến 10h): Có lúc có mưa rào nhẹ. Nhiệt độ từ 25-28. Trưa, chiều và tối: Có lúc có mưa. Nhiệt độ 28-31.

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm