04/05/2021 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thế giới không thiếu những tòa nhà lớn hơn, hay những công trình lòe loẹt hơn, đáng kinh ngạc hơn so với tòa nhà Empire State của Mỹ. Nhưng công trình vừa kỷ niệm dịp sinh nhật lần thứ 90 (ngày 1/5) ấy vẫn mãi là “độc nhất vô nhị”.
Chủ sở hữu của nó, Tập đoàn Empire State Realty Trust (ESRT),đã đưa ra một loạt các sự kiện và chương trình khuyến mãi kéo dài 1 năm để đánh dấu cột mốc quan trọng này.
Empire State là tòa nhà 102 tầng tại giao điểm của Đại lộ 5 và Phố 34 West Street Thành phố New York. Tổng chiều cao của tòa nhà là 380m và nếu tính cả cột ăngten là 443m.
Nổi lên từ đáy sâu của cuộc Đại suy thoái
Tòa nhà Empire State bắt đầu được khởi công vào ngày 17/3/1930 và chính thức được mở cửa sau 13 tháng rưỡi xây dựng - ngày 1/5/1931 -45 ngày trước thời điểm dự kiến. Lễ khai trương có sự góp mặt của Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover, người đã bật đèn của tòa nhà bằng cách nhấn nút nghi lễ từthủ đô Washington. Hơn 350 khách tham dự lễ khai mạc và bữa tiệc trưa tại tầng 86, gồm cả Jimmy Walker, Thống đốc Franklin D. Roosevelt.
Empire State được xem là một biểu tượng văn hóa của Mỹ, được thiết kế theo phong cách Art Deco và được mệnh danh là 1 trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại theo American Society of Civil Engineers. Năm 1986, Empire State được xếp hạng là biểu tượng lịch sử quốc gia Mỹ. Năm 2007, tòa nhà được xếp hạng nhất theo danh sách các công trình kiến trúc Mỹ được ưa thích của AIA.
Lilly Tuttle, người phụ trách Bảo tàng Thành phố New York, cho biết: “Đó là một công trình kiến trúc được yêu thích.Mọi thành phố lớn trên thế giới đều có biểu tượng của nó, như Tháp Eiffel ở Paris hay tháp đồng hồBig Ben ở London. Còn ở New York, đó là Tòa nhà Empire State”.
Tòa nhà Empire State là một trong những công trình tuyệt vời nhất mà con người có thể làm được, trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Cụ thể, Tòa nhà Empire State đã “nổi lên” trong đáy sâu của cuộc Đại suy thoái.
“Empire State là một biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ - xây dựng nên những công trình lớn và nhanh chóng. Chúng ta đã xây dựng tòa nhà một cách táo bạo, không sợ hãi, ngay cả trong những ngày đen tối nhất của cuộc suy thoái” - Tuttle nói.
Giờ đây, Empire State vẫn được xem là biểu tượng của sự lạc quan và kiên cường. Đây là 1 trong những điểm tham quan công cộng đầu tiên mở cửa trở lại sau khi bị đóng cửa hồi tháng 7/2019 do đại dịch Covid-19.
Trong 4 năm qua, công trình này đã được nâng cấp với mức phí 165 triệu USD, trong đó đài quan sát ở tầng 102 đã được tân trang lại, lắp hệ thống thang máy bằng kính tuyệt đẹp, thiết kế khu bảo tàng mới và lối vào mới.Đèn LED mới của tòa nhà, được lắp đặt vào năm 2012, có khả năng chiếu sáng tòa tháp với 16 triệu màu kết hợp.
“Cuộc đua lên bầu trời”
Kế hoạch ban đầu của tòa nhà làxây dựng 50 tầng nhưng sau đó đã được tăng lên 60 và 80 tầng. Trong khi các kế hoạch cho Tòa nhà Empire State đang được hoàn thiện, ở New York lúc đó nảy sinh cuộc cạnh tranh khốc liệt cho danh hiệu “tòa nhà cao nhất thế giới” và công chúng thì không ngừng suy đoán xem ai sẽ “thắng”.
Tòa nhà 40 Phố Wall (sau đó là Tòa nhà Ngân hàng Manhattan) và Tòa nhà Chrysler ở Manhattan đều tranh giành sự khác biệt này. “Cuộc đua vào bầu trời” - theo cách gọi của các phương tiện truyền thông đại chúng vào thời điểm đó - là đại diện cho sự lạc quan của nước Mỹ trong những năm 1920, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ xây dựng ở các thành phố lớn.
Cuộc đua diễn ra thật gay cấn. Trong bối cảnh Tòa nhà 40 Phố Wall gần như đã nắm chắc phần thắng trong tay thì bỗng dưng một ngọn tháp cao gần 38m, được lắp ráp bí mật, thò ra khỏi đỉnh của Tòa nhà Chrysler và do vậy lập tức nâng chiều cao của tòa nhà này lên 319m. Vào ngày 27/5/1930, Chrysler trở thành Tòa nhà cao nhất thế giới. Và thành tích này kéo dài trong 11 tháng.
6 tòa nhà siêu chọc trời khác đang được thi công khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10/1929, khiến hầu hết các công trình xây dựng bị đình trệ. Chỉ có Tòa nhà Empire State đã vượt qua được thảm họa đó.
Với công trình Empire State, cuộc Đại suy thoái ở Mỹ thời điểm đó lại được xem như một “cơ hội” bởi trong thời kỳ này giá nhân công cực kỳ thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao nên tìm kiếm nhân công xây dựng công trình này không hề gặp khó khăn. Do đó, đã có hơn 3.400 công nhân xây dựng tại đây, chủ yếu là người Ireland và Italy đã tới làm việc tại khu đất của Khách sạn Waldorf-Astoria cũ - đã được Empire State Inc. (gồm một nhóm các nhà đầu tư giàu có) mua lại.
Empire State Inc mong muốn Tòa nhà Empire State cao nhất thế giới và giành lại danh hiệu này từ Tòa nhà Chrysler. Thiết kế của Tòa nhà Empire State đã được thay đổi 15 lần cho đến khi được đảm bảo là tòa nhà cao nhất thế giới. Các nhà đầu tư đã xem xét kế hoạch và đã bổ sung 5 tầng cũng như một ngọn tháp.
Khi kế hoạch được đưa ra, nhà đầu tư Raskob của Empire State Inc. nhận thấy Empire State chỉ cao hơn Tòa nhà Chrysler 1m2 và ông sợ rằng Chrysler có thể cố gắng “thực hiện một thủ thuật như giấu một cái que trong hình chóp và sau đó gắn nó lên vào phút cuối”.
Các kế hoạch đã được sửa đổi lần cuối vào tháng 12/1929, trong đó gồm cả “vương miện” bằng kim loại 16 tầng, cao 61m và một cột buồm bổ sung cao 68m dành cho những chiếc thuyền nhỏ. Khi hoành chỉnh, chiều cao của Empire State là 380m.
Tòa nhà Empire State hiện chỉ là tòa nhà cao thứ 49 trên thế giới. Năm 1971, Trung tâm Thương mại Thế giới đã “soán ngôi” cho đến khi bị sụp đổ do tấn công khủng bố hồi năm 2001. Thời điểm ấy, Empire State Building một lần nữa là tòa nhà chọc trời cao nhất của New York cho đến năm 2012.
Tính đến năm 2020, Epire State là tòa nhà cao thứ 7 ở Thành phố New York và là tòa nhà chọc trời đã hoàn thành cao thứ 9 ở Mỹ. Đến nay, Empire State vẫn được mô tả là tòa nhà được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm, công trình này đón khoảng 4 triệu người.
Bối cảnh trong nhiều bộ phim Tòa nhà Empire State ngay lập tức trở thành biểu tượng, một kỳ quan tinh tế do con người tạo ra. Công trình này đã xuất hiện trong nhiều bộ phim, như King Kong (1933), Love Affair (1939), On The Town (1949), An Affair To Remember (1957), Sleepless In Seattle (1993), Love Affair (1994), Independence Day và James And The Giant Peach (đều sản xuất vào năm 1996). |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất