Tọa đàm 'Tử tế và báo chí': Xu hướng 'sốc, sex, sến' không phải là mãi mãi

15/09/2014 07:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vì đâu báo chí, truyền thông mất uy tín và bị coi là thiếu tử tế? Câu hỏi được đặt ra trong tọa đàm Tử tế và báo chí do Viện iSee và Tuần lễ Tử Tế + tổ chức tại Hà Nội chiều 14/9.

Tọa đàm có các diễn giả: nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), nhà báo Trần Việt Hưng - Ủy viên Ban biên tập báo Thanh Niên và nhà văn Trang Hạ.

Không thể nói vì tiền mà phải “cào tin”

Những bài báo bị dư luận lên án thời gian qua như Những người đẹp bán dâm giờ ra sao?, Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ hay luồng thông tin thiếu trách nhiệm về tiêm vắc xin gây tử vong đều được diễn giả lẫn cử tọa nêu ra làm dẫn chứng cho những bài báo không tử tế.

“Không tử tế” ở đây được hiểu sơ là người viết báo có động cơ không tốt, bài báo gây ảnh hưởng xấu, xúc phạm và làm hại một số người, thậm chí hại đến tính mạng. Tọa đàm nhắc nhiều đến lý do nhà báo viết ra những bài báo như vậy. Đa phần quy về lý do bên ngoài: do yêu cầu của tờ báo, của biên tập viên hay thị hiếu của độc giả, và cả… vì tiền.


Từ trái sang: Ông Lê Quang Bình (iSee), nhà văn Trang Hạ, nhà báo Lê Quốc Minh và nhà báo Trần Việt Hưng.

Một phóng viên trẻ phát biểu trong tọa đàm: “Hàng năm có hàng trăm sinh viên báo chí ra trường, tất cả đều cần công việc, mà đề tài thì không đủ. Vì thế việc họ phải “cào” những tin không tử tế để kiếm sống là dễ hiểu. Nhiều khi đi viết bài xăng xe hết 300.000 đồng mà nhuận bút chưa được chừng đó hoặc có khi bài còn không được đăng. Nghèo đi đôi với hèn. Không có tiền thì sao làm nghề tử tế được?”.

Cách phát biểu tếu táo của phóng viên này khiến cử tọa cười nghiêng ngả, nhưng nội dung thực ra chẳng chút gây cười. Nhà báo Lê Quốc Minh phản bác: “Tôi không nghĩ nghèo đi đôi với hèn. Không lẽ các quốc gia nghèo đều hèn cả? Người giàu, có địa vị vẫn có thể hèn như thường. Không thể nói chỉ vì tiền mà phải “cào tin” thế này, “cào tin” thế kia”.

“Trong cuộc sống có nhiều khó khăn. Người mới vào nghề vấp phải khó khăn về vật chất nhưng người làm nghề lâu năm như chúng tôi gặp những khó khăn còn kinh khủng hơn nhiều. Tôi không thích cái suy nghĩ vì miếng cơm manh áo mà phải làm nghề không tử tế là điều tất nhiên”.

“Các bạn trẻ đẹp, vạm vỡ, thiếu gì nghề để làm, tại sao chọn nghề báo? Còn nếu đã chấp nhận làm báo thì phải có trách nhiệm xã hội với ngòi bút của mình. Tôi cũng nói với những người trẻ học nghề báo rằng làm báo không bao giờ giàu, kể cả ở Mỹ. Chỉ có kinh doanh báo chí là giàu. Nếu hiểu được điều đó thì hãy dấn thân”.

Báo chí đúng nghĩa đang trở lại là bộ lọc thông tin

“Cách đây 20 năm khi tôi bắt đầu làm báo, người ta nói “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Bây giờ người ta vẫn nói thế. Nhưng điều đó đâu có ngăn cản tôi và nhiều nhà báo khác tiến bộ trong nghề nghiệp. Chúng tôi vẫn viết và cố gắng viết ngày càng tốt hơn” - đó là chia sẻ của nhà văn Trang Hạ, trước đây từng làm báo.

Còn nhà báo Lê Quốc Minh và Trần Việt Hưng đều căn cứ vào xu hướng của báo chí thế giới để dự báo, báo chí ở Việt Nam cũng sẽ lấy lại vị trí và uy tín trong thời gian tới. Theo ông Minh: “Trên thế giới cũng có thời kỳ người ta không tin báo chí và các blog rồi mạng xã hội lên ngôi. Nhưng 3 năm trở lại, khi bị ngập trong đống thông tin không kiểm chứng, họ trở lại với báo chí như một bộ lọc tin”.

“Trên thế giới, giai đoạn sốc, sex, sến lên ngôi đã qua rồi” – ông Hưng cho biết – “Báo chí đúng nghĩa đang trở lại, độc giả đã biết chọn lọc đâu là thông tin giá trị. Ở Việt Nam, điều này sẽ diễn ra chậm hơn”. Có nghĩa là, nếu Việt Nam đã theo “sốc, sex, sến” cùng với thế giới thì đến giai đoạn tiếp theo, nền báo chí của chúng ta cũng không thoát ra ngoài quy luật chung của thế giới.

Tử tế và báo chí nghe đơn giản nhưng bao gồm nhiều khía cạnh: bài báo tử tế, nhà báo tử tế và tờ báo tử tế là thế nào? Trong vài tiếng đồng hồ, tọa đàm chưa làm rõ những vấn đề này, hơi sa vào dẫn chứng những lối làm báo không tử tế.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm