17/07/2015 11:32 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nhân dịp giỗ đầu nhà văn Tô Hoài, Hội Nhà văn Hà Nội và Công ty sách phương Nam phối hợp tổ chức cuộc hội thảo mang tên Tô Hoài – Một đời văn vào sáng mai, 18/7, tại Thư viện Hà Nội. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
1. “Cõi người ta” ấy được Nguyễn Du đặt định là trăm năm. Trong khoảng “nhân sinh bách tuế vi kỳ” đó, Tô Hoài đã sống 94 năm tuổi đời và 74 năm tuổi văn. Ông giã từ trần thế ngày 6/7/2014 (tức 10/6 Giáp Ngọ).
Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài. Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, viết như là sống, không phải kiểu nhà văn tài tử, chỉ nương nhờ theo cảm hứng.
Văn Tô Hoài là văn về những cảnh đời lam lũ, những phận người vất vả, nhất là những người dân quê ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên. Tưởng cũng nên nhắc lại nhà văn vốn tên thật là Nguyễn Sen, nhưng bút danh nghề văn ông dùng là hợp tên sông Tô và tên phủ Hoài mà thành. Tô Hoài, cái tên văn gợi một vùng sống, nhắc một trách nhiệm văn. Bắt đầu từ đó, từ 1940, có một nhà văn Tô Hoài của vùng ven Hà Nội, của đất thủ đô, của nước Việt Nam, cho đến tận khi ông về lại đất mẹ trọn một đời người đời văn.
Những phận người trong sáng tác của Tô Hoài là những phận người cần lao, bụi bặm lấm láp. Ở quê nhà là vậy, ở quê người cũng vậy. Người ta phải được sống đúng đời của người ta, sống thực con người của người ta, sống thật môi trường tự nhiên và xã hội của người ta. Ngay con dế của Tô Hoài đã vậy.
Cho nên có thể thấy Tô Hoài viết văn rất tự nhiên, ngay từ khi khởi nghiệp, với những nhân vật là những con người thực sống quanh ông, sống cùng ông, bước từ đời thực vào trang văn mang theo cả tâm tính, lời ăn tiếng nói, yêu ghét buồn vui của mình. Và cả cái sự luôn để ý đến lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân, luôn có ý thức tìm chộp lấy những từ ngữ mới, những cách nói mới sống động, tươi rói, nóng rẫy hôi hổi, tươi “giẫy đành đạch”, đã thành ra một thói quen nghề nghiệp của ông, tạo nên một phong cách ngôn ngữ Tô Hoài trong văn chương.
Cuối đời ông viết hai cuốn hồi ký nổi tiếng Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Chân dung các văn nghệ sĩ cùng thời ông hiện ra trong hai cuốn sách này là chân dung từ một thế nhìn gần cận, suồng sã, phi sử thi, đậm trần tục.
Tô Hoài nhìn các bạn văn của mình cũng là nhìn chính mình với rất nhiều diễu cợt, xót thương, ngậm ngùi. Viết về cái sự yêu ghét của người đời đối với văn và người Nguyễn Tuân, ông hạ một câu: “Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ. – (tôi nhấn mạnh)”. Cái câu này thực là tiêu biểu của Tô Hoài. Người ta mà không được phải là người ta thì người ta ra người ta sao được!
2. Ông Tô Hoài đã thôi hiện diện ở “cõi người ta”, một năm và mãi mãi. Nhưng những cuốn sách của nhà văn Tô Hoài sẽ còn sống lâu ở cõi trần. Văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông, vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc.
Riêng đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Nhờ ông, một người chưa biết Hà Nội chỉ đọc riêng các sách của ông về chốn kinh thành này thôi đã đủ để có thể hiểu Hà Nội là gì và Kẻ Chợ-Kinh Kỳ là thế nào. Nhờ ông, các thế hệ mai sau muốn tìm hiểu, muốn phục dựng, muốn làm lịch sử, nghệ thuật về Hà Nội đều có tư liệu của một chứng nhân đáng tin cậy. Nhờ ông, phần xác và phần hồn của Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ và những ai biết đọc ông sẽ hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn, và biết đối xử với Hà Nội có văn hóa hơn.
Bởi, chỉ theo chân ông đi quanh một vòng Hồ Gươm ngắm cây xanh thôi đã thấy “Cây quanh Hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước - và của thời thế”. Lời ông nói từ đầu thế kỷ nay mà ngỡ như vừa hôm qua. Mới hay trước khi định chặt một cái cây cũng cần nên đọc một trang sách, nhất đó lại là trang sách văn của Tô Hoài - một người con Hà Nội, một con người Hà Nội, một người ta Hà Nội. Chính vì tất cả lẽ đó, năm 2010, nhà văn Tô Hoài đã được báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và Quỹ Bùi Xuân Phái vinh danh Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Nhân dịp này, Công ty sách phương Nam đã tái bản 18 tác phẩm đặc sắc nhất trong tủ sách Tô Hoài. Đây là những bản in mới nhất, đầy đủ và hoàn thiện nhất do chính nhà văn Tô Hoài đọc và sửa chữa trước lúc đi xa. |
Phạm Xuân Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất