06/08/2018 06:55 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua tại TP.HCM, tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã có buổi trò chuyện về tình yêu, tôn giáo và triết học, nhân cuốn sách cùng chủ đề của ông vừa phát hành. Buổi nói chuyện đã thu hút đông đảo người nghe, khán phòng chính thiếu chỗ ngồi, nhiều người phải sang phòng kế bên để xem bằng video.
Ông Dương Ngọc Dũng cho rằng cội rễ của tình yêu là khổ đau, là mất mát. Còn những điều tưởng ấm êm, hạnh phúc thì thật ra đến từ sự “giả vờ yêu”, “giả vờ hạnh phúc”, nơi lý trí và các toan tính kiểu “môn đăng hộ đối” đã chi phối người trong cuộc, làm họ không dám yêu thật.
Trong cuốn sách của mình, ông Dũng cũng dành nguyên một chương để nói về điều này, với tên gọi “Tình yêu là sự đọa đày”…
Tại cuộc trò chuyện, cũng như trong cuốn sách, ông Dũng còn đẩy tận cùng vấn đề, để gián tiếp chỉ ra rằng tình yêu là một trong những cội nguồn đau khổ… của triết học. Về từ nguyên, triết học trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “tình yêu đối với sự thông thái”, ông Dũng cho rằng khi đi đến tận cùng vấn đề, ngay cả với sự khổ đau, sự thông thái sẽ dần hé lộ, để từ đó triết học dần hình thành. Dương Ngọc Dũng gọi phương pháp của mình là “một trường hợp góp phần vào nhân học đối thoại”.
Có một sự đồng điệu khá thú vị, mới đây tại buổi trò chuyện ở Hà Nội, triết gia Alain de Botton (sinh năm 1969 tại Thụy Sĩ, hiện sống ở Anh và Mỹ) cũng đã đặt ra câu hỏi: Liệu trong khán phòng này có ai thực sự hạnh phúc vì yêu? Theo triết gia này, hôn nhân thường không đồng nghĩa với hạnh phúc, còn sự lãng mạn chính là thảm họa của tình yêu. Cũng như ông Dũng, ông Alain chỉ ra rằng sự đau khổ trong tình yêu là một trong những cội nguồn của triết học.
Tất nhiên, các luận thuyết đầy sức thuyết phục này của ông Dũng và ông Alain sẽ phù hợp hơn với những đầu óc “đã dậy thì thành công”, nơi mà họ đang muốn tìm kiếm một triết lý về cuộc sống.
Từ cổ chí kim, những luận thuyết này cũng đã xuất hiện bàng bạc trong nhiều kinh điển, danh ngôn, thi ca, triết học… Như trong thuyết Tứ diệu đế của Phật giáo, nơi cho rằng yêu là đau khổ, trong câu “thân ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ”. Hay giản dị hơn, như thi sĩ Hồ Dzếnh từng cảm thán: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở”.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao ông Dũng, ông Alain chỉ thích nói về sự đau khổ trong tình yêu? Đây cũng là điều mà tại cuộc trò chuyện, nhiều thính giả đã đặt ra.
Hai ông có cách cắt nghĩa và trả lời khác nhau, nhưng tựu trung lại: chỉ có đau khổ mới là điều đáng nói, đáng để chúng ta suy tư, tìm kiếm câu trả lời thích đáng, khi ấy chúng ta mới vững vàng hơn, trưởng thành hơn.
“Khi bạn đọc báo hoặc các tạp chí mục tư vấn về hôn nhân, nghe những lời mùi mẫn về hạnh phúc, bạn nên nghĩ ngược lại, với suy nghĩ rằng, người trong cuộc đang không được như vậy đâu. Khi ai đó hỏi về tình yêu và hạnh phúc, nghĩa là họ đang gặp khó khăn về điều đó” - Alain de Botton nói. Còn Dương Ngọc Dũng thì: “Tình yêu không phải là hạnh phúc, trái lại, tình yêu chỉ xuất hiện làm cho hai người có cơ hội làm khổ nhau mà thôi. Tình yêu không phải là một tặng vật. Nó là một sự đày đọa. Tất cả những bài hát, những tác phẩm văn học, tất cả mọi thứ trên cuộc đời này nhắc đi nhắc lại thông điệp này, mà người ta không chú ý”.
Với những ai có “tình yêu đối với sự thông thái”, thì khả năng để chia sẻ hoặc phản biện lại quan điểm của ông Dũng, ông Alain là khá dễ dàng. Còn với những ai xem sự phản biện, xem triết học là một “cục nợ”, chỉ thích nhìn đời bằng màu hồng, bằng tinh thần lãng mạn, thì có thể gặp khó khăn với cách nhìn của hai ông.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất