Viễn cảnh Libya bị chia rẽ

22/03/2011 11:30 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong khi Mỹ và Liên quân quốc tế đang tiếp tục các cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi, một bộ phận không nhỏ dư luận thế giới đã theo dõi chặt sự kiện này với mối quan ngại về động cơ của phương Tây và đặt câu hỏi về chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo ở Libya.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

Ngày thứ 2 của chiến dịch không kích Libya, Mỹ và Liên quân tiếp tục bắn phá nhiều mục tiêu, gồm cả dinh thự của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Lực lượng của Gaddafi rơi vào hỗn loạn

Phát ngôn viên Chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim cho biết, một quả tên lửa đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà hành chính trong dinh thự của Gaddafi. Ông nhấn mạnh rằng “đây là một vụ đánh bom dã man, có thể làm thiệt mạng hàng trăm dân thường vì họ đang tụ tập cách đó chỉ khoảng 400m”.

Dinh thự của nhà lãnh đạo Gaddafi bị tên lửa đánh sập


Ông cũng lên án “sự mâu thuẫn trong các phát biểu của phương Tây” khi họ tuyên bố bảo vệ dân thường nhưng vẫn đánh bom vào nơi mà họ biết dân thường đang có mặt. Trước đó, Đài truyền hình nhà nước Libya cho biết ít nhất 64 dân thường đã thiệt mạng và 150 người bị thương trong các cuộc tấn công của liên quân.

Trong khi đó, tại Lầu Năm Góc, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ William E. Gortney lại nói rằng ông Gaddafi và các nơi ở của ông không nằm trong số mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, Gortney tuyên bố tính mạng của nhà lãnh đạo Libya sẽ không được bảo đảm nếu ông tình cờ có mặt để kiểm tra một địa điểm đặt tên lửa đất đối không nào đó, đúng lúc tên lửa Mỹ tấn công.

Ông cũng cho rằng các đợt tấn công vừa qua đã rất hiệu quả trong việc dập tắt hỏa lực phòng không của Gaddafi, đồng thời chặn đứng cuộc tấn công của quân Chính phủ vào cứ điểm Benghazi đang do phiến quân kiểm soát, khiến quân đội Chính phủ rơi vào cảnh hỗn loạn. “Sau khi sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2, hơn 120 tên lửa hành trình cùng chiến đấu cơ và vũ khí công nghệ cao khác, chúng tôi đánh giá chiến dịch rất hiệu quả, đã làm suy giảm đáng kể khả năng phòng không của Libya” - Gortney nói - “Chúng tôi tin lực lượng của ông ta đang chịu sức ép lớn và bị tổn thương từ việc bị cô lập lẫn việc rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, tự tin tuyên bố một vùng cấm bay theo Nghị quyết của HĐBA Liên Hợp Quốc đã được thiết lập trên không phận Libya. Ông nói rằng không có máy bay nào của Chính phủ Libya cất cánh kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào tối ngày 19/3.

Phương Tây đang phô trương sức mạnh qua các cuộc không khích liên tiếp vào Libya

Viễn cảnh Libya bị chia rẽ và nội chiến kéo dài

Tuyên bố của ông Mullen có nghĩa một trong các mục tiêu lớn nhất mà Mỹ và Liên quân đề ra khi tổ chức không kích Libya đã được thực hiện. Nó khiến dư luận băn khoăn phỏng đoán liệu liên quân sẽ làm gì tiếp theo.

Giới lãnh đạo của Pháp và Anh đã công khai nói rằng họ hy vọng bước kế tiếp là ông Gaddafi sẽ bị hạ bệ thông qua con đường vũ lực. Nhưng đó lại không phải mục tiêu chính thức của Mỹ và cũng không được đưa ra trong Nghị quyết LHQ cho phép sử dụng hành động quân sự. Một số quan chức Mỹ và châu Âu có bàn tới việc tiếp tục không kích cho tới khi lực lượng của Gaddafi bị suy yếu, đủ để xảy ra một cuộc đảo chính trong nước lật đổ thể chế của ông. Nhưng các kế hoạch này lại không tính được chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhà lãnh đạo Libya tìm cách bảo tồn được lực lượng trước các cuộc không kích, trong khi phiến quân lại không đủ sức đánh bại ông.

Bản thân giới phân tích cũng cho rằng việc lật đổ chính quyền của ông Gaddafi không phải là một ý hay. Họ e ngại chính quyền mới được thành lập, với thành phần là một tâp hợp “hổ lốn” gồm các trưởng tộc và các quân nhân đào ngũ, sẽ không khá hơn gì chính quyền tiền nhiệm. Thậm chí việc ông Gaddafi mất quyền có thể châm ngòi cho sự bất ổn.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng khi Gaddafi gặp khó khăn, các thủ lĩnh của bộ tộc Zuwaya và Misratah ở phía Đông Libya, những người từng có nhiều quyền lực trước khi ông lên nắm quyền, sẽ thấy đây là cơ hội để họ lấy lại những gì đã mất. Ở phía Tây, bộ tộc Warfala lớn nhất và mạnh nhất tại Libya, vốn chịu sức ép từ chính quyền kể từ khi họ tổ chức một cuộc nổi loạn không thành hồi năm 1993, sẽ coi đây là cơ hội phục thù. Hoạt động của những lực lượng này sẽ khiến tình hình Libya thêm rối rắm.

Tờ Express nói rằng Libya cũng ẩn chứa trong lòng nhiều mâu thuẫn sắc tộc như đã diễn ra tại Iraq. Dưới thời Gaddafi, các mâu thuẫn này bị kìm chế. Nhưng một khi ông mất quyền, các xung đột sẽ lập tức xuất hiện, bùng nổ. Luật pháp và trật tự biến mất. Kẻ thù tồi tệ nhất của nhân loại, sự hỗn loạn, sẽ tràn ngập trên phố. Nguy cơ xuất hiện hàng loạt những kẻ đánh bom tự sát, các tay súng Hồi giáo ôm theo tiểu liên AK nã đạn vào nhau sẽ là điều khó tránh.

Quan trọng hơn cả, thông qua việc can thiệp vào tình hình Libya, liên quân quốc tế có thể sẽ kéo dài cuộc nội chiến đang diễn ra, thay vì ngăn chặn nó. Và kết cục sẽ chỉ tệ đi thay vì tốt hơn. Có thể thấy liên quân quốc tế đang nắm trong tay họ những người lính thiện chiến, những vũ khí hiện đại nhất thế giới. Nhưng rõ ràng chỉ dùng bom đạn sẽ không thể nào tạo nên một “thiên đường dân chủ” theo hướng phương Tây mong muốn ở sa mạc Libya.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm