Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 1.560.911 ca mắc mới Covid-19

31/03/2022 09:34 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 31/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 486.655.204 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.160.978 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 đã bình phục là 421.852.418 người trong khi vẫn còn 58.641.808 người chưa khỏi.     

Nghiên cứu phát triển thuốc xịt mũi điều trị Covid-19

Nghiên cứu phát triển thuốc xịt mũi điều trị Covid-19

Các chuyên gia của Đại học British Columbia (Canada), Đại học Sherbrooke (Canada) và Đại học Cornell (Mỹ) đã cùng phối hợp nghiên cứu thử nghiệm thành công một loại thuốc dạng xịt điều trị COVID-19 trên chuột.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng 81.719.254 ca mắc và 1.005.958 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 43.024.302 ca mắc, trong đó có 521.159 ca tử vong và Brazil với 29.916.334 ca mắc, trong đó có 659.570 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 1.560.911 ca mắc mới COVID-19, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 320.743 ca. Con số này đã giảm mạnh so với 424.641 ca của ngày trước đó. Tiếp đến là Đức với 267.367 ca và Pháp với 169.024 ca.   

Xét về lục địa, châu Âu đứng đầu thế giới về số ca mắc mới với 178.015.867 ca mắc và 1.769.774 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai khi ghi nhận tổng cộng 138.932.840 ca và 1.400.882 ca tử vong. Đứng thứ ba là Bắc Mỹ với 96.498.191 ca mắc, trong đó có 1.441.102 ca tử vong và tiếp đến là Nam Mỹ với 56.083.508 ca mắc và 1.287.558 ca tử vong.   

Trong ngày 30/3,  Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật đánh giá về dịch COVID-19, theo đó WHO đã nêu ra 3 kịch bản dịch bệnh có thể diễn biến trong năm nay. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dựa trên các đánh giá, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng thận trọng cho rằng những đợt gia tăng số ca nhiễm và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn, khi miễn dịch suy giảm. Điều này có thể khiến việc tiêm bổ sung cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương là cần thiết.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng cho biết hai kịch bản còn lại là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, và khi đó các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết, hoặc một biến thể mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng.     

Đây là bản cập nhật thứ ba của Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược được WHO công bố. Ông Ghebreyesus cũng cho biết đây có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng mà WHO đưa ra. Báo cáo đầu tiên đã được tổ chức này công bố vào tháng 2/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.   

Sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine phòng COVID-19 với nhóm đối tượng từ 50 tuổi trở lên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có kế hoạch tiêm mũi này. Theo quy định, những người từ 50 tuổi trở lên có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai 4 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường đầu tiên. Tổng thống Biden, 79 tuổi, đã tiêm mũi vaccine tăng cường đầu tiên của Pfizer vào cuối tháng 9/2021.   

Trong bối cảnh số ca mắc mới giảm và hầu hết người dân trở lại cuộc sống bình thường, hàng loạt các bang tại Mỹ đã đóng cửa các điểm xét nghiệm, tiêm chủng miễn phí nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo cần thận trọng.      

Theo số liệu của The New York Times, số ca nhiễm mới vẫn tăng ở một số nơi, trong đó có New York, và nước Mỹ vẫn chậm hơn nhiều nước khác trong nỗ lực tiêm chủng phổ cập. Tới thời điểm hiện tại, khoảng 65% người dân tại Mỹ đã tiêm đủ liều cơ bản trong khi mới có khoảng 1/3 người đã tiêm một mũi tăng cường (tức là mũi thứ 3). Các chuyên gia cho rằng nếu đại dịch bùng phát lại thì Mỹ sẽ rất khó có thể nhanh chóng mở lại các điểm xét nghiệm và tiêm chủng hàng loạt đã đóng cửa.

Tuy nhiên, giới chức quản lý y tế ở các bang cho rằng họ chỉ đang chuyển hướng cách thức phòng chống dịch COVID-19 bởi nhu cầu xét nghiệm và tiêm chủng của người dân đã giảm mạnh. Hiện mỗi ngày cả nước Mỹ chỉ tiêm khoảng 225.000 liều vaccine trên tổng số dân số khoảng 330 triệu người. Tại những nơi nhân viên y tế đến tận nhà tiêm chủng cho người dân hay tặng tiền mặt để khuyến khích người dân tiêm chủng như Chicago, giới chức tại đây cho biết sẽ chính thức dừng các chương trình khuyến khích này kể từ tháng 4 tới.     

Chính quyền bang Texas cũng khẳng định đã đóng cửa các điểm xét nghiệm và tiêm chủng để tiết kiệm nguồn lực bởi số người tới xét nghiệm hay tiêm chủng tại đây đã giảm từ 3.500 người mỗi ngày vào thời điểm mới có vaccine xuống còn 50 người mỗi ngày trong tuần vừa qua.      

Thêm vào đó, chi phí để vận hành các điểm lớn như vậy khá tốn kém, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách hỗ trợ chống COVID-19 của chính quyền liên bang đã bắt đầu bị cắt giảm khiến các bang phải đưa ra các phương thức phòng ngừa đại dịch linh hoạt và tiết kiệm hơn, chẳng hạn như chỉ khuyến khích những người chưa tiêm chủng đến tiêm ở ngay ở nơi làm việc của họ.

Thanh Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm