Trẻ em - mục tiêu mới của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19

20/09/2021 20:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, nhiều nước và khu vực trên thế giới đã thực hiện tiêm chủng ngừa COVID-19 ít nhất một liều cho hơn 70% dân số trưởng thành. Có những nước thì tỷ lệ dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ cũng đã ở mức cao. Với phần lớn dân số trưởng thành đã hoàn tất tiêm chủng ngừa COVID-19, các nước trên thế giới hiện đang chuyển dần mục tiêu tiêm chủng sang đối tượng trẻ em với kỳ vọng vừa để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh và ngăn các biến thể phát triển, vừa để tiến tới mở cửa trường học trở lại.

Singapore tăng cường các biện pháp phòng dịch cho trẻ em và người già

Singapore tăng cường các biện pháp phòng dịch cho trẻ em và người già

Do số ca mắc Covid-19 ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, Singapore đã tăng cường các biện pháp phòng dịch.

Những điều cần lưu ý

Từ đầu tháng 9, trẻ em tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, biến thể Delta gây COVID-19 vẫn đang là mối đe dọa lớn khi mà tỷ lệ trẻ em mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 có xu hướng tăng cao. Và để bảo vệ các em trước biến thể Delta đang lây lan, chương trình tiêm chủng cho trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên đang được một số quốc gia đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là một điều rất cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ các quy trình tiêm chủng cho đối tượng này. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ mới chỉ khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên với vaccine Pfizer, còn những lứa tuổi khác vẫn đang được nghiên cứu. Đa phần các quốc gia trên thế giới cũng khá thận trọng trong việc tiêm chủng cho toàn bộ trẻ nhỏ mọi lứa tuổi.

Các chuyên gia y tế nhận định, dù vaccine COVID-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho người lớn, là chìa khóa giúp thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng những số liệu đó không thể thay thế cho việc nghiên cứu trên trẻ em. Hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine trên trẻ em vẫn gặp không ít khó khăn. Trong số đó có việc trẻ em khi tham gia thử nghiệm phải có sự đồng ý của cha mẹ, một điều không dễ, hay một số trẻ khi tham gia nghiên cứu lại không hợp tác vì sợ bị tiêm.

Ngoài ra, việc đánh giá xem liệu vaccine có thể bảo vệ trẻ hay không là một nhiệm vụ không đơn giản vì trẻ không dễ thể hiện cảm nhận của cơ thể một cách rõ ràng. Do đó, để có kết quả cuối cùng, các nhà nghiên cứu buộc phải theo dõi mức độ kháng thể của trẻ trong nhiều tháng.

Trẻ em là những cơ thể khác biệt, không phải là "những người lớn trong kích cỡ nhỏ bé", đây có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất khi các quốc gia tiến hành tất cả các hoạt động nghiên cứu và chủng ngừa vaccine COVID-19 cho đối tượng trẻ em.

Chú thích ảnh
Một bé gái được tiêm vaccine Soberana-02 do Cuba sản xuất hồi tháng 8/2021

Theo ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá sinh học và nghiên cứu của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), trong khi chờ vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi được cấp phép, nếu các bậc cha mẹ muốn làm điều đúng đắn cho con cái của mình ngay bây giờ, cha mẹ nên tự mình đi tiêm phòng, cho bản thân họ, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho con cái.

Các nước đã thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trẻ em được xếp vào nhóm ít tổn thương, hiếm có khả năng diễn biến nặng khi mắc bệnh hơn so với người lớn. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ phải nhập viện, thậm chí tử vong vì COVID-19. Hàng loạt triệu chứng suy nhược kéo dài hàng tháng cũng xuất hiện ở trẻ - điều đã từng thấy ở người lớn. Điều này khiến các chuyên gia ủng hộ việc tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.

Liên minh châu Âu (EU) đã dần mở rộng chiến lược phủ vaccine sang trẻ em, nhằm giảm lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng nguy hiểm khi COVID-19 vẫn có thể lây lan ở trẻ em. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hồi tháng 5/2021 đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt hơn 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 sau khi tiêm vaccine.

EMA thừa nhận quy mô các nghiên cứu còn hạn chế, đồng nghĩa khả năng chưa phát hiện hết tác dụng phụ của vaccine COVID-19 ở trẻ em. Dù chiến lược tiêm chủng COVID-19 ở trẻ em chưa được áp dụng đồng bộ trên khắp châu Âu vì lo ngại tác dụng phụ, nhiều nước đã tiên phong tăng độ phủ vaccine đến nhóm dân số nhỏ tuổi. EMA khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.

Các quốc gia châu Âu như Italy, Pháp và Đức hiện đang áp dụng chiến lược tiêm chủng quyết đoán.

Italy cho phép người từ 12 đến 18 tuổi tiêm vaccine không cần đặt lịch từ ngày 16/8, đặt mục tiêu phủ vaccine phần lớn thanh thiếu niên cả nước trước khi năm học bắt đầu vào tháng 9. Tính đến ngày 14/9, khoảng 74% tổng dân số trên 12 tuổi của Italy đã được tiêm vaccine COVID-19.

Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liệu trình. Từ cuối tháng 9, những người dưới 18 tuổi ở Pháp khi đến nơi công cộng phải xuất trình thẻ xanh COVID-19, chứa chứng nhận tiêm chủng hoặc thông tin xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước.

Đức thời gian đầu cũng chần chừ tiêm chủng trẻ em như Anh, chỉ khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ có bệnh nền. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta bùng phát ở châu Âu, cơ quan y tế Đức chấp nhận thay đổi chiến lược và đề nghị tiêm cho mọi trẻ từ 12-18 tuổi.

Chú thích ảnh
Một bé gái 13 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại Estonia vào tháng 8. Ảnh: AP

Tại Anh, chính quyền nước này cũng đã cho phép trẻ vị thành niên 16-17 tuổi tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 23/8. Trẻ từ 12-15 tuổi thuộc diện nguy cơ mắc Covid-19 cao hoặc sống với người lớn có nguy cơ bệnh nặng cũng được khuyến khích tiêm chủng. Tuy nhiên kế hoạch mở rộng tiêm chủng đến nhóm 12-15 tuổi không thuộc diện nguy cơ cao thì vẫn chưa được Anh thống nhất.

Hiện Ủy ban Liên ngành về Tiêm chủng và Miễn dịch (JCVI), cơ quan tư vấn y tế cho chính phủ Anh, cho rằng lợi ích từ tiêm chủng "chưa đủ để ủng hộ khuyến nghị tiêm đại trà" cho nhóm tuổi này, song 4 cố vấn y tế hàng đầu cho các thành viên Liên hiệp Anh (gồm Anh, Scotland, Bắc Ireland và Wales) thì nhận định trẻ em 12-15 tuổi nên được tiêm mũi thứ nhất. Theo họ, biện pháp này hạn chế nguy cơ năm học mới bị gián đoạn bởi các đợt bùng phát Covid-19.

Mũi thứ hai có thể trì hoãn đến đầu năm 2022 hoặc trễ hơn, chờ theo dõi kết quả tiêm chủng và cộng đồng khoa học thế giới thu thập thêm dữ liệu nghiên cứu. Ngày 13/9 vừa qua, các cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Anh đã khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 để tránh gián đoạn việc học tập.

Còn tại Mỹ, chính phủ nước này đã cho phép tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ trên 12 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. Trước đó, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) bắt đầu cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này cho người từ 16 tuổi trở lên vào cuối năm ngoái. Nghiên cứu đã chỉ ra vaccine của hãng Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa COVID-19 ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Nghiên cứu trước đây cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ 95% ở những người từ 16 tuổi trở lên, và hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng do biến thể Delta lên tới 96%.

Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta. Đến cuối tháng 7, 42% trẻ thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi, 32% đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine COVID-19. Hiện Mỹ đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5-11 tuổi với vaccine Pfizer/BioNTech. FDA đã xem xét một nghiên cứu được tiến hành trên hơn 2.200 trẻ em Mỹ tuổi từ 12-15, một nửa trong số đó được tiêm vaccine Pfizer, số còn lại tiêm giả dược. Kết quả cho thấy một tuần sau khi tiêm liều 2, không em nào trong 1.005 em tiêm vaccine Pfizer nhiễm COVID-19, trong khi 16/978 em tiêm giả dược mắc COVID-19. Nghiên cứu này cho thấy vaccine Pfizer hoàn toàn hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19 ở nhóm tuổi này.

Ngoài ra, một số quốc gia như Cuba, Chile và Trung Quốc cũng đã triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi.

Trung Quốc từ ngày 7/6 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 theo công nghệ bất hoạt cho trẻ từ 3 đến 17 tuổi. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) xác nhận đây là một phần chiến lược tiêm chủng ít nhất 70% dân số cả nước ở mọi nhóm tuổi và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021. Sau quyết định trên, chiến lược tiêm chủng trẻ em ở Trung Quốc được triển khai theo từng bước, chia theo nhóm tuổi và ưu tiên địa phương có rủi ro cao. Mô hình thí điểm được lên kế hoạch triển khai ở 11 tỉnh vào tháng 7 với nhóm tuổi 15-17, sau đó mở rộng sang nhóm từ 12 đến 14 tuổi vào tháng 8.

Cuba từ ngày 6/9 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi. Nước này nhận thấy vaccine Soberana-2 do chính nước này sản xuất, tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở trẻ vị thành niên so với người lớn. Quốc gia với 11,2 triệu dân này đang đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em để có thể sớm mở cửa lại trường học một cách an toàn

Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi ngày 11/9 đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) cho biết quyết định trên được đưa ra sau quá trình đánh giá các thông tin cập nhật về an toàn và hiệu quả của loại vaccine này được trình lên hồi tháng 3 năm nay.

Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 2/8 đã phê chuẩn dùng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi trong tháng 5.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm