“Thiếu gia” nhà Red Bull gây tai nạn rồi bỏ chạy

10/09/2012 09:31 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Vụ một "thiếu gia" lái xe tông chết một sĩ quan cảnh sát và bỏ chạy ở Thái Lan đã gây sự chú ý dư luận đất nước chùa Vàng, không chỉ bởi nhân vật này là người thừa kế khối gia sản "tỷ đô" mà còn vì nó cho thấy một câu chuyện khác, trong đó không ít người giàu đã đứng trên tầm với của luật pháp.

Người dân ở Thái Lan vẫn thường đùa vui với nhau rằng nhà tù chỉ dành cho dân nghèo, bởi người giàu và các nhân vật có “quan hệ” rộng thường ít khi phải chui vào đây.

Âm mưu che giấu tội trạng

Đầu tuần trước, câu chuyện đùa này lại được nhắc lại trên một số diễn đàn mạng được ưa chuộng, theo sau vụ tai nạn do người cháu của người sáng lập hãng nước tăng lực Red Bull gây ra.

Vorayuth Yoovidhya, người cháu 27 tuổi của sáng lập viên Chaleo Yoovidhya, đã đâm thẳng chiếc Ferrari mới cóng vào xe máy chở một sĩ quan cảnh sát khiến nạn nhân thiệt mạng. Không dừng lại sau tai nạn, Vorayuth vẫn đạp ga, kéo xác nạn nhân đi vài chục mét trên phố, trong nỗ lực trốn thoát khỏi hiện trường.

Thiếu gia Vorayuth Yoovidhya mới bị bắt vì tội lái xe đâm chết người rồi bỏ chạy

Tuy nhiên cảnh sát Thái Lan khi lần theo dấu vết dầu máy xe đã tới cửa nhà Vorayuth. Bức ảnh chụp chiếc Ferrari màu nâu đen, với phần nắp ca bô bị lõm xuống, phần kính chắn gió rạn vỡ, đã xuất hiện trên trang nhất báo chí Thái Lan. Thiếu gia này sau đó thừa nhận mình là người lái chiếc Ferrari. Nhưng Vorayuth khẳng định lỗi là do viên sĩ quan đã lái xe chắn đường bất ngờ làm anh ta phanh không kịp. Vorayuth cũng đã lấy lại được tự do, sau khi đóng 500.000 baht (15.900 USD) tiền thế chân.

Điều đáng nói là trước khi Vorayuth lên tiếng nhận trách nhiệm, cảnh sát địa phương đã tìm cách thay đổi hiện trường nhằm đổ lỗi cho viên tài xế riêng của nhà Yoovidhya và qua đó xóa tội cho thủ phạm thực sự. Song sự việc đã bị phát hiện và đích thân giám đốc cảnh sát Bangkok Comronwit Toopgrajank đứng ra lãnh đạo cuộc điều tra nhằm vào vụ tai nạn. Ông đã đình chỉ công tác của một quan chức cảnh sát cấp quận vì đã âm mưu thay đổi kết quả điều tra và thề sẽ tìm ra sự thật, không cần biết kẻ sai phạm tới từ đâu.

“Chúng ta sẽ không để viên sĩ quan cảnh sát này chết mà không thấy công lý được thực thi" - Comronwit tuyên bố - "Sự thật sẽ tồn tại trong vụ này, tôi có thể đảm bảo".

Khi pháp luật "bênh" dân thượng lưu

Tuy nhiên dư luận và cả báo giới Thái Lan đã tỏ ý nghi ngờ việc Vorayuth sẽ phải đền tội tương xứng cho sai phạm của anh ta. “Nếu anh giàu, sẽ còn rất lâu người ta mới kết luận có tội và thường anh chỉ phải nhận án treo. Còn nếu anh nghèo, kết luật phạm tội sẽ đến còn nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Anh sẽ đi tù ngay lập tức" - một người bình luận đầy cay đắng trên diễn đàn Pantip Web.

Trong bài bình luận đăng ngày 9/9 mang tiêu đề "Vâng, chúng tôi biết bố anh là ai", tờ Bangkok Post nói rằng việc con cháu những người nổi tiếng và có vị thế cao trong xã hội được "biệt đãi" trước pháp luật là chuyện không hiếm ở Thái Lan. Đó là trường hợp của  Kanpitak ''Mu Ham'' Pachimsawat, con trai cựu Hoa hậu Thái Lan và là bà con thân thích của một phó giám đốc cảnh sát ở nước này. Kanpitak từng bị tuyên phạt 10 năm tù vì lao chiếc Mercedes vào một bến xe buýt hồi năm 2007, giết chết 1 phụ nữ và làm nhiều người khác bị thương.

Cảnh sát Thái Lan xem xét chiếc xe hơi gây tai nạn và xe máy của nạn nhân

Tuy nhiên Kanpitak đã được tạm trả tự do khi đâm đơn kháng án và giờ đã 23 tuổi, anh ta vẫn chưa phải ngồi tù một ngày nào.

Ngay cả khi trường hợp phạm tội trở nên quá tai tiếng và khó che giấu, mối quan hệ mạnh sẽ giúp kẻ phạm tội nghiêm trọng cũng chỉ phải nhận mức án hết sức nhẹ nhàng.

Có thể kể ra trường hợp của Orachorn ''Praewa'' Thephasadin Na Ayudhya, một cái tên đã được quá nhiều người Thái biết tới. Tháng 12/2010, khi mới 16 tuổi, nữ thiếu gia này đã chạy quá tốc độ và đâm vào một chiếc xe ngược chiều, làm 9 người chết. Một bức ảnh chụp cô nàng vẫn bình thản nhắn tin trên điện thoại sau khi sự việc xảy ra đã lan nhanh trên mạng, khiến dư luận phẫn nộ. Người ta tin không có cách nào để Orachorn thoát tội. Nhưng tới tuần trước, cô chỉ bị xử 2 năm tù treo và bị cấm lái xe cho tới năm 25 tuổi.

Đứng trên luật pháp?

Trường hợp nổi tiếng nhất phải kể tới 3 đứa con trai Arthan, Wanchalerm và Duang của Phó Thủ tướng Chalerm Yubamrung. Theo tờ Bangkok Post, 3 nhân vật này từng nổi tiếng vì các màn ăn chơi phá phách về đêm. Mỗi khi "gặp vấn đề" với dân thường hay cảnh sát, những thanh niên này luôn nổi tiếng với câu: "Các người có biết cha tôi là ai không?"

Đứa con trai út Duang thậm chí còn bắn chết một sĩ quan cảnh sát trong một cuộc đối đầu giữa đêm. Nạn nhân bị bắn trước một đám đông, theo kiểu hành quyết.

Nhiều tháng sau sự kiện, Duang đã biến mất một cách bí hiểm và chỉ được gia đình đưa đi đầu thú khi sức ép dư luận tăng lên. Nhưng tới thời điểm đó, các nhân chứng chủ chốt đã từ chối cung khai. Một số nhân chứng biến mất bí hiểm. Đoạn video ghi lại màn sát hại đã không còn nữa và vụ án bị hủy vì thiếu bằng chứng. Hơn 10 năm sau sự kiện, tháng 7 vừa qua, Duang đã gia nhập Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, là quan chức ở một trung tâm huấn luyện. Điều nghiệt ngã là một trong những nhiệm vụ của anh này lại chính là việc dạy bắn súng.

Đánh giá về những trường hợp biệt đãi kể trên, nhà bình luận Somkiat Onwimon cho tờ Washington Post biết rằng Thái Lan là đất nước đề cao sự tôn kính và các quan hệ mang tính bảo trợ. Đó là lý do vì sao ngay cả cảnh sát cũng bất lực khi các cậu ấm cô chiêu ở đây quậy phá, phạm luật và thậm chí là gây hậu quả nghiêm trọng.

"Cảnh sát sợ những người có nhiều ảnh hưởng" - ông nói - "Họ đối xử với những cá nhân nổi tiếng một cách khác biệt và để những kẻ này phá bỏ luật pháp".

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm