Thế giới tổng cộng 415.771.937 ca mắc Covid-19 và 5.855.253 ca tử vong

16/02/2022 08:52 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 16/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 415.771.937 ca mắc COVID-19 và 5.855.253 ca tử vong. Số ca hồi phục là 338.451.943 ca.      

Thế giới hơn 412 triệu ca mắc Covid-19 hơn 5,8 triệu ca tử vong

Thế giới hơn 412 triệu ca mắc Covid-19 hơn 5,8 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 14/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 412.076.898 ca mắc COVID-19 và 5.833.903 ca tử vong. Số ca hồi phục là 332.575.120 ca, trong khi vẫn còn 73.667.875 ca đang được điều trị. 

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79.622.891 ca mắc và 948.759 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 42.721.845 ca mắc và 509.903 ca tử vong, Brazil với 27.664.958 ca mắc và 639.822 ca tử vong, Pháp với 21.877.555 ca mắc và 135.579 ca tử vong.   

Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày tại Hàn Quốc đã đạt mốc 90.000 ca - mức cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.        

Theo thông báo sáng 16/2 của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận 90.443 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 90.281 ca lây nhiễm cộng đồng. Con số này tăng đáng kể so với mức cao kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó - 57.164 ca. Như vậy, hiện Hàn Quốc đã có tổng cộng 1.552.851 trường hợp mắc COVID-19.      

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc là 7.202 ca - tăng 39 ca so với con số thống kê ngày 15/2. Tỷ lệ tử vong là 0,46%. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết trong ngày 18/2, chính phủ nước này sẽ ra quyết định về việc có điều chỉnh các biện pháp phòng dịch hiện tại hay không.   

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang có dấu hiệu giảm nhiệt khi chỉ ghi nhận thêm 84.220 ca mắc mới trong ngày 15/2. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế Nhật Bản nhận định rất khó để dự báo về thời điểm đạt đỉnh của làn sóng lây nhiễm này, đồng thời cảnh báo người dân cần chú ý làm tốt các biện pháp phòng dịch trọng điểm, nhất là khi chính phủ dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh cho người nước ngoài từ tháng 3 tới.   

Những số liệu tại Nhật Bản cho thấy, nước này đã vượt qua mốc 4 triệu ca mắc COVID-19, kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào ngày 16/1/2020. Từ thời điểm đó đến nay, Nhật Bản đã chứng kiến 6 làn sóng lây nhiễm COVID-19 với làn sóng thứ nhất và thứ hai lần lượt vào mùa Xuân và mùa Hè năm 2020. Làn sóng thứ ba xuất hiện vào cuối năm 2020 - đầu năm 2021 với trọng tâm là vùng thủ đô.

Tiếp đó, làn sóng thứ tư bắt đầu từ tháng 3/2021 với sự xuất hiện của biến thể Alpha, trong khi biến thể Delta hoành hành ở Nhật Bản vào dịp nước này tổ chức Thế vận hội (Olympic) mùa Hè Tokyo 2020. Ở làn sóng lây nhiễm hiện tại, biến thể Omicron đang bao phủ gần như toàn diện tại Nhật Bản, nâng tổng số mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này vượt quá 4 triệu người.     

Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng cho thấy trong tháng 1/2022, đã có 98.000 trẻ mắc COVID-19, trong đó 50% số trường hợp ở bậc tiểu học, cao gấp 2,6 lần so với đỉnh điểm là tháng 8/2021. Ngoài ra, đã có 2.400 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm thứ 6 tính đến thời điểm này, tương đương tỷ lệ 0,1%. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các làn sóng lây nhiễm trước đó nhưng do tổng số ca mắc COVID-19 lần này rất cao nên đây cũng là con số đáng lo ngại.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Indonesia, chính phủ nước này thông báo sẽ giảm thời gian cách ly đối với khách du lịch đã được tiêm nhắc lại ngừa COVID-19 từ 5 ngày hiện nay xuống 3 ngày, trong bối cảnh tốc độ lây lan của đại dịch có dấu hiệu chậm lại. Quy định mới sẽ có hiệu lực “từ ngày 1/3 tới hoặc sớm hơn” tùy theo tình hình trên hai hòn đảo Java và Bali đông dân.   

Trong khi đó, thỏa thuận "bong bóng du lịch" đối với du khách từ Singapore đến Batam và Bintan (thuộc Indonesia) sẽ bắt đầu được triển khai vào ngày 18/2 và sẽ được mở rộng sang đảo Karimun.     

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, số người nhập viện trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron hiện nay chỉ bằng 30-40% làn sóng lây nhiễm thứ hai do biến thể Delta hồi tháng 7/2021. Ngoài ra, hơn 50% trong số những người nhập viện không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia cũng thấp hơn rất nhiều so với đợt lây lan dịch lần trước. Cụ thể, số ca tử vong trong ngày hiện chỉ còn khoảng 110 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh điểm 2.069 ca trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta hồi năm ngoái. Tính đến ngày 11/2, nước này đã ghi nhận 620.784 trẻ em mắc COVID-19, chiếm 13,3% tổng số ca mắc đã được xác nhận.         

Canada cũng đã điều chỉnh chính sách đi lại quốc tế. Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos cho biết những hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR hoặc các xét nghiệm phân tử khác, trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này. Hành khách sẽ vẫn phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi đến, nhưng được phép tùy chọn sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (một biện pháp xét nghiệm ít tốn kém hơn và cho kết quả nhanh hơn) hoặc xét nghiệm phân tử, để đáp ứng các yêu cầu trước khi nhập cảnh.    

Những hành khách này cũng sẽ không phải cách ly tại nhà như hiện tại, trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR ngẫu nhiên được thực hiện khi đến Canada. Theo ông Duclos, trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ và đi cùng người lớn đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải chờ đợi và tự cách ly trước khi được đến trường, nhà trẻ... Ngoài ra, ông Duclos cho biết chính phủ không còn khuyến cáo người dân Canada tránh các chuyến đi với những mục đích không thiết yếu.

Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm