'Sóng ngầm' đằng sau quyết định của Tổng thống Trump

06/04/2018 19:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donal Trump triển khai 2.000 - 4.000 binh sỹ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia đến biên giới phía Nam giáp với Mexico cho đến khi dự án bức tường dọc biên giới chung được hoàn tất đang làm bùng phát căng thẳng giữa hai nước láng giềng.

Lý do mà ông chủ Nhà Trắng đưa ra là nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ và nguồn ma túy tuồn từ Mexico vào Mỹ, trong khi chính quyền Mexico coi đây là sự thổi phồng các nguy cơ gây tổn hại tới quan hệ giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump thị sát khu vực bức tường biên giới với Mexico tại San Diego, California ngày 13/3. Ảnh: AFP/TTXVN.

Kế hoạch triển khai binh lính tại đường biên giới phía Nam đã được Tổng thống Trump nhiều lần đề cập, và với quyết định này, ông đã hiện thực hóa thêm một cam kết nữa trong chiến dịch tranh cử của mình, cho thấy lập trường cứng rắn của ông Trump trong giải quyết tận gốc vấn đề người di cư bất hợp pháp.

Trước đó, ông Trump có lời "chê bai" chính phủ Mexico đã làm "quá ít" để ngăn chặn dòng người di cư hàng ngày hướng lên phía Bắc, đồng thời đe dọa xóa bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada) và cắt giảm viện trợ cho các nước Trung Mỹ nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dòng người di cư.

Dòng người di cư mà ông Trump nhắc đến là đoàn người tị nạn với gần 1.500 người mỗi ngày đến từ các nước Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador. Những người này trung chuyển qua Mexico để hướng lên phía Bắc vào Mỹ.

Phía Mexico nhiều lần chỉ rõ rằng những đoàn người di cư này đã xuất hiện từ năm 2000, đa số muốn trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực và nghèo đói tại quê hương, và rất ít trong số này muốn vượt biên sang Mỹ. Đảm bảo an ninh đất nước, duy trì trật tự xã hội là nhiệm vụ cần thực thi của chính phủ của một nước và càng không thể phủ nhận điểm tích cực trong chính sách nhập cư của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Tuy nhiên, động thái mới đây của ông chủ Nhà Trắng đã "động chạm" đến lòng tự trọng quốc gia của Mexico, quốc gia vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ chính trị và kinh tế Mỹ, và chắc chắn sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương lâu đời này.

Điều này đã được Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cảnh báo ngay sau khi kế hoạch trên được ông Trump công bố. Trong một thông điệp quốc gia được truyền hình trực tiếp, ông Pena Nieto cho rằng động thái này gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương, đồng thời kêu gọi Tổng thống Mỹ tôn trọng các vấn đề chính trị nội bộ, luật pháp của Mexico.

Ông nhấn mạnh Mexico sẵn sàng đối thoại với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng hợp tác với Washington để giải quyết các bất đồng, song Mexico sẽ không đánh đổi "chủ quyền" và "lòng tự trọng" để đạt được thỏa thuận ấy.

Theo nhà lãnh đạo Mexico, nếu những tuyên bố về người nhập cư mới đây của Tổng thống Trump xuất phát từ sự thất vọng về những bất hòa trong nội bộ chính trường Mỹ, ông chủ Nhà Trắng nên giải quyết với các nhà lập pháp Mỹ, chứ không "chĩa" chỉ trích về chính phủ và người dân Mexico.

Thượng viện Mexico cũng có phản ứng gay gắt khi ra nghị quyết chỉ trích động thái trên của Mỹ, đồng thời hối thúc Chính phủ Mexico chấm dứt hợp tác với Washington trong vấn đề nhập cư và an ninh. Các nhà lập pháp Mexico cho rằng quyết định của Tổng thống Trump là "một sự xúc phạm" đối với Mexico, và yêu cầu chính phủ ngừng hợp tác với phía Mỹ cho đến khi người đứng đầu Nhà Trắng thay đổi thái độ.

Lập luận chính gây căng thẳng giữa hai bên chính là ở chỗ nếu như Washington coi việc triển khai binh sĩ là giải pháp tạm thời, thì chính giới Mexico gọi đây là việc quân sự hóa biên giới chung. Các ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới tại Mexico cũng đã đồng loạt có phản ứng gay gắt.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: UPI/TTXVN

Ứng cử viên cánh tả Andrés Manuel López Obrador, đứng đầu liên minh “Cùng nhau, chúng ta làm nên lịch sử”, khẳng định không chấp nhận thanh toán chi phí xây dựng bức tường chung, cũng như việc quân sự hóa tại biên giới hai nước. Ứng cử viên đang được lòng cử tri này nhấn mạnh Mexico sẽ không trở thành "con rối" cho bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, và mối quan hệ song phương với Mỹ phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.

Ông Ricardo Anaya Cortés, thuộc liên minh “Vì Mexico tiến lên” thì cho rằng cần có sự đáp trả "nhanh chóng và mạnh mẽ" trước những lời "đe dọa" của Washington, bởi với thái độ của người láng giềng phương Bắc, hai bên không thể hợp tác hay đối thoại. Ông Anaya đồng thời chỉ trích chính phủ của Tổng thống Pena Nieto "thụ động" trong vấn đề này.

Cùng đồng quan điểm trên, ông Jose Antonio Meade Kuribreña, thuộc liên minh “Tất cả vì Mexico” cảnh báo Tổng thống Trump "đừng nhầm lần" trong việc điều động binh lính tới biên giới chung, bởi đây là động thái gây hấn không thể chấp nhận đối với Mexico.

Nhiều ý kiến trong nội bộ nước Mỹ cũng đánh giá kế hoạch của ông Trump là một sai lầm. Những tổng thống tiền nhiệm như George W. Bush và Barack Obama cho rằng chỉ bêb triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới để tiến hành các chiến dịch có tính thời điểm.

Và để tránh vi phạm luật liên bang (vốn cấm quân đội tham gia các hoạt động an ninh nội địa), lực lượng này chỉ thực hiện các nhiệm vụ về quản lý và xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động triển khai tốn kém và sự thiếu kinh nghiệm về kỹ năng tuần tra của Lực lượng Vệ binh quốc gia sẽ đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả thực sự của kế hoạch này.

Nếu không có sự tính toán kỹ, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ phải hứng chịu hậu quả có thể gây tổn hại đến uy tín quốc gia. Còn nhớ hồi năm 1997, một thành viên của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắn nhầm một thanh niên 18 tuổi đang chăn dê ở một ngôi làng nhỏ ở Redford, bang Texas, khiến chàng thanh niên này thiệt mạng. Sự việc này đã gây bão dư luận thời bấy giờ, và buộc Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton chấm dứt sự hiện diện quân sự dọc biên giới với Mexico.

Thống đốc bang California Jerry Brown, một chính khách thuộc phe Dân chủ, đã bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của kế hoạch trên khi ông liệt kê loạt vấn đề cần tính tới như ngân sách, thời gian triển khai và mục đích thực sự của việc triển khai quân. Một chính khách khác thuộc phe Dân chủ là Thống đốc bang Montana Steve Bullock cũng phản đối kế hoạch, khẳng định không bao giờ cho triển khai lực lượng Vệ binh của bang này khi chỉ "đơn giản dựa vào ý tưởng bất chợt đăng tải trên Twitter" của Tổng thống Mỹ. Chính quyền bang Oregon cũng đã có quyết định tương tự. Trong khi đó, chính quyền New Mexico và Texas, hai bang thuộc phe Cộng hòa, đã ủng hộ kế hoạch này.

Một số nhà phân tích nhận định kế hoạch của ông Trump dường như mang thông điệp chính trị hơn là hành động thực tế. Điều này xuất phát từ việc không hài lòng khi kế hoạch xây dựng bức tường chung dài 3.200 km với Mexico chỉ nhận được khoản ngân sách 1,6 tỷ USD, thấp hơn so với đề xuất 25 tỷ USD trước đó, và dường như ông muốn "xả" giận thông qua chủ trương này.

Giám đốc cấp cao về chính sách nhập cư quốc tế thuộc Trung tâm nghiên cứu Di cư New York Kevin Appleby thậm cho cho rằng không kiếm được nguồn tài chính cho bức tường biên giới, Tổng thống Trump đã "mượn" quân một cách vô trách nhiệm. Tuy nhiên, cách thức này vẫn khó có thể giúp ông Trump đạt được mục tiêu.

Trực thăng chở vợ chồng con gái Tổng thống Trump hạ cánh khẩn cấp

Trực thăng chở vợ chồng con gái Tổng thống Trump hạ cánh khẩn cấp

Trực thăng chở cặp đôi Ivanka Trump và Jared Kushner – con gái con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump – đã buộc phải quay trở lại sân bay ở Washington vì sự cố động cơ.

TTXVN/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm