Những vị tướng công an trong ban chuyên án vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước

12/07/2015 09:56 GMT+7 | Thế giới

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, một Ban chuyên án đã được thành lập. Nhiều tướng lĩnh, điều tra viên cao cấp, trinh sát giỏi đã được huy động. Trong số đó, nhiều người đã từng tham gia những chuyên án nổi tiếng như vụ án Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa.

Ban chỉ đạo chuyên án do Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban. Ban chuyên án do Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban. Lãnh đạo các Tổng cục Cảnh sát, An ninh, các Cục nghiệp vụ: C44, C45, C46, C54, C53, A70, A71 – Bộ Công an; Phòng PC44, PC45, PC46, PC47, PC54, PA71 và Công an huyện Chơn Thành, Bình Phước là thành viên chuyên án.

Qua tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp cùng phong trào toàn dân tố giác tội phạm, đến 15h ngày 10-7, Ban chuyên án đã bắt được hung thủ là Nguyễn Hải Dương, quê quán: An Giang; tạm trú Ấp 1, Tổ 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM) và Vũ Văn Tiến quê quán: Bình Phước; tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an: Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự giúp đỡ của quần chúng thì việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của Ban chuyên án đã quyết định việc nhanh chóng điều tra, làm rõ thủ phạm gây án.


Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ Trưởng Bộ Công an chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả điều tra. Ảnh: K'HGửi - TTXVN

Công tác khám nghiệm hiện trường để phục vụ cho việc điều tra, truy bắt hung thủ đã được các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện hết sức công phu và tỉ mỉ.

Lực lượng kỹ thuật hình sự đã thu được rất nhiều dấu vết, dấu giày, kể cả vết máu của hung thủ để xác định gen… Kết luận chính xác thời gian tử vong của các nạn nhân, trên cơ sở đó dựng lên diễn tiến vụ án.


Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban

Từ kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường và các thông tin thu thập được, Ban chuyên án đã nhận định được hướng điều tra rất sát hợp về động cơ, mục đích của các đối tượng gây án, trên cơ sở đó xác định rõ đối tượng.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát: “Chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt không nghỉ ngơi một giây phút nào để truy bắt thủ phạm. Sau 3 ngày vào cuộc quyết liệt, yếu tố quyết định để phá vụ án là tinh thần tập trung cao độ trong công việc, không quản ngại ngày đêm xử lý một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn.


Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát

Qua đó, đã nhận định và đánh giá chính xác từng tình tiết của vụ án, thống nhất sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và các lực lượng trinh sát tham gia phá án".

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH: Cùng với việc thu thập dấu vết, Ban chuyên án tập trung xác minh các mối quan hệ của từng nạn nhân, trong đó tìm hiểu xem ai trong số họ đang có mâu thuẫn, và thấy nổi lên đối tượng Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), người yêu cũ của con gái đại gia Bình Phước.


Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, người trực tiếp trò chuyện, động viên hung thủ khai trung thực

Ban chuyên án xác định, Dương từng có thời gian ở cùng nhà với gia đình ông Mỹ. Trước khi xảy ra thảm án, Dương bị con gái vị đại gia ngành gỗ chủ động nói lời chia tay.Giả thuyết về một vụ án trả thù tình được đặt ra bên cạnh hai hướng điều tra khác. Sáng 8/7, thi thể 6 nạn nhân được công an bàn giao cho gia đình tổ chức tang lễ, khi thấy Dương xuất hiện tại hiện trường, lực lượng Công an đã tiếp cận, khéo léo mời tên này về trụ sở hỗ trợ việc cung cấp thông tin, giúp truy tìm hung thủ.

Tôi đã trực tiếp trò chuyện, động viên Dương khai trung thực về di biến động của mình trong thời điểm vụ án xảy ra. Lúc đầu, Dương tỏ ra lì lợm, đưa ra nhiều chứng cứ ngoại phạm. Anh ta tuyên bố im lặng cho đến khi có luật sư bào chữa. Tuy nhiên, đến trưa ngày 10/7, Dương mới chịu thú nhận, sau khi cơ quan điều tra trưng ra bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi. Sau đó, qua lời khai của Dương, chúng tôi đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Tiến, là đồng phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát: Tôi từng tham gia trực tiếp vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, vụ giết hai người ở Kiên Giang và ứng dụng công nghệ thông tin để điều tra phá án. Trong vụ án này, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát yêu cầu Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát phải trực tiếp mang phương tiện, thiết bị phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác phá án. Là cơ quan trực tiếp quản lý toàn bộ thông tin về tội phạm và sử dụng công nghệ thông tin chúng tôi đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.


Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng cục Cảnh sát quản lý hồ sơ nghiệp vụ

Đây là sự phối hợp hoàn hảo của lực lượng Cảnh sát hình sự, kỹ thuật hình sự, các cơ quan chức năng khác, đặc biệt sự giúp đỡ tận tình của người dân đã tạo thành thành. Có thể nói rằng trong lịch sử khám phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đây là vụ án đầu tiên mà ta phá được trước khi các nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm